Trái đất vẫn tiếp tục lột xác

03/05/2018 20:32 GMT+7

So với những hiểu biết của nhân loại về các thế giới đá khác trong hệ mặt trời, trái đất của chúng ta thật sự là một hành tinh vô cùng năng động và liên tục thay đổi.

Những thay đổi về địa chất và khí tượng diễn ra một cách chậm chạp, nên đại đa số con dân địa cầu đều cho rằng hành tinh của chúng ta sẽ luôn duy trì bộ mặt vốn có.
Tuy nhiên, nếu biết cách quan sát, bất kỳ ai cũng có thể lần ra manh mối về tương lai của địa cầu. Khác với bề ngoài tưởng chừng như vững chãi, phần lớn đất liền được hình thành từ những đĩa khoáng chất trôi nổi, luôn di chuyển bên trên một lớp đá nóng chảy. Phải đợi đến năm 1912, một chuyên gia địa vật lý tên Alfred Wegener mới phát hiện được “vũ điệu” âm ỉ này bên dưới các đĩa kiến tạo. Và quá trình đó vẫn luôn tiếp diễn.
Một phần châu Phi 'đoàn tụ' với châu Âu
Giống như châu Phi đã tách khỏi Nam Mỹ cách đây nhiều triệu năm, lục địa đen giờ đây đang tách thành hai nửa không bằng nhau (Thanh Niên đã đưa trong số báo ngày 6.4). Một vết nứt khổng lồ đang xé toạc miền tây nam Kenya, gây sạt lở một đoạn dài của đường cao tốc và kéo dài đến vài ki lô mét. Chiều sâu của nó hơn 15 m và rộng đến 20 m, theo tạp chí National Geographic. Dù đĩa kiến tạo bên dưới chỉ trượt vài cen ti mét mỗi năm, trong 10 triệu năm nữa phần phía đông châu Phi ở Somalia sẽ bị biển cả cô lập. Trong 50 triệu năm nữa, mảng lớn hơn của châu Phi sẽ bị đẩy vào châu Âu.
Thủy triều có thể thay đổi chóng mặt
Ai cũng biết rằng thủy triều lên xuống trong ngày, nhưng ít người biết hiện tượng này chỉ có thể diễn ra khi có những lưu vực hoặc vùng biển chứa một khối lượng nước đáng kể. Các mô hình máy tính cho thấy trong 250 triệu năm qua, thủy triều dường như yếu đi nhiều so với trước đây.

Lý do đằng sau tình trạng trên có thể là do các lục địa vẫn tiếp tục di chuyển, dẫn đến các lưu vực chứa nước thay đổi hình dạng khiến tác động từ lực hút của mặt trăng và mặt trời thay đổi. Cùng với quá trình dịch chuyển đang diễn ra của các đĩa kiến tạo, hiện tượng thủy triều sẽ còn thay đổi trong tương lai.
GPS không bắt kịp tốc độ 'bắc tiến' của châu Úc
Những thay đổi trong việc phân bổ nước trên hành tinh chúng ta đang gây ra tác động lạ lùng đối với hoạt động dịch chuyển của các đĩa kiến tạo. Bằng chứng là châu Úc đang “lắc lư” ở mức độ vài mi li mét trong lúc di chuyển về hướng bắc, và tính toán của các nhà khoa học cho thấy cả châu lục đã dịch chuyển về hướng bắc khoảng 1,5 m kể từ năm 1994, có nghĩa là mỗi năm lục địa lại “Bắc tiến” được 7 cm.
Trong thế giới đang ngày càng phụ thuộc vào công nghệ định vị bản đồ, sự thay đổi tưởng chừng như nhỏ nhoi này hoàn toàn đủ sức trở thành vấn đề nghiêm trọng. Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) đã không còn bắt kịp tốc độ chuyển động của châu Úc, theo Đài ABC News. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.