TP.HCM: Di dời 1.500 con cá sấu vì chuồng trại không an toàn

15/11/2007 13:49 GMT+7

(TNO) Ngày 15.11, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, ông Nguyễn Đình Cương (ảnh) cho biết đã ra quyết định di dời 1.500 con cá sấu ra khỏi trại nuôi của ông Bùi Văn Đa (huyện Bình Chánh) vì chuồng trại không đảm bảo an toàn.

Trại của ông Đa nuôi khoảng 2.000 con cá sấu trưởng thành. Trong ngày 14.11, đoàn kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã phát hiện có 2 chuồng nuôi không đúng quy cách và chỉ cách bờ sông rạch có 1m. Lập tức, đoàn kiểm tra lập biên bản đề nghị di dời.

Đến sáng 15.11, khoảng 1.500 con cá sấu của trại ông Bùi Văn Đa đã được di dời về chuồng trại mới ở Đồng Tháp. Khoảng 500 con còn lại được đưa vào ở những chuồng trại tốt hơn.

Thống kê của Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, hiện toàn TP có khoảng 129.000 con cá sấu của 63 tổ chức, gia đình. Trong đó, 90% thuộc 4 đơn vị nuôi tập trung xuất khẩu thịt cá sấu ra thị trường nước ngoài.

Theo ông Cương, địa bàn TP.HCM bằng phẳng, tuy nhiên lụt và triều cường thường xuyên nên các đơn vị khi xây dựng trại nuôi phải tính các quy cách chuồng trại, vệ sinh môi trường, cán bộ kỹ thuật, thú y…

Chi cục Kiểm lâm TP cũng vừa có thông báo yêu cầu các tổ chức, cá nhân, chủ trang trại, hộ gia đình có nuôi cá sấu phải xây dựng chuồng trại phù hợp với từng khu vực, chuồng phải xây đảm bảo an toàn, cách xa những khu vực, sông, suối có nguy cơ xảy ra thiên tai; đồng thời phải có phương án quản lý, bảo vệ và có biện pháp tốt nhất khống chế có hiệu quả trong mọi trường hợp khi cá sấu sổng chuồng; có biển cảnh báo cho mọi người biết để không đến gần những nơi nuôi cá sấu nguy hiểm, nhất là các khu du lịch có nhiều khách tham quan; hàng rào sắt chắn kiên cố vững chắc xung quanh chuồng nuôi phải cao ít nhất là 1,5m.

Ông Cương cũng cho biết, hiện, trên địa bàn TP.HCM vẫn còn một số hộ nuôi cá sấu tự phát từ 50 con trở lên nhưng chưa đăng ký với Chi cục Kiểm lâm TP. Chi cục khuyến cáo tuỳ mức độ vi phạm, các đơn vị và hộ gia đình nuôi cá sấu có thể bị xử phạt vi phạm hành chính cho đến đề nghị xem xét xử lý hình sự.

Vào năm 2006, tại Bình Chánh đã có một trại nuôi để con cá sấu nặng khoảng 20 kg sổng chuồng. Thế nhưng, do hộ này kịp thời báo chính quyền địa phương và Chi cục Kiểm lâm TP.HCM nên đã ngay lập tức bắt được. Ông Cương cho rằng, sở dĩ dễ dàng bắt vì con cá sấu này mới sổng chuồng vẫn còn “lơ ngơ”, nếu cá sấu kịp quen với môi trường sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, sẽ rất nguy hiểm nếu các đơn vị hay hộ gia đình nuôi cá sấu hoặc động vật ăn thịt khác giấu diếm khi vật nuôi bị sổng chuồng. Nếu xảy ra sự cố gây nguy hiểm đến tính mạng con người hoặc gây hoang mang cho người dân trong vùng, chủ nuôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Từ ngày 14.11, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã mở đợt tổng kiểm tra để có hướng dẫn kịp thời những biện pháp kỹ thuật đến các hộ nuôi cá sấu, phòng tránh sự cố.

Ngọc Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.