Trách nhiệm người ‘gác gôn’

08/08/2016 05:17 GMT+7

Cùng với việc lập quy hoạch, cấp giấy phép cho các dự án, doanh nghiệp hoạt động, các bộ chuyên ngành như y tế, nông nghiệp - phát triển nông thông, xây dựng, tài nguyên - môi trường... còn có nhiệm vụ song hành vô cùng quan trọng là quản lý, giám sát việc thực hiện, đảm bảo các hoạt động mà mình cấp phép diễn ra theo đúng quy định pháp luật.

Nhưng trên thực tế, việc quản lý, giám sát sau cấp phép còn nhiều bất cập. Nhiều vụ việc “tày đình”, các cơ quan quản lý chỉ nắm được sau khi đã xảy ra, báo chí phản ánh. Trong trường hợp này, như đã thành mô típ, các cơ quan quản lý lại nhấn mạnh: Để phát hiện ra vi phạm là rất khó, vì đối tượng rất tinh vi. Vụ Formosa xả thải trộm ra biển khiến ngư dân điêu đứng, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng cũng vậy. Khi vụ việc vỡ lở, các cơ quan quản lý cho rằng Formosa quá tinh vi khi xây dựng hệ thống xả thải dưới lòng biển. Điều này hoàn toàn đúng, vì ai ăn trộm, ăn cắp, làm bậy chả tinh vi, tìm cách che giấu hành vi của mình.

Tuy nhiên, ngay cả trong vụ Formosa thì hệ thống xả thải có cả đường ống to và dài công khai trên cạn dẫn ra biển. Tương tự, vô số vụ việc chềnh ềnh ngay trên mặt đất, trên đường, cơ quan quản lý cũng không biết, cũng có thể cố tình không biết: lâm tặc ngang nhiên chặt phá rừng, xe tải vận chuyển, đổ trái phép hàng trăm tấn chất thải...
Trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 2.8, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhìn nhận: Qua phát hiện của báo chí, đã tìm thấy 3 nơi chôn chất thải nguy hại của Formosa, với số lượng 390 tấn, trong đó có chứa chất cực độc cyanua. Theo quy định, số lượng chất thải này phải đốt, thiêu hủy. Về trách nhiệm, người đứng đầu ngành TN-MT cho rằng nói gì thì nói, đây là thiếu sót rất lớn của cấp xã, huyện, của cơ quan quản lý...
Có thể trong phạm vi cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ TN-MT đã chọn cách nói giảm nhẹ trách nhiệm, nhưng trên thực tế, gọi tên một cách rạch ròi là buông lỏng quản lý. Trong trường hợp này, người “gác gôn” bỏ trống khung thành. Ở cấp T.Ư, dưới Bộ TN-MT có Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Cục Kiểm soát hoạt động và bảo vệ môi trường, Thanh tra Bộ TN-MT, Thanh tra chuyên ngành về môi trường... Ở tất cả các tỉnh, thành, ngoài lực lượng thanh tra, còn có chi cục bảo vệ môi trường.
Nếu các lực lượng làm hết trách nhiệm, các sự cố trên rất khó xảy ra. Bộ TN-MT cũng khẳng định nếu Formosa làm đúng theo giấy phép được cấp, thì ngăn chặn được việc xả thải thẳng ra biển. Như vậy, ở đây khâu giám sát có lỗ hổng. Vụ việc chôn lấp chất thải Formosa trong trang trại của ông Giám đốc Công ty môi trường TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng không xảy ra nếu các quy định mà Bộ TN-MT và các cơ quan có liên quan đã ban hành được thực thi nghiêm túc.
Cụ thể, theo quy định, các xe vận chuyển chất thải nguy hại đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Nếu tất cả các phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại đều lắp thiết bị này, thì không có chuyện doanh nghiệp muốn đổ thải hay chôn lấp ở đâu cũng được. Nhưng thử hỏi, trên thực tế, hiện nay có bao nhiêu xe vận chuyển chất thải được lắp thiết bị giám sát trong tổng số phương tiện tham gia vào lĩnh vực này. Rõ ràng, các quy định không thiếu, vấn đề là người “gác gôn” không làm hết trách nhiệm của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.