TP.HCM bắt giữ nhóm cho 60.000 'khách hàng' vay nặng lãi qua app

Ngọc Lê
Ngọc Lê
20/04/2020 18:52 GMT+7

Trong gần 6 tháng hoạt động, các bị can đã cho 60.000 người trên 63 tỉnh, thành vay nặng lãi với tổng số tiền lên đến khoảng 100 tỉ đồng.

Ngày 20.4, Đội phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm trên tuyến, địa bàn (Đội 4) - Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) - Công an TP.HCM cho biết vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 bị can trong đường dây cho vay nặng lãi qua ứng dụng (app) với lãi suất lên đến 90%/tháng.
5 bị can bị khởi tố, tạm giam gồm: Tu Long (28 tuổi); Yuan Deng Hui (29 tuổi; quốc tịch Trung Quốc), Chề Ngọc Trinh (25 tuổi; quê Đồng Nai), Lâm Cảm Quyền (31 tuổi; ngụ Q.5) và Lài Thế Hùng, 26 tuổi; ngụ Q.Bình Tân, cùng TP.HCM).

Những “thánh chửi” trong đường dây cho vay trăm tỉ qua app lãi suất “cắt cổ”

Kết quả điều tra xác định, 3 công ty gồm Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn V., Công ty TNHH CNTT B.M.V và Công ty TNHH Tư vấn Tài chính Đ.P. do hai người Trung Quốc tên là Li và Miao làm chủ nhưng thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh và đại diện pháp luật, thành lập vào khoảng tháng 4.2019.
Để hoạt động cho vay qua ứng dụng, hai người này thuê Tu Long và Yuan Dang Hui để làm quản lý với mức lương 35 triệu đồng/tháng. Tu Long và Yuan Dang Hui có trách nhiệm quản lý nhân viên thẩm định hồ sơ và nhắc nợ, đòi nợ.
Ngoài ra, Li và Miao thuê Chề Ngọc Trinh làm kế toán kiêm phiên dịch với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Còn Lài Thế Hùng và Lâm Cẩm Quyền được thuê mới mức lương 10 triệu đồng/tháng để làm phiên dịch riêng cho Tu Long và Yuan Deng Hui.
Quyền còn được giao thẩm duyệt hồ sơ cho vay, Hùng đảm nhận nhiệm vụ quản lý danh sách người vay đến hạn thanh toán để giao cho bộ phận nhắc, đòi nợ.
Bộ phận xét duyệt hồ sơ vay tiền gồm 8 người hoạt động tại nhà thuê ở số 88, đường 30 (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân).

Nghi can Lâm Cẩm Quyền

Ảnh công an cung cấp

Còn bộ phận thu hồi nợ gồm 30 người (đều là người Việt Nam) hoạt động tại nhà thuê ở số 148, đường 28 (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân). Điều kiện để được nhận vào làm bộ phận này là không cần trình độ văn hóa, miễn sao... "chửi mắng, đe dọa người khác nghe kinh hoàng là được". Khi vào phỏng vấn số nhân viên này sẽ chửi xối xả cho Lài Thế Hùng nghe sao cho thấy “đã” là được nhận vào làm. Hầu hết người làm ở bộ phận này là nữ và người đồng tính nam. Mức lương ở hai bộ phận này bằng nhau, 6 điệu đồng/người/tháng.

Cho vay qua ứng dụng với lãi suất 90%/tháng

Thủ đoạn chính của nhóm này là Li và Miao tạo ra các ứng dụng trên ĐTDĐ để cho vay tiền mang tên “vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online”. Các ứng dụng này được quảng cáo trên internet, mạng facebook để người vay tự liên lạc.
Khi khách hàng có nhu cầu thì ứng dụng sẽ yêu cầu người vay tạo tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân (hình ảnh, CMND, số tài khoản ngân hàng) và phải đồng ý theo 7 điều khoản, trong đó có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy ĐTDĐ. Việc này giúp người cho vay nắm được hết các số điện thoại của người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay để sau này nhân viên gọi đòi nợ.
Đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Vaytocdo” thì được vay tối thiểu là 1,7 triệu đồng và tối đa là 2,75 triệu đồng, tùy theo khách hàng có uy tín trả nợ hay không. Tuy nhiên, với mức vay 1,7 triệu đồng, thực chất người vay chỉ nhận được 1,42 triệu đồng vì trừ phí dịch vụ hết 272.000 đồng. 8 ngày sau khi nhận tiền, người vay phải trả vốn lẫn lãi là 2,04 triệu đồng. Nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt 102.000 đồng.
Còn vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online”, người vay chỉ được vay tối đa 1,5 triệu đồng nhưng chỉ được nhận 900.000 đồng, 600.000 đồng là phí dịch vụ và tiền lãi trả trước của 1 tuần. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc là 1,5 triệu đồng, trả chậm phạt mỗi ngày từ 2 - 5%. Tính ra, mức cho vay qua ứng dụng là 3%/ngày, 90%/tháng.

Đe dọa người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền

Khi gần đến hạn trả nợ, nhân viên của Li và Miao sẽ điện thoại nhắc nhở. Nếu khách không trả đúng hạn thì lập tức nhân viên sẽ gọi điện thoại cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp… người vay chửi bới, đe dọa để yêu cầu họ nói người vay trả nợ.

Nghi can Ngọc Trinh

Ảnh: Thanh Tuyền

Theo các bị can khai nhận, “nợ xấu” cho vay qua ứng dụng chiếm khoảng từ 20 - 30% trên tổng số nợ cho vay.
Cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra dữ liệu điện tử trong các máy tính, laptop của các nghi can thì phát hiện chỉ sau gần 6 tháng hoạt động đã có đến 60.000 người vay qua 3 ứng dụng nói trên với tổng số tiền lên đến 100 tỉ đồng. Nếu trừ đi ‘nợ xấu”, số tiền thu lợi bất chính của kẻ chủ mưu lên đến hàng chục tỉ đồng… Tuy nhiên, theo Đội 4 (PC02), những nghi can cầm đầu sống ở Trung Quốc, chỉ điều hành qua mạng điện thoại.
Một cán bộ Đội 4 - PC02 cho biết thêm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều người không có việc làm nên rất dễ vướng vào việc vay tiền nặng lãi để chi tiêu tạm thời. Theo cán bộ này, mọi người cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối tránh vay nặng lãi qua ứng dụng, qua mạng vì số tiền phải trả so với tiền vay rất nhiều và bản thân người vay, cùng người thân, bạn bè, đồng nghiệp dễ bị ảnh hưởng nếu người vay không trả kịp tiền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.