Trả lương giáo viên như thế nào là phù hợp?

Bích Thanh
Bích Thanh
04/04/2019 22:17 GMT+7

'Lương giáo viên như thế nào là phù hợp với đặc thù nghề nghiệp' là vấn đề được nhiều giáo viên quan tâm và đưa ra quan điểm.

Lương cần tăng gấp 2 lần

Trước ý kiến của Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội cho rằng chính sách tiền lương phải tương xứng với đặc thù nghề, với vị trí, vai trò của nhà giáo và thông tin rằng quy định cụ thể về chính sách lương, phụ cấp bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp sẽ được Chính phủ nghiên cứu, cụ thể hóa trong quá trình xây dựng đề án tiền lương mới, khiến giáo viên tỏ ra hào hứng và hy vọng sớm thực thi.

 


Cô Hoàng Lê Ý Nhi, giáo viên Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho hay đây là việc nên làm và lẽ ra nên làm từ lâu rồi. Trong ngành giáo dục, mỗi bậc học, có những đặc thù khác nhau, chẳng hạn ở bậc mầm non và tiểu học, giáo viên phải hoàn toàn có mặt tại trường từ sáng đến chiều tối, còn ở bậc học THCS hay THPT, thì dạy theo tiết, tiết trống dành cho chấm bài, soạn giáo án, làm sổ sách…, Vì vậy, giáo viên không còn thời gian để làm việc khác kiếm thêm thu nhập trong khi với mức lương như hiện tại thì giáo viên không thể sống thoải mái bằng nghề đi dạy.

 

Cô Nhi nói tiếp, với thâm niên 23 năm đi dạy, “hiện tại lương của tôi vào khoảng 8 triệu đồng. Tôi không so sánh với các ngành nghề khác nhưng thực tế nếu không thay đổi chính sách lương thì chắc chắn sẽ không thể nâng cao chất lượng đầu vào ngành sư phạm”.

Để chứng minh ý kiến đưa ra, cô Nhi cho hay đã từng khuyến khích cháu của tôi thi vào ngành sư phạm nhưng cháu tôi đã từ chối khi biết mức lương của tôi đang nhận. Và sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tháng lương đầu tiên của cháu tôi đã cao hơn mức lương giáo viên với 20 năm tuổi nghề của tôi gần gấp rưỡi.

Tương tự, bà Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng Giáo dục quận 5, TP.HCM, cũng cho rằng nhà giáo cần có một chính sách lương đặc thù để họ toàn tâm toàn ý với nghề. Và các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện công tác rà soát thực tế trong các trường học để bổ sung kịp thời những vị trí việc làm nhằm đảo bảo chất lượng và mục tiêu giáo dục.

Theo vị nguyên lãnh đạo ngành giáo dục này thì chế độ lương cho giáo viên cần tăng gấp 2 lần so với chế độ hiện hành và như vậy ngành giáo dục sẽ có điều kiện tuyển được người có chuyên môn, có tâm công hiến hơn.

Nâng lương phải đi đôi với chất lượng giáo viên

Trước vấn đề này, bà Hoàng Thục Nhi, nghiên cứu sinh giáo dục tại Phần Lan, cho biết lương giáo viên của Phần Lan tương đối cao hơn mức trung bình và giáo viên có thể sống tốt với mức lương họ đang hưởng để yên tâm cống hiến. Ở Phần Lan, giáo viên được tôn trọng, được tự do sáng tạo, có mức lương tốt nên thu hút sinh viên lựa chọn vào ngành

Từ mức lương hiện hành tại Việt Nam, bà Hoàng Thục Nhi đưa ra quan điểm, nâng lương là cần thiết để giáo viên có thể sống được bằng lương. Không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền, các giáo viên có tâm huyết sẽ có những cống hiến hơn trong giáo dục.

Tuy vậy, nghiên cứu sinh này lưu ý, nâng lương phải đi đôi với chất lượng giáo viên. Đầu vào ngành sư phạm được tuyển chọn kỹ lưỡng, thường là những sinh viên thuộc tốp đầu, phỏng vấn rất khắt khe nhằm chọn người có nhiều tâm huyết, đam mê cho nghề giáo. Và khi ra trường thì phải tiếp tục học tập nghiên cứu để “giữ chỗ” giáo viên của mình.

Đồng quan điểm, bà Ngọc Thu cũng cho rằng khi đã có một chế độ lương phù hợp với chính sách đãi ngộ thì người làm nghề giáo cũng phải có ý thức nâng cao trách nhiệm. Nhà quản lý có quyền sa thải hoặc loại bỏ những nhân lực không đáp ứng yêu cầu của công việc trên cơ sở minh bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.