TP.HCM lý giải mức thu phí cảng biển bị cho là bất bình đẳng

02/06/2022 11:56 GMT+7

UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ giải trình về việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (phí hạ tầng cảng biển).

Trước đó, Bộ Tài chính có công văn yêu cầu TP.HCM sửa Nghị quyết, thay đổi mức thu phí hạ tầng cảng biển của địa phương từ ngày 1.4. Bộ Tài chính cho rằng việc quy định mức phí chênh lệch giữa hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM và mở tờ khai tại các địa phương khác đang gây bất bình đẳng, có sự phân biệt đối xử.

Bên cạnh đó, TP.HCM được cho là thu phí không đúng đối tượng với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, qua đó cản trở sự phát triển vận tải đường thủy nội địa, làm mất nguồn thu từ hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất và không đúng với quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thu đúng đối tượng, đúng quy định

Trong văn bản vừa gửi Văn phòng Chính phủ, UBND TP.HCM cho biết phí hạ tầng cảng biển được HĐND TP.HCM thông qua tại Nghị quyết số 10/2020, triển khai từ ngày 1.7.2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, HĐND TP đã hai lần lùi thời hạn thu phí. Tới ngày 1.4.2022 mới chính thức thu phí hạ tầng cảng biển.

Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 5 Thông tư số 85/2019 của Bộ Tài chính, phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu là khoản thu đối với các đối tượng sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu để bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, duy trì điều kiện phục vụ hoặc tái tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu.

Như vậy, tất các đối tượng có sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển đều phải nộp phí và quy định về đối tượng nộp phí tại Nghị quyết số 10/2020 của HĐND TP.HCM là phù hợp quy định.

Khi xây dựng mức thu phí hạ tầng cảng biển, TP.HCM không chọn phương pháp chi phí để tính mức phí vì nếu tính mức thu theo phương pháp chi phí thì mức thu sẽ vượt quá khả năng đóng phí của các doanh nghiệp cũng như vượt quá mức thu đang áp dụng của Hải Phòng.

Do đó, UBND TP sử dụng phương pháp so sánh để áp dụng mức thu của Hải Phòng. Đồng thời, căn cứ điều kiện cụ thể của thành phố và tham khảo mức thu phí của các địa phương có cửa khẩu biên giới đất liền hoặc cửa khẩu cảng biển trong khu vực để xây dựng mức thu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM

"Mức thu này được căn cứ Thông tư số 85/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nghị quyết số 10/2020 của HĐND TP.HCM là phù hợp theo quy định" - UBND TP.HCM khẳng định.

Sau rất nhiều ý kiến trái chiều từ các doanh nghiệp, hiệp hội, Bộ Tài chính đã đề nghị TP.HCM xem xét lại việc thu phí hạ tầng cảng biển.

Nguyên NGA

Chênh lệch mức thu nhằm điều tiết giao thông

Dẫn số liệu thống kê sản lượng hàng thông qua cảng TP.HCM năm 2019 là 168,756 triệu tấn, UBND TP.HCM cho biết thực tế đã vượt xa so với số liệu dự báo của Bộ GTVT vào năm 2030 là 159,98 triệu tấn. Đồng thời, theo Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (do Công ty Cổ phần TVXD Công trình Hàng hải lập - báo cáo tháng 10 năm 2020), dự báo lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM đến năm 2030 đạt 236,9 triệu tấn, trong đó riêng lượng hàng container khoảng 9,14 triệu teus.

Tình hình lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM như trên đã gây áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các các khu bến cảng, vốn đã thiếu và quy mô nhỏ. Ngoài ra, tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên trên các tuyến giao thông đường bộ kết nối trực tiếp đến khu bến cảng và là “điểm đen” về tai nạn giao thông.

Hiện nay do hệ thống hạ tầng giao thông quá tải, thời gian quay vòng xe tải là 2 chuyến/ngày và xe container là 1,5 chuyến/ngày do hạ tầng khu vực cảng biển TP.HCM chưa được cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh, chưa có làn đường chuyên dụng và do vận tốc khai thác thấp và do tình trạng kẹt xe các tuyến đường xung quanh cảng biển, đây là con số quay vòng khá thấp so với chi phí đầu tư xe tải và xe container của doanh nghiệp.

Để hạn chế số lượng các phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào thành phố trong giai đoạn hạ tầng giao thông chưa thể đáp ứng như hiện nay, cần thiết có giải pháp về kinh tế.

Mặt khác, trong tổng số hàng qua cảng biển TP.HCM hiện nay, chỉ có 40% là hàng hóa làm thủ tục thông quan tại thành phố, 55% hàng hóa thuộc các địa phương khác làm thủ tục thông quan tại các địa phương ngoài TP.HCM, 5% là hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu.

Như vậy, 60% hàng hóa đi vào, ra khỏi thành phố, sử dụng kết cấu hạ tầng và dịch vụ tiện ích của thành phố đã gây áp lực rất lớn lên kết cấu hạ tầng giao thông của TP.HCM trong khi hạ tầng giao thông thành phố chưa đủ điều kiện đáp ứng.

Đây là lý do TP.HCM xây dựng mức thu phí chênh lệch giữa việc mở tờ khai tại TP.HCM và ngoài TP.HCM.

Cũng theo UBND TP, ban đầu mức thu phí xây dựng cho xuất nhập khẩu hàng hóa container 20ft là 500.000 đồng/cont; container 40ft là 1 triệu đồng/cont; hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là 30.000 đồng/tấn.

Sau khi xem xét việc đóng góp các khoản phí, thuế cho ngân sách và điều kiện xã hội, TP.HCM đã xác định giảm 50% mức phí cho các doanh nghiệp mở tờ khai là những doanh nghiệp đóng góp ngân sách TP.HCM.

Hiện nay, UBND TP đã giao Sở GTVT tiếp tục theo dõi tình hình thu phí hạ tầng cảng biển và ghi nhận ý kiến góp ý của các bộ ngành, doanh nghiệp, cơ quan ban ngành để tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình thu phí, rà soát sự phù hợp.

"Trường hợp cần sửa đổi, UBND TP sẽ trình HĐND TP sửa đổi Nghị quyết số 10/2020 trong thời gian sớm nhất" - văn bản của UBND TP.HCM nêu rõ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.