TP.HCM triển khai thu phí ô tô vào trung tâm

12/07/2020 07:23 GMT+7

TP dự kiến thu phí ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm TP trong giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2030.

Chiều 11.7, HĐND TP.HCM khóa IX bế mạc kỳ họp thứ 20, thông qua 14 nghị quyết về các tờ trình quan trọng của UBND TP về các nội dung quan trọng như thu phí ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm TP, bổ sung quỹ tên đường...

Thu phí trong giai đoạn 2021 - 2025

Trong số các tờ trình được HĐND TP thông qua, đáng chú ý có tờ trình về xây dựng đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Đề án được xây dựng trên quan điểm phát triển giao thông công cộng phải kết hợp, đi đôi với việc hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng là điều kiện để kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Theo đó, TP dự kiến thu phí ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm TP trong giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2030. HĐND TP lưu ý việc kiểm soát sử dụng xe cá nhân chỉ thực hiện khi đạt các điều kiện về hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, dịch vụ hỗ trợ giao thông công cộng...

Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: Giới hạn bởi những tuyến đường nào?

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết sau khi được HĐND TP thông qua, UBND TP sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện ngay trong tháng 7 để triển khai đề án. Trước đó, Sở GTVT TP đề xuất xây dựng 34 cổng thu phí bao quanh khu vực Q.1, Q.3 và giáp ranh Q.5, Q.10 được giới hạn bởi các tuyến đường: Hoàng Sa - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng.

Đùn đẩy trách nhiệm xử lý tiếng ồn

Trong phần chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT), bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP, cho rằng tại các cuộc họp khu phố và tổ dân phố, người dân phản ánh bị làm phiền bởi tiếng ồn karaoke bằng loa kẹo kéo. Tuy nhiên, Nghị định 167/2013 chỉ quy định xử lý hành vi gây ồn từ 22 giờ - 6 giờ sáng hôm sau, điều đó có nghĩa là từ 6 giờ sáng - 22 giờ tối thì “không có ai chi phối”, nhất là những tiệc tùng có người nhậu.

Khi trụ sở phường trở thành nơi chứa... loa kẹo kéo - Video thực hiện tháng 5.2018

Trong khi đó, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng thông tin, Nghị định 167 dù mức xử phạt thấp (từ 100.000 - 300.000 đồng) nhưng cũng có tác dụng chấn chỉnh từ đầu để chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn xử lý hành vi gây tiếng ồn. Đối với các nguồn gây tiếng ồn lớn, năm 2016 có Nghị định 155 cho phép ngành TN-MT đo đạc làm cơ sở ban hành quyết định xử phạt.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ dẫn chứng thực tế cho thấy trách nhiệm giữa các sở, ngành chưa thống nhất, trong đó có tình trạng “khi tiếp cận sự việc, cán bộ văn hóa của quận lại nói rằng trách nhiệm thuộc về ngành TN-MT và công an”. Do đó, bà Lệ đề nghị Giám đốc Sở VH-TT chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan rà soát các quy định pháp luật và các bộ tiêu chí văn hóa để làm tốt tuyên truyền về hoạt động văn hóa, xử lý tiếng ồn, bao gồm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ loa kẹo kéo.

Bức tranh kinh tế TP.HCM 6 tháng đầu năm 2020 nhìn từ những con số

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.