TP.HCM sáng 1.10: Người người háo hức nhưng chợ truyền thống vẫn ‘hẹn gặp lại sau’

01/10/2021 13:45 GMT+7

Được đi chợ truyền thống sau những tháng ngày giãn cách là niềm háo hức mong chờ của không ít người. Nhưng trong sáng 1.10, ngày đầu tiên TP.HCM trở về bình thường mới, nhiều chợ vẫn ‘hẹn gặp lại sau’.

Những thanh âm rộn ràng của phố phường đã trở lại vào sáng 1.10, ngày đầu tiên TP.HCM được nới lỏng giãn cách, quay về nhịp sống bình thường mới. Nhiều người trẻ háo hức ra đường, ghé chợ truyền thống tìm cảm giác xưa.

Nhưng, chưa có thông báo mới..

Cầu chữ Y, các con đường Dạ Nam, Đặng Chất, Nguyễn Thị Tần, Phạm Thế Hiển… hướng về chợ Rạch Ông (Q.8) từ sáng nay đã nườm nượp người và xe, những hình ảnh hơn 3 tháng nay người ta mới bắt gặp lại.
Từ ngày 1.10, theo thông báo của TP.HCM, chợ đầu mối, chợ truyền thống được hoạt động trở lại, song nhiều chợ tại các quận vẫn chưa buôn bán trở lại.

TP.HCM ngày đầu nới lỏng giãn cách: Rộn ràng tiếng xe cộ trở lại!

Chợ Rạch Ông vẫn cửa đóng then cài, các cổng chính vào chợ vẫn còn các rào chắn. Nhân viên bảo vệ cũng túc trực, không cho người dân tập trung đông người. Chỉ có các cửa hàng bán phía ngoài chợ đang hoạt động. Người dân trong các con hẻm mua hàng từ các quầy trái cây, rau củ, thịt cá của các gia đình sống tại đây.

Đường Nguyễn Thị Tần, trước chợ Rạch Ông sáng nay

Ảnh Bảo Vy

Chợ Rạch Ông vẫn còn các rào chắn, một số người mua bán trong hẻm sát chợ

Ảnh Bảo Vy

‘Hơn 3 tháng nay, giờ tôi mới xách giỏ đi chợ truyền thống. Cũng háo hức xem phố phường thế nào, giá rau củ quả thịt cá tươi ra sao. Nhưng thế này chắc vẫn đặt hàng siêu thị online về cho tiện rồi”, chị Nhàn, 29 tuổi, người phụ nữ đang phải tạm dừng xe trước rào chắn lối vào ở chợ Rạch Ông chia sẻ.
Sáng 1.10, theo khảo sát của chúng tôi, tại nhiều chợ truyền thống lớn ở khu vực Q.5, Q.8 vẫn chưa mở cửa, hàng rào vẫn quây kín, nhiều người tới chợ đành phải quay xe quay về.

Tiệm tóc Sài Gòn kín lịch cả tuần ngày đầu mở lại: Ai dời ngày thì mất chỗ

Chợ Hòa Bình, một trong những chợ truyền thống lớn nhất tại Q.5, TP.HCM, cửa cuốn vẫn kín mít, chỉ có một số quầy bán rau củ, trái cây gần đó được bán hàng. Chúng tôi hỏi nhân viên ban quản lý chợ tại đây thì được trả lời: “Chợ chưa mở cửa, chưa biết khi nào mở, chúng tôi chưa nhận được thông báo”.

Các chợ truyền thống tại Q.8 vẫn chưa mở lại sáng 1.10

Ảnh Bảo Vy

Anh Nguyễn Thành Tài, trú P.9, Q.8, người cũng chạy qua đây để mua thịt vịt quay và một số trái cây, cho hay anh thử tạt qua chợ xem đã cho bán hàng chưa, có yêu cầu khai báo y tế hay đo thân nhiệt vào chợ hay không nhưng chưa thấy chợ hoạt động.
“Tôi nghĩ điều này cũng hợp lý. Chợ truyền thống hoạt động thì tập trung rất đông người. Cần tính toán cụ thể việc sắp xếp các gian hàng ra sao, khoảng cách các gian hàng thế nào, kiếm tra người bán hàng đã tiêm vắc xin ra sao, giới hạn số lượng người cùng vào chợ một thời điểm, nên ngày 1.10, ngày đầu thành phố về bình thường mới, chợ chưa hoạt động ngay cũng là có lý do”.
Tương tự như vậy, chợ Xóm Củi, Q.8; chợ Ba Đình, Q.8 trong sáng 1.10 cũng đóng cửa, rào kín, “hẹn gặp lại sau”.

Đường Trần Hưng Đạo, Q.5 sáng nay

Ảnh Bảo Vy

Chợ Nhị Thiên Đường, P.5, Q.8, một trong những chợ lớn nhất Q.8 cũng trong tình trạng tương tự, các gian hàng đều chưa hoạt động. Một số gia đình gần chợ có không gian vẫn tranh thủ bán được trái cây, rau củ tại nhà. Còn lại, chợ vẫn chưa có thông báo mở cửa.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng, 33 tuổi bán tỏi, ớt, gia vị tại chợ này cho biết thời gian giãn cách xã hội, chị bán trên mạng, ai cần gì sẽ giao tận nhà. “Mấy ngày hôm nay tôi đã chuẩn bị hàng hóa tại nhà rồi, chờ thông báo chính thức từ ban quản lý chợ thì mới mở cửa hàng. Tuy nhiên vì chưa thấy thông báo gì nên tôi cũng vẫn bán trên mạng thôi”, chị cho hay.

Nhiều người trẻ vẫn chưa sẵn sàng ra đường

Sáng 1.10, hơi thở cuộc sống của TP.HCM dần dần trở lại, đường sá đông hơn, mọi người không chỉ ghé chợ truyền thống mà còn xếp hàng trước các cửa hàng vàng, ngân hàng, các tiệm bán đồ ăn sáng để mua mang về. Đặc biệt, nhân viên trong các cửa hàng sửa chữa xe máy luôn tay luôn chân. Hàng dài xe máy xếp hàng chờ được sửa chữa, bảo dưỡng…

Những thanh âm cuộc sống đang về lại với TP.HCM sáng 1.10

Ảnh Bảo Vy

Song, còn nhiều người trẻ vẫn chưa sẵn sàng ra đường. Chia sẻ với người viết, anh Nguyễn Ngọc Hùng, 25 tuổi, trú hẻm 153 Lê Văn Thọ, P.8, Q.Gò Vấp, TP.HCM cho hay anh chỉ ra đường khi phải tới cơ quan trực, còn lại anh vẫn ở nhà và không ra đường. “Tôi vẫn chọn đặt mua đồ ăn, thực phẩm trên mạng để giao về tận nhà và chưa đi cắt tóc hay mua sắm quần áo gì. Sài Gòn cần thời gian để bình phục, không vội vàng ùa ra đường ngay lúc này, các ca nhiễm trong cộng đồng vẫn có”, anh Hùng nói.
Bùi Nguyễn Văn Nguyên, 29 tuổi, người thực hiện dự án Ở Đâu Cũng Chụp, Sài Gòn Chơn Thành cho hay hôm nay, 1.10 anh vẫn ở nhà, không ghé chợ truyền thống hay đi lang thang ngắm phố phường, dù trước đây vài tháng, anh đã tưởng tượng ra những ngày hết giãn cách sẽ ăn món gì, chụp ảnh gì. “Dù hôm nay, TP.HCM nới lỏng giãn cách nhưng mình mong mọi người đừng hân hoan quá mà lỡ quá đà. Mình mong thói quen bữa giờ vẫn giữ nếp, "ai có việc gì thì mới ra đường", ra nhiều quá thành phố ngợp, cớ sự đến ai biết chừng. Mình vẫn thức giấc như mọi ngày, nhưng sẽ là một tâm thế khác, đón chờ những tin tốt, tích cực và tràn đầy hứng khởi từ trong ngôi nhà quen thuộc của mình”, anh bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.