Trách nhiệm của người nổi tiếng

09/02/2020 06:14 GMT+7

Việc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM xử lý 3 nghệ sĩ là Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng và Cát Phượng vì đưa những thông tin sai sự thật liên quan đến dịch nCoV trên mạng xã hội đã nhận được sự đồng tình lớn từ công chúng.

Vào ngày 26.1, fanpage Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ thông tin 2 người Trung Quốc bị nhiễm vi rút Corona (nCoV) đã tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong khi, diễn viên Cát Phượng viết trên trang mạng xã hội của mình: “Làm ơn nghĩ cho dân trước cũng là nghĩ cho chính bản thân mình. Dịch bệnh đã đến Q.1, rồi sẽ lan tràn đến Q.3, Q.5, Q.7...”.  Sau đó, nữ diễn viên còn kêu gọi khán giả mua và dùng khẩu trang lọc không khí thông minh AirPlus để cho an toàn. Ngày 31.1, trên fanpage, diễn viên Ngô Thanh Vân chia sẻ thông tin về tình trạng hãng hàng không vẫn có chuyến bay từ Vũ Hán về VN giữa đại dịch nCoV trong khi Cục Hàng không trước đó đã dừng cấp phép các chuyến bay từ VN đi Vũ Hán và ngược lại
Vụ việc đã gần như khép lại với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bên cạnh đó, bản thân các nghệ sĩ cũng đã nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi đến công chúng. Tuy nhiên, câu chuyện về trách nhiệm của người nổi tiếng trước những phát ngôn, hành động trên mạng xã hội vẫn còn nhiều điều đáng nói.

Hàng trăm người xếp hàng dài dằng dặc mua khẩu trang y tế vì sợ virus corona

Trước đó Đàm Vĩnh Hưng cũng từng gây bão mạng khi tuyên bố trên fanpage và trang Facebook cá nhân lời treo thưởng 20 triệu đồng cho ai tát vào mặt người đàn ông trong clip bạo hành con mình. Theo thông tin Công an tỉnh Tiền Giang (địa phương người cha trong clip đang cư trú) chia sẻ với truyền thông, sau dòng trạng thái trên fanpage và Facebook Đàm Vĩnh Hưng, vào ngày 18.10.2019, đã có khoảng 100 người tìm đến nhà trọ đánh người đàn ông này. Đàm Vĩnh Hưng sau đó đã gỡ bỏ dòng trạng thái. Và sau nhiều ngày giữ im lặng, nam ca sĩ cũng đã đăng tải lời xin lỗi với công chúng và xin nhận trách nhiệm trước pháp luật.

Người nổi tiếng trong hoạt động nghệ thuật có ảnh hưởng lớn đến công chúng, nhất là giới trẻ

Ảnh: Độc Lập

Những hậu quả, hệ lụy

Sẽ có nghị định “cập nhật” những hành vi sử dụng của người dùng mạng xã hội

Tiến sĩ (TS) Thái Thị Tuyết Dung (giảng viên ĐH Luật TP.HCM) cho biết hiện nay, cơ sở pháp lý để xử lý hành vi đưa, cung cấp thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội là Nghị định 174/2013 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, CNTT... Trong đó, điểm g khoản 3 điều 66 quy định xử phạt 10 - 20 triệu đồng về hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
TS Thái Thị Tuyết Dung cho rằng quy định xử phạt này còn nhiều bất cập. Cụ thể, nhiều hành vi vi phạm đang diễn ra hiện nay, như: đưa tin giả, tin sai sự thật chưa được cụ thể hóa, và cho biết trong bối cảnh tin giả ngày càng tràn ngập trên mạng xã hội, thì từ ngày 15.4.2020, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến, CNTT... sẽ có hiệu lực thi hành (bãi bỏ Nghị định 174/2013) sẽ quy định chi tiết, cụ thể hơn các hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, như: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực; Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
Cũng theo TS Thái Thị Tuyết Dung, Nghị định 15/2020 dành hẳn một mục để quy định về hành vi vi phạm thông tin trên mạng, trong đó điều 101 nêu sẽ xử phạt đối với tổ chức 10 - 20 triệu đồng (cá nhân mức phạt bằng 1/2) hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, hoặc hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân...”.  
 Phan Thương
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học VN), cho rằng những hành vi thiếu suy nghĩ, thiếu cẩn trọng, dù không có dụng ý phá rối, gây nhiễu loạn mà chỉ cốt làm cho mình nổi bật, huyễn hoặc về vị thế chỗ đứng của mình trong xã hội, sẽ đều có ảnh hưởng. “Với những người có tên tuổi trong hoạt động nghệ thuật có ảnh hưởng lớn đến công chúng, đều có một bộ phận công chúng, trong đó cả giới trẻ, noi theo, bắt chước, hành xử tương tự hành vi của họ. Tức là khi họ phát ra bất cứ thông tin, dòng trạng thái nào... trên mạng xã hội nào đều có ảnh hưởng đến xã hội, cộng đồng, trong đó có những người trẻ”, ông Bình nói.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn giữa dịch virus corona như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Thành (Thạc sĩ quản trị văn hóa Đại học Paris Dauphine, Pháp) nhìn nhận: “Đặc điểm của thời đại số là mỗi người đều là một kênh phát thông tin, đặc biệt là qua mạng xã hội. Trong môi trường này, thông tin có thể lan truyền nhanh như vi rút. Mỗi thông tin đều gây ra một tác động đến xã hội, có thể là tác động tốt, tác động xấu. Một khi đã phát ra thì gần như không thể rút lại được và không thể thay đổi được tác động gây ra với xã hội”.
Theo ông Thành, những thông tin giả có thể gây ra tác hại cuốn chiếu vô cùng lớn. Ông phân tích: “Thông tin giả có thể gây hiệu ứng xấu cho xã hội làm tăng sự căng thẳng, cảm giác lo sợ, tâm lý tích trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm, làm tăng sức ép lên nhà sản xuất và làm tăng giá cả, gây ra cơn sốt ảo. Chất lượng và sự an toàn trong cuộc sống của hàng nghìn, thậm chí hàng triệu hộ bị ảnh hưởng. Tất cả chỉ vì một thông tin thiếu căn cứ hoặc chưa được kiểm chứng. Có thể người phát tán thông tin không hiểu rõ các hiệu ứng xấu từ thông tin chưa được kiểm chứng của mình”.

Mạng ảo nhưng tác động thật

Nghệ sĩ quốc tế bị buộc tội vì tung tin giả về vi rút Corona

Ngày 3.2, máy bay của Hãng hàng không WestJet từ Toronto (Canada) đi Montego Bay (Jamaica) chở theo 243 hành khách đã buộc phải quay về nơi xuất phát sau khi hành khách tên James Potok (28 tuổi) nói vừa từ Trung Quốc về và bị nhiễm vi rút Corona (nCoV). Theo Đài ITV, Potok là một ca sĩ nhạc rap nổi tiếng ở tỉnh bang Ontario, trang Instagram có hơn 35.000 người theo dõi. Ca sĩ này bị bắt sau khi máy bay hạ cánh xuống Toronto và được đưa đi xét nghiệm, kết quả là không nhiễm nCoV. Potok đã đăng video xin lỗi nhưng hành động trước đó khiến anh này bị buộc tội gây rối và sẽ hầu tòa vào tháng 3.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Nghệ sĩ Malaysia Zed Zaidi (40 tuổi) mới đây đã bị nhà chức trách triệu tập làm việc vì đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Twitter và Facebook. Theo tờ Malay Mail, ông Zaidi hôm 27.1 đăng lên trang cá nhân bức ảnh chế, giả là ảnh chụp màn hình một bản tin thời sự với dòng tít: “Tất cả các nước trừ Malaysia đã cấm cửa du khách Trung Quốc”. Bài viết này sau đó nhận nhiều phản ứng từ cộng đồng mạng, cho rằng ông Zaidi lan truyền tin giả và gây hoang mang. Ông Zaidi bị Ủy ban Truyền thông đa phương tiện Malaysia (MCMC) điều tra nhưng hiện chưa rõ có bị phạt hay không. Giới chức Malaysia trước đó cảnh báo hành vi tung tin giả về dịch nCoV có thể bị phạt tù 2 năm và đóng 100.000 RM (560 triệu đồng).  
Vi Trân

Thạc sĩ Đặng Hoàng An, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phân tích dưới góc độ tâm lý học thì một trong những nét tâm lý đặc trưng của đám đông đó là dễ bị tác động, dễ bị điều khiển bởi sự vô thức. Tâm lý chung của con người là thường bị kích thích, tò mò trước những thông tin “mới, độc, lạ”. Ở một khía cạnh khác, đám đông dễ thán phục và tin vào phát ngôn của những người có địa vị, tiếng nói trong xã hội và dễ tin vào những người mình thần tượng như giới nghệ sĩ.
Do vậy, một nữ diễn viên cho hay chị luôn nhắc mình phải có ý thức khi sử dụng mạng xã hội bởi: “Mạng xã hội là ảo nhưng lại có thể ảnh hưởng đến cuộc sống thật. Bởi vậy khi viết, nói ra điều gì đều cần phải suy nghĩ vì nó có thể gây tác động tới người khác”. Dịch giả Nguyễn Bích Lan từng chia sẻ: “Khi dùng mạng xã hội, chúng ta nên đặt câu hỏi về mục đích sử dụng của mình và cần có trách nhiệm với mục đích sử dụng ấy”.
“Người nổi tiếng có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, hành xử, ứng xử của những người hâm mộ họ. Ngoài ra, thông tin từ người nổi tiếng phát ra còn thu hút sự chú ý của báo giới, cũng như những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và rồi qua đó là tới công chúng ngoài xã hội, dù có hâm mộ hay không hâm mộ nghệ sĩ ấy. Người hâm mộ thì thường có xu hướng bắt chước, chia sẻ, đồng ý với quan điểm của nghệ sĩ mình yêu mến”, ông Nguyễn Đình Thành nói và nhấn mạnh: “Nghệ sĩ đóng vai trò như "người điều khiển vô hình", người định hướng, người gợi ý cho công chúng, đặc biệt là cho người hâm mộ. Bởi vậy, họ nên chú ý trong các phát ngôn của mình về mọi vấn đề. Có nguyên tắc phát ngôn: nếu điều bạn nói ra không hay hơn điều bạn không nói ra thì không nên nói ra”.

Rằm tháng Giêng, chùa Vĩnh Nghiêm "vắng như chùa Bà Đanh” vì virus corona

PGS-TS Trịnh Hòa Bình cho rằng người nổi tiếng khi đã có chỗ đứng cần tiếp tục cố gắng trong đó gồm những ý tưởng, hoạt động với thái độ tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng, chứ không thể ru ngủ mình kiểu “đã có chút tên tuổi rồi làm kiểu gì cũng được miễn là gây chú ý”. “Người nổi tiếng phải tự rà soát, xem xét mình. Khi đặt vị trí của mình trong sự ngưỡng vọng, tôn vinh của cộng đồng, xã hội thì họ càng có ý thức đầy đủ rằng hành xử của mình có thể kéo theo những hệ lụy”, ông Bình nói.
Việc nghệ sĩ có trách nhiệm với xã hội cũng là cách họ xây dựng hình ảnh của mình trước công chúng. “Người nổi tiếng cần đưa ra các phát ngôn có căn cứ, hợp pháp, có ích cho xã hội, đó chính là cách xây dựng hình ảnh cá nhân hiệu quả và hợp lý. Hãy tham gia vào các hoạt động giúp ích thực sự cho xã hội để làm gương hay tạo cảm hứng tích cực cho người hâm mộ”, ông Nguyễn Đình Thành nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.