TP.HCM: Quy định tỷ lệ trích nguồn thu để cải cách tiền lương của y tế công

Duy Tính
Duy Tính
27/09/2024 12:52 GMT+7

Thay vì phải trích lập 40% theo mức trích lập chung của TP.HCM, các đơn vị sự nghiệp y tế công lập sẽ trích từ 10 - 16% số thu được để lại tùy mức độ tự chủ tạo nguồn cải cách tiền lương.

Ngày 27.9, tại kỳ họp lần thứ 18 của HĐNĐ TP.HCM khóa X (kỳ họp chuyên đề), UBND TP.HCM đã trình HĐND thông qua Nghị quyết về việc quy định tỷ lệ trích nguồn thu để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số thu lớn do TP.HCM quản lý.

8 bệnh viện trích 16%

Cụ thể là, tỷ lệ trích lập của đơn vị y tế tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên (tự chủ tài chính nhóm 2) thấp hơn mức trích lập chung của TP.HCM. Cụ thể, 16% số thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các đơn vị có mức độ tự chủ tài chính từ 120% trở lên. Bao gồm 8 bệnh viện: Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Q.Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân); đối với các đơn vị còn lại thì được để lại quỹ này là 10%.

Trường hợp nguồn kinh phí của đơn vị không đảm bảo, ngân sách nhà nước sẽ cấp bổ sung để đơn vị đảm bảo chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù.

TP.HCM: Quy định tỷ lệ trích nguồn thu để cải cách tiền lương của y tế công- Ảnh 1.

Quy định mới về tỷ lệ trích nguồn thu để lại tạo nguồn cải cách tiền lương cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập ở TP.HCM 

ÀNH: DUY TÍNH

Tương tự, các đơn vị thuộc các ngành khác, thì trường hợp đơn vị y tế tự bảo đảm nguồn kinh phí tăng lương theo lộ trình của Chính phủ và chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù trong suốt thời gian thực hiện cơ chế đặc thù thì đơn vị được quyết định tỷ lệ trích nguồn thu được để lại tạo nguồn cải cách tiền lương theo nhu cầu của đơn vị.

Theo Sở Y tế TP.HCM, quy định mới sẽ giúp các bệnh viện công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ vừa đảm bảo được nguồn để thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù của thành phố, vừa trích lập được quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Điều này giúp ổn định hơn giúp nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, thiết bị… góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh cho người dân.

"Với Nghị quyết này, một lần nữa cho thấy sự quan tâm sâu sát và luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất của UBND và HĐND TP.HCM đối với hoạt động và sự phát triển của ngành y tế. Nghị quyết này rất ý nghĩa khi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển TP.HCM, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN", lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết.

Nhiều bệnh viện ở TP.HCM còn khó khăn về thu chi

Trước đó, ngày 8.12.2023, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết số 31 quy định về tỷ lệ trích lập nguồn cải cách tiền lương của các đơn vị sự nghiệp công lập là 40%. Riêng lĩnh vực y tế thì tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến để đề xuất mức phù hợp.

Theo Sở Y tế TP.HCM, giai đoạn 2023 - 2025, có 46/55 bệnh viện công lập trực thuộc ngành y tế TP.HCM có mức chênh lệch thu chi từ 100% trở lên nên được xếp vào nhóm tự chủ tài chính theo quy định.

Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viện có chênh lệch thu chi ở mức rất thấp nên rất khó khăn trong việc trích lập các quỹ cho hoạt động của bệnh viện, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện còn nhiều khó khăn do giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ.

 Trong các quỹ phải trích lập theo quy định, quỹ hoạt động phát triển sự nghiệp luôn được các bệnh viện rất quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của bệnh viện. Đây là nguồn dùng để đầu tư, phát triển nâng cao hoạt động sự nghiệp, bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, chi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, trợ giúp thêm đào tạo, huấn luyện nâng cao tay nghề năng lực công tác cho cán bộ, viên chức đơn vị...

Tại điều 5 Nghị quyết 98 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có nêu, tỷ lệ trích nguồn thu được để lại tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có số thu lớn cho phù hợp; bảo đảm nguyên tắc để các cơ quan, đơn vị này tự sắp xếp bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định; ngân sách nhà  nước không bổ sung để thực hiện cải cách tiền lương cho các cơ quan, đơn vị này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.