Trách nhiệm

30/10/2013 03:00 GMT+7

Từ vụ việc cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ Cát Tường (Hà Nội) gây chết người rồi phi tang xác cho thấy đang có lỗ hổng rất lớn về mặt trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Về khoa học quản lý, chúng ta có 2 hệ thống quản lý theo ngành dọc và theo lãnh thổ.

Ở đây, với vụ việc cụ thể này, thì trách nhiệm quản lý ngành dọc là ngành y tế, trên là Bộ, dưới là Sở, xuống tận phường xã thì là trạm y tế. Còn quản lý theo lãnh thổ thì cao nhất là cấp tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương), dưới nữa là quận, huyện, rồi phường, xã, thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư. Vì vậy, khi xảy ra vụ việc như vụ Cát Tường, trách nhiệm chính trị phải được xem xét từ cả hai phía: ngành y tế và chính quyền địa phương, càng cấp sát cơ sở nhất thì càng phải chịu trách nhiệm cao nhất.

Thế nhưng, sau khi xảy ra vụ việc, có tình trạng các cơ quan liên quan lên tiếng đẩy trách nhiệm cho nhau. Một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ như Cát Tường, có treo biển hiệu đàng hoàng, niêm yết giá dịch vụ cụ thể, quảng bá khắp nơi, thì không thể nói ngành y tế (cấp phường hoặc cấp cao hơn nữa) lại không biết cơ sở này hành nghề không phép. Càng không có chuyện cảnh sát khu vực, chính quyền cấp phường sở tại không biết, gây rủi ro cho người dân.

Người dân chỉ cần sửa lại mái nhà thôi, thì lập tức thanh tra xây dựng vào ngay, một là bắt tháo dỡ, hai là cùng “thỏa thuận” để được tiếp tục và hai bên cùng có lợi; thậm chí mỗi nhà có mấy xe máy, cũng đều biết rất rõ để kê khai thu phí… Cho nên để xảy ra vụ việc này, nguyên nhân trước hết là bộ máy địa phương. Một bộ máy cơ sở tê liệt, thiếu trách nhiệm, không rõ chức năng nhiệm vụ, không rõ chế tài trách nhiệm khi để xảy ra các vụ việc tiêu cực, nghiêm trọng trên địa bàn là điều rất nghiêm trọng.

Từ vụ việc Cát Tường, cần có ngay biện pháp trước mắt và giải pháp lâu dài để ngăn chặn các vụ việc tương tự; đồng thời cũng là để khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý ngành dọc và các cấp chính quyền quản lý theo lãnh thổ.

Trước mắt, ngoài xử lý nghiêm minh trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan để răn đe, ngăn chặn, cần có cơ chế hỗ trợ bằng vật chất, tiền lương cho cán bộ tổ dân phố, cụm dân cư để khuyến khích họ phát hiện, tố giác các hành vi, hoạt động bất thường, sai trái trên địa bàn để chính quyền cấp phường kịp thời nắm bắt, xử lý, sớm ngăn chặn.

 Về lâu dài, sau khi QH thông qua Hiến pháp sửa đổi 1992, cần sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy, trong đó phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý ngành dọc, các cấp chính quyền địa phương, để khi xảy ra bất kỳ vụ việc nào có ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, an ninh trật tự xã hội…, không thể tái diễn tình trạng “đá bóng trách nhiệm”, gây bức xúc dư luận.

Lê Như Tiến
(Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.