TP.HCM: Hàng trăm doanh nghiệp địa ốc có thể bị phá sản

29/08/2005 23:25 GMT+7

Một cuộc họp sôi nổi nhất trong suốt những ngày đoàn kiểm tra thực hiện Luật Đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) làm việc tại TP.HCM đã diễn ra tại trụ sở của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP sáng 29/8. Nguy cơ phá sản do thị trường BĐS "đóng băng" đã được nhiều doanh nghiệp phản ánh với đoàn kiểm tra cùng rất nhiều bức xúc.

"Cắn răng chờ một phép mầu"

"Nếu không khai thông thị trường, hàng trăm DN sẽ bị phá sản và tòa án sẽ phải làm không hết việc bởi một DN địa ốc sụp đổ sẽ có hàng trăm khách hàng lâm nạn theo...", ông Nguyễn Văn Khởi - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà TP.HCM đã cho biết như vậy. Những lý giải của ông Khởi trong đó nhấn mạnh đến nguyên nhân "cơ chế tài chính chưa mở" đã được nhiều DN đồng tình. Ông Khởi nói rõ là chưa bao giờ ngành ngân hàng (NH) lại khó khăn trong việc cho DN địa ốc vay vốn như bây giờ. Thị trường "đóng băng" cho nên khi "gõ cửa" NH, DN chỉ nhận được những cái lắc đầu... Một trong những vướng mắc lớn là khi DN triển khai đền bù, chưa kịp làm hạ tầng và rất cần vốn thì NH đòi phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để thế chấp trong khi ở giai đoạn này, thành phố không cấp sổ đỏ, đây lại là lúc DN rất cần vốn để đầu tư hạ tầng. Vòng luẩn quẩn đó đã khiến nhiều DN phải "cắn răng chờ một phép mầu". Phép mầu đó, theo ông Nguyễn Phụng Thiều -Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn - Gia Định là phải khai thông được cơ chế tín dụng cho DN đầu tư kinh doanh địa ốc. Nếu không, theo ông Thiều "hậu quả sắp tới sẽ vô cùng lớn, nhất là đối với DN vừa và nhỏ, sẽ bị phá sản hết".

2 bao tải hồ sơ khiếu kiện !

Chiều 29/8, đoàn kiểm tra đã làm việc với Văn phòng tiếp công dân (VPTD) và Thanh tra TP về tình hình tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại về nhà đất trên địa bàn TP.HCM. Có đến hơn 1.000 người dân đã đến gửi đơn khiếu nại. Ông Nguyễn Khải - Trưởng đoàn Kiểm tra cho biết đã nhận được "2 bao tải hồ sơ khiếu kiện nhưng không thể nào đọc nổi vì ngày mai là buổi làm việc cuối cùng của đoàn với UBND TP.HCM".

DN trong nước có đủ sức cạnh tranh?

Ông Dương Công Thuyên, Giám đốc điều hành Công ty Him Lam, nêu câu hỏi: "Với cơ chế khó khăn như hiện nay ở rất nhiều lĩnh vực tài chính, chính sách với BĐS... Vài năm nữa, khi các DN nước ngoài vào Việt Nam đầu tư vào BĐS, các DN trong nước có cạnh tranh nổi không?". Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ nói: "Câu hỏi này tôi đã đưa ra trước cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 25/8 nhưng rất tiếc chỉ có một vài ý kiến lưu ý. Tôi cho rằng trên đà hội nhập, khi các DN nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh tham gia vào thị trường BĐS thì sẽ rất khó khăn với DN Việt Nam vì trên sân chơi ấy, DN của ta rất yếu. Tôi sẽ tiếp tục đặt vấn đề này trong các kỳ họp tới". Nhiều DN cũng cho rằng việc thu tiền sử dụng đất khi DN làm dự án có quá nhiều bất hợp lý như: khi thu tiền sử dụng đất thì áp dụng theo khung giá đất mới rất cao nhưng khi khấu trừ lại khoản đền bù giải tỏa thì lại theo mức giá đất nông nghiệp. Các DN cho rằng 2 khoản này chênh lệch rất lớn, khiến cho DN phải tính vào giá thành của sản phẩm nhà đất và như vậy, nhà nước cũng đã phần nào gián tiếp đẩy giá nhà đất lên cao.


Trưởng đoàn Kiểm tra Nguyễn Khải trao đổi với người dân TP.HCM chiều 29/8 (ảnh: D.Đ.M)

Một vấn đề khá "nhạy cảm" và có liên quan đến khá nhiều người dân tại các dự án cũng đã được DN đặt ra. Đó là đối với những dự án tuy có quyết định (QĐ) giao đất trước khi Luật Đất đai có hiệu lực (1/7/2004) nhưng ban hành phương án bồi thường sau thời điểm ấy thì áp dụng theo luật mới hay luật cũ? Thứ trưởng Đặng Hùng Võ trả lời: "Với trường hợp này thì phải áp dụng theo luật mới khi ban hành phương án bồi thường. Còn nếu chính quyền thấy có vướng mắc thì phải thu hồi QĐ trước luật để ký lại QĐ mới cho phù hợp".

Thứ trưởng Đặng Hùng Võ hứa sẽ chuyển những kiến nghị xác đáng của DN trình Chính phủ xem xét để đưa thị trường ra khỏi tình trạng "đóng băng" và bảo vệ được DN trong nước trước những khó khăn hiện nay và cả trong tương lai.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.