TP.HCM có thoát 'mùa nước nổi' năm nay?

29/04/2021 06:24 GMT+7

Nhiều dự án chống ngập trọng điểm đang rục rịch hoàn thành, kỳ vọng giảm bớt tình trạng ngập nước bủa vây tại TP.HCM trong mùa mưa năm nay.

Ngập từ chợ tới sân bay

Từ khoảng giữa tháng 4 đến nay, TP.HCM và các tỉnh miền Nam thường xuyên xuất hiện những cơn mưa tầm chiều muộn hoặc đêm kéo dài tới sáng, kèm theo giông, sét, gây ngập một số khu vực.
Đêm 15.4, một vùng mây giông sau khi gây mưa cho 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiếp tục phát triển mạnh hơn và di chuyển đến TP.HCM gây ra mưa giông trên toàn TP, kéo dài tới sáng sớm 16.4. Cao điểm sáng, người dân di chuyển qua loạt tuyến đường tại TP.Thủ Đức như Kha Vạn Cân, Hiệp Bình, Linh Đông, Tô Ngọc Vân; đường Bình Lợi (Q.Bình Thạnh); Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp)... phải bì bõm dắt xe trên đường.
Trong đó, nghiêm trọng nhất phải kể đến đường Nguyễn Văn Khối. Chỉ gần 1 giờ đồng hồ sau khi cơn mưa trút xuống, cả tuyến đường đã biến thành sông, nước dâng quá bánh xe khiến hàng loạt phương tiện bị chết máy phải dẫn bộ. Nhiều hộ gia đình nhà mặt đường phải dáo dác dọn đồ vì nước mưa trộn nước cống hôi thối tràn vào nhà. Không chỉ mưa lớn, gió giật mạnh còn quật ngã nhiều cây lớn tại khu vực Q.Tân Phú, Q.12 gây cản trở giao thông và nguy hiểm cho người dân.
Liên tiếp những ngày sau đó, mưa rải rác từ chiều khiến ngập lan ra nhiều khu vực, Sở GTVT TP.HCM cũng phải lên tiếng cảnh báo tình trạng ùn tắc giao thông đang có dấu hiệu tăng, một phần do ảnh hưởng của những cơn mưa vào giờ tan tầm.
Chị Hoàng Nga (ngụ Q.11) cho biết sáng 16.4, chị chạy xe đến khu chợ Ông Hoàng (P.9, Q.Tân Bình) để mua gà chỗ hàng quen nhưng không thể vào được chợ do ngập nước. Chợ Ông Hoàng tiếp giáp với đường Lý Thường Kiệt, Lạc Long Quân, lọt trong khu dân cư nên muốn vào trong phải đi qua vài con hẻm. “8 giờ sáng tôi đến, nước ngập lênh láng, chạy vòng vòng hơn 30 phút sau quay lại nước vẫn chưa rút, đành lủi thủi đi về”, chị Nga kể.
Trong khi đó, đáp chuyến bay về tới sân bay Tân Sơn Nhất đúng cơn mưa chiều cùng ngày, anh Mẫn Nguyễn khá bất ngờ khi lần đầu tiên chứng kiến cảnh máy bay hạ cánh trong “biển nước”.
“Máy bay hôm đó cũng phải bay vài vòng trên trời mới đáp được. Lúc hạ cánh nước còn tung tóe lên 2 bên cửa sổ, ai cũng phải ồ lên. Đến sân bay nhộn nhịp nhất cả nước mà còn ngập thì ngoài đường, ngoài phố chạy đâu cho thoát”, anh Mẫn Nguyễn lắc đầu ngao ngán.
Gần đây nhất, cơn mưa rất to chiều 24.4 đã kéo ít nhất 7 điểm chìm trong nước, theo ghi nhận của Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP. Trong đó, có một điểm ngập hơn 3 tiếng, kéo dài từ 14 giờ 15 - 17 giờ 35 là đường Quốc Hương (khu Thảo Điền) ngập 0,16 m và 6 điểm ngập trong mưa khác là đường: Tô Ngọc Vân, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư, Phạm Văn Đồng.

Loạt dự án trọng điểm chạy nước rút

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) vừa phát đi thông báo sẽ tiến hành thông xe, đưa tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh vào khai thác phục vụ người dân TP vào lúc 8 giờ ngày 30.4.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho biết dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh là công trình trọng điểm, được Sở GTVT phê duyệt dự án đầu tư ngày 16.1.2018, khởi công ngày 5.10.2019 và sau gần 18 tháng thi công sẽ chính thức đưa vào khai thác phục vụ người dân vào ngày 30.4 tới.
“Việc đưa tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh vào khai thác phục vụ người dân TP sẽ góp phần khắc phục tình trạng kẹt xe, ngập nước đã diễn ra hơn 10 năm qua trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, góp phần tạo sự thông thoáng trong giao thông khu vực cửa ngõ phía đông”, ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.
Từ đầu năm, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020 - 2025 và Kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030. Đề án của TP.HCM đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ cố gắng giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550 km2 thuộc giai đoạn 2016 - 2020; Tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm rộng 106,41 km và cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của TP.
Cũng theo vị này, Ban Giao thông đang gấp rút hoàn thiện đường Huỳnh Tấn Phát dự án xây dựng hệ thống thoát nước và cải tạo mặt đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh, H.Nhà Bè) với tổng vốn gần 300 tỉ đồng đã hoàn thành. Công trình làm hệ thống cống tròn dọc tuyến, bề rộng từ 0,8 - 2 m và xây cửa xả tăng khả năng thoát nước ra kênh rạch. Ngoài ra, cao độ mặt đường được hoàn thiện cùng với quy mô tuyến cống dọc thoát nước D800 - D2000 sẽ đảm bảo giải quyết hiệu quả thoát nước mặt đường khi mưa và thoát nước sinh hoạt cho lưu vực tuyến đường.
Từ nay đến cuối năm, dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (đoạn từ giáp cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương, Q.Bình Tân) sẽ về đích, giúp thông thoáng dòng chảy, chắc chắn giảm ngập cho người dân sinh sống dọc kênh, đồng thời có thêm tuyến đường mới để người dân đi lại thuận tiện hơn. Các dự án sử dụng vốn ODA như làm cống bao thu gom các tuyến nước thải khu vực Q.4, Q.8, hạng mục gói thầu K các tuyến kênh Hàng Bàng, cải thiện khả năng thoát nước khu vực Q.5, Q.6, Q.11 thuộc lưu vực tuyến kênh này cũng đang đẩy nhanh thi công, hoàn thành trong khoảng quý 3, quý 4 năm nay. “Có khoảng 10 dự án, gói thầu sẽ hoàn thành, vừa giải quyết giao thông và góp phần giảm ngập cho nhiều khu vực trên địa bàn TP”, vị này thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.