TP Hồ Chí Minh: Dân nhập cư được "đối xử" thế nào?

29/08/2005 23:39 GMT+7

Ngược với những bức xúc thường thấy của dân nhập cư khi đề cập đến các chính sách giáo dục, quản lý lao động, hộ khẩu trên địa bàn, lãnh đạo các ngành giáo dục -đào tạo (GD-ĐT), y tế, lao động - thương binh - xã hội (LĐ-TB-XH) và công an TP.HCM, trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 29/8, đều khẳng định TP không hề có sự phân biệt đối xử nào với những người nhập cư...

“Các anh thử mặc áo thường dân xuống trường xin nhập học cho con em xem...”

GD - ĐT là lĩnh vực luôn "nóng" về chuyện trường công - tư, chạy trường, nhất là thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới, nhưng không khí phòng họp chiều 28/9 lại "mát" đến... lạ. Chuẩn bị cho buổi làm việc với đoàn khảo sát về quy định đối với học sinh con em người nhập cư trong việc xét tuyển, đóng góp..., Sở GD-ĐT đưa ra một báo cáo dài 3 trang, trong đó có 3... gạch đầu dòng nói vào vấn đề chính. Cụ thể, về tuyển sinh, Sở GD - ĐT cho biết đã "huy động tối đa 100% trẻ dưới 6 tuổi vào lớp 1 phổ thông, các trường lớp phổ cập, trường khuyết tật; tuyển 100% học sinh hoàn thành chương trình bậc tiểu học vào lớp 6 trên địa bàn kể cả số học sinh thuộc diện nhập cư theo đề nghị của các quận huyện"; về đóng góp "Sở GD-ĐT không có quy định nào về sự đóng góp đối với học sinh không có hộ khẩu thường trú đang theo học ở các trường trên địa bàn TP, kể cả nghiêm cấm các trường thu trái tuyến, sổ vàng...".

Phó vụ trưởng Vụ Hành chính - Hình sự Bộ Tư pháp Đặng Thành Sơn đề nghị làm rõ trình tự, thủ tục xin nhập học và điều kiện tuyển đối với học sinh diện KT3, KT4. Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD - ĐT vẫn khẳng định: "Thủ tục giống y như học sinh có hộ khẩu TP". Lấy ví dụ ở quận 1 sau khi có danh sách học sinh 6 tuổi, Phòng Giáo dục gửi giấy đến tận nhà trong đó ghi rõ học sinh sẽ học trường nào; còn ở Cần Giờ không phải gửi giấy, mà chuẩn bị khai trường có người đến tận nhà vận động cho con em đến trường, ông Minh phân tích: "Chuyện chạy trường thực ra rất ít, cá thể thôi. Là do người này muốn chạy trường về trung tâm, sinh ra chuyện nóng bỏng như vậy. Còn an tọa tại chỗ thì người ta đến tận nhà mời đến trường".

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên đặt vấn đề: "Tại Hà Nội, tất cả các học sinh KT3, KT4 thì không xét tuyển vào công lập, TP.HCM có như thế không?". Ông Huỳnh Công Minh khẳng định: "Trước đây do điều kiện trường lớp khó khăn nên có giới hạn. Nhưng bây giờ, từ năm học này xem xét tất cả như nhau, tùy điểm của từng học sinh". Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi nhắc: "Nói ở đây thế thôi, nhưng ở trường vẫn nhiều vấn đề. Các anh thử mặc áo dân xuống trường xin nhập học cho con em xem...". Ông Minh có vẻ thiếu tự tin: "Vấn đề anh Lợi nêu, đây là sự nhắc nhở. Chủ trương của TP là không phân biệt, nhưng cũng cần xem xét bên dưới như thế nào...".

Báo cáo với Đoàn khảo sát, Sở LĐ-TB-XH cũng khẳng định từ trước đến nay không hề có phân biệt gì về quyền lợi lao động giữa người nhập cư và người có hộ khẩu TP. Lao động nhập cư có mặt ở hầu hết trong các lĩnh vực đời sống, xã hội của TP với lực lượng không nhỏ, bổ sung đáng kể vào sự thiếu hụt lao động mà lực lượng lao động tại chỗ không đáp ứng được.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thế Dũng cũng khẳng định không hề có sự phân biệt đối xử nào trong công tác phòng, chữa bệnh cho người bệnh nhập cư, do đặc thù hầu hết các bệnh viện chuyên khoa TP đều mang tầm khu vực, tiếp nhận không chỉ dân nhập cư mà cả người ngoài tỉnh. "Việc phát thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi đến nay chưa hoàn tất. Những trường hợp KT3 là có thẻ, nhưng kể cả trường hợp chưa có thẻ khi vào viện có yêu cầu khám chữa bệnh miễn phí chúng tôi vẫn tiếp nhận" - ông Nguyễn Thế Dũng nói về việc khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi như vậy. Ở góc độ dự phòng, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh: "Thực ra là có phân biệt đối xử, nhưng là quan tâm hơn đến các đối tượng người nhập cư lao động phổ thông, công việc nặng nhọc, thiếu ổn định...".

Khoảng nửa triệu hồ sơ KT3 xin nhập khẩu

Theo số liệu của Công an TP.HCM, dân số TP.HCM tính đến quý II/2005 là hơn 6,133 triệu người; trong đó diện tạm trú có thời hạn chiếm hơn 1,676 triệu người. Thực hiện Nghị định 51/CP, từ 1999 đến tháng 6/2005, công an đã cấp hộ khẩu cho 383.222 khẩu, trong đó có 47.583 khẩu tạm trú nhiều năm. "Theo quy định, nhân khẩu KT3 (đến cả hộ) được cấp sổ tạm trú có thời hạn (NK3c) và nhân khẩu KT4 (đến từng nhân khẩu lẻ và có tính thời vụ) được cấp giấy đăng ký tạm trú có thời hạn (NK3d). Khi triển khai, TP đã thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, do đặc điểm của TP cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển các khu dân cư mới thì có nhiều người dân tự san lấp đất nông nghiệp phân lô bán nền xây dựng nhà trái phép, xây dựng nhà trên đất công, trên khu quy hoạch... trong khi chính sách chưa thật rõ ràng, quan điểm về hộ khẩu và tài sản (nhà ở đất đai) chưa tách bạch nên rất khó khăn trong việc đền bù giải tỏa để thực hiện các công trình theo quy hoạch. Từ đó, TP có chủ trương chỉ cấp NK3c, NK3d cho hộ, nhân khẩu tạm trú có thời hạn nếu đang cư trú tại nhà hợp pháp của mình hoặc được chủ hộ, chủ nhà hợp pháp bảo lãnh" - thượng tá Lê Văn Đoàn, Công an TP, nói về khó khăn trong quản lý nhân khẩu tạm trú có thời hạn. Tuy nhiên, ông Đoàn cũng cho biết từ tháng 5/2005, UBND TP ban hành quy chế quản lý cư trú và lao động của người tạm trú có thời hạn trên địa bàn, công an đang triển khai việc cấp sổ hoặc giấy tạm trú có thời hạn cho tất cả người tạm trú, nếu ở nhà chưa hợp pháp thì công an ghi ký hiệu riêng.

Thượng tá Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP, khẳng định chủ trương của TP là không "đẩy đuổi" người nhập cư. "Mà có muốn đẩy đuổi cũng không thể được" - ông Minh nhấn mạnh. Ông còn khẳng định việc thực hiện quy chế quản lý người nhập cư của TP không ảnh hưởng gì đến việc làm của người lao động chân chính. Liên quan đến vấn đề thời sự hiện nay là quy định mới về đăng ký và quản lý hộ khẩu, ông Minh cho biết: "Nghị định 108/2005 vừa được Chính phủ ban hành, Công an TP đang vắt giò lên cổ chuẩn bị trình TP sửa đổi các quy định cũ đã lỗi thời. Dự kiến, sẽ có khoảng 500.000 hồ sơ KT3 nộp đăng ký nhập khẩu". Tuy nhiên, ông Minh cũng dự báo sẽ không có quá tải nhiều trong giải quyết, vì một trong những quy định "thoáng" nhất là "nhà ở hợp pháp do phường, xã xác nhận, nhưng ông chủ tịch phường, xã chưa chắc nắm được quy hoạch, làm sao dám xác nhận?".

Đức Trung

LTS: Trên đây là phản ánh của lãnh đạo các ngành TP.HCM về việc thực thi chính sách đối với "đồng bào nhập cư". Những phản ánh này có đúng với thực tế hay không, mời bạn đọc tham gia ý kiến.

Thư phản ánh xin ghi rõ họ tên, địa chỉ và số điện thoại (nếu có) và gửi về tòa soạn theo địa chỉ: Ban Thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM hoặc e-mail: hoanghaivan@thanhnien.com.vn. Những ý kiến đóng góp của bạn đọc sẽ được chọn đăng, đồng thời tòa soạn cũng sẽ tổng hợp để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền nhằm góp phần cải thiện chính sách đối với đồng bào nhập cư theo chủ trương của Nhà nước.

Bài viết Chào những đồng bào "nhập cư" trên mục Chào buổi sáng ngày 06/08/2005.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.