TP.HCM ủng hộ Tập đoàn Vingroup thí điểm xe buýt điện

12/01/2021 17:32 GMT+7

Qua tổng hợp ý kiến đóng góp, hầu hết các sở, ngành tại TP.HCM đều ủng hộ chủ trương mở mới tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện.

Sở GTVT TP.HCM đã gửi văn bản báo cáo UBND TP về việc mở mới tuyến xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe buýt điện) trên địa bàn TP.HCM.

Mở mới 5 tuyến

Theo đề xuất của Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần trước đó, sẽ có 5 tuyến xe buýt điện được mở mới, bao gồm: Tuyến 1 là VinHome Grand Park (khu đô thị ở quận 9) - Trung tâm thương mại Emart, quận Gò Vấp (bình quân 27 km); Tuyến 2 VinHome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất (30 km); Tuyến 3 VinHome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn (29 km); Tuyến 4 VinHome Grand Park – Bến xe Miền Đông mới (8,5 km); Tuyến 5 Bến xe Miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc Gia (10 km).
Các tuyến xe buýt điện nêu trên sẽ sử dụng sáu điểm đầu cuối tuyến, trong đó có năm điểm đầu cuối tuyến hiện hữu đang phục vụ hoạt động của xe buýt là: Bến xe buýt Sài Gòn, bãi hậu cần số 1, sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe buýt Ký túc xá B Đại học Quốc Gia, Bến xe Miền Đông mới.

Đối với điểm đầu cuối tuyến trong khu dân cư VinHome Grand Park, Tập đoàn Vingoup sẽ đầu tư xây dựng bến bãi với diện tích 2.400 m2, bao gồm 20 vị trí lưu đậu phương tiện và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ hoạt động của các tuyến xe buýt điện và 1 deport với diện tích 9.800 m2 trong khuôn viên VinHome Grand Park để phục vụ công tác lưu đậu xe qua đêm, nạp điện, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện.

Theo đánh giá của Sở GTVT TP,  việc mở mới tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện nhằm góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, đa dạng hóa phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng sạch, nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong hoạt động giao thông vận tải, đồng thời phù hợp với các chủ trương, chính sách của Chính phủ và thành phố. Các tuyến đề xuất mở mới này được doanh nghiệp đề xuất thí điểm dựa trên danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của thành phố với mục đích phục vụ nhu cầu đi lại của người dân hiện nay và trong các năm tới, đặc biệt là các khu dân cư mới và các khu vực mà hệ thống VTHKCC chưa phủ đều.

Ngoài ra, việc đặt điểm đầu - cuối các tuyến phần lớn nằm trong khu đô thị Vinhomes Grand Park thuận lợi về việc bố trí bãi đỗ xe, khu vực bảo dưỡng, sửa chữa và trạm sạc điện. Chi phí đầu tư xây dựng bãi đỗ, trạm sạc... do chủ đầu tư thực hiện.

Chủ đầu tư chấp nhận đơn giá thấp

Việc đề xuất trợ giá đối với các tuyến xe buýt này, Sở GTVT cho rằng phù hợp với Quyết định số 280 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển VTHKCC bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020, có nội dung “Các tỉnh, thành phố xem xét, quyết định việc trợ giá cho các tuyến xe buýt thiết yếu đáp ứng nhu cầu giảm ùn tắc giao thông nhưng có doanh thu chưa đủ bù đắp chi phí đối với các đô thị từ loại II trở lên, đảm bảo tính ổn định của mạng lưới tuyến xe buýt ”.

Tuy nhiên, về đơn giá, hiện nay chi phí cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt được xác định theo Quyết định số 6068 của UBND TP chưa có loại xe buýt điện. So sánh với xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, các tuyến buýt điện sử dụng loại xe có sức chứa từ 65 đến 70 chỗ, tương đương xe nhóm 4, chi phí đầu tư cao hơn chi phí đầu tư xe buýt CNG cùng nhóm (nguyên giá xe buýt điện khoảng 6,5 tỉ đồng, cao hơn khoảng 2 - 3 lần so với nguyên giá xe của 1 phương tiện xe buýt CNG cùng sức chứa là 2,75 tỉ đồng).

Giả sử các hạng mục chi phí (vật tư sửa chữa, nhân công lái xe, tiếp viên, chi phí khác; các khoản bảo hiểm) của xe buýt điện được tính bằng chi phí của các xe theo nhóm 4, đơn giá đồng/km của xe buýt điện là 26.937 đồng/km cao hơn của loại xe CNG nhóm 4 là 2.713 đồng/km. Tuy nhiên, chủ đầu tư chấp nhận đơn giá của loại xe CNG nhóm 4 là 24.224 đồng/km để tính toán chi phí.

Từ những phân tích trên, Sở GTVT đề nghị UBND TP có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, cho phép áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với loại xe buýt CNG đang hoạt động để thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt điện đối với Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần.
Thời gian thí điểm dự kiến là 24 tháng kể từ ngày chính thức đưa vào hoạt động thí điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.