Trận đánh khốc liệt ở sân bay Tân Sơn Nhất

23/01/2018 08:00 GMT+7

“Cả tiểu đoàn hơn 500 người tham gia trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 thì có gần 400 người hy sinh. Đồng đội tôi ra đi khi mười tám đôi mươi, giờ đã 50 năm rồi mà nhiều người chưa tìm thấy hài cốt”.

Ông Bùi Hồng Hà, người trực tiếp tham gia trận đánh khốc liệt ở sân bay Tân Sơn Nhất 50 năm trước, nói trong nước mắt khi nhớ về đồng đội.
Bí mật đến phút chót
Cả tiểu đoàn hơn 500 người tham gia trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Mậu Thân 1968 thì có gần 400 người hy sinh
Ông Bùi Hồng Hà
Ông Bùi Hồng Hà (sinh năm 1947) quê ở Xuân Trường, Nam Định. Năm 1965, khi 18 tuổi, ông nhập ngũ ở Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 (Quân khu 3). Năm 1967, Tiểu đoàn 5 nhận lệnh hành quân vào Nam, chi viện cho Bộ Chỉ huy quân sự Tây Ninh. Sau khi về Tây Ninh, Tiểu đoàn 5 đổi tên thành Tiểu đoàn 16 và giành thắng lợi ở trận đánh mở màn khi tiêu diệt gần toàn bộ lực lượng cảnh sát Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ở đồn cửa khẩu Mộc Bài.
Cuối năm 1967, Tiểu đoàn 16 lại thuộc Bộ Quốc phòng và nhận được lệnh chuyển quân tới Mỏ Vẹt (Long An). Ông Hà nhớ lại ở vị trí tập kết mới, đơn vị đang chuẩn bị cho anh em mua heo, gói bánh chưng ăn tết. Đến thời điểm cận tết, cấp trên có lệnh thay đổi kế hoạch, không ăn tết mà chuẩn bị hành quân. Ngay chiều 29 tết, đơn vị vượt sông Vàm Cỏ Đông tới Đức Hòa (Long An). “Kế hoạch tổng tiến công được giữ bí mật đến phút chót. Khi đó, chúng tôi không thể hình dung mình đang thực hiện nhiệm vụ lớn là đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Hà kể.
Hành quân đến xã Mỹ Hạnh (H.Đức Hòa), đơn vị của ông Hà được lệnh dừng lại để ăn cơm, đồng thời được phổ biến phải chôn hết quân trang, tư trang. Mỗi chiến sĩ chỉ mặc chiếc áo và quần xà lỏn, trang bị thêm súng ống, đạn dược, thuốc nổ… Tối 29 tết, đoàn quân vượt bưng Bình Thủy tiến vào Sài Gòn.
Ông Hà nhớ lại: “Trên đường hành quân, anh Phan Văn Sáu, chính trị viên tiểu đoàn, nói đã đến lúc Đảng cần đến các đồng chí là đối tượng cảm tình của Đảng, các đoàn viên ưu tú. Dọc đường hành quân, tiểu đoàn đã kết nạp Đảng cho một số anh em có nhiều thành tích, có sáng kiến để đơn vị hành quân nhanh”. Đêm 30 tết, các chiến sĩ đến Sài Gòn nhưng lúc này mọi người vẫn chưa biết mục tiêu đánh chiếm là sân bay Tân Sơn Nhất.
Trận đánh khốc liệt  ở sân bay Tân Sơn Nhất
Ảnh: Trung Hiếu

Gần 400 đồng đội nằm lại
Ông Vũ Chí Thành, nguyên Trung đội phó Trung đội đại liên, Tiểu đoàn 16, cho biết đêm 30 tết, một tổ chiến đấu của đơn vị đã lọt vào trong hàng rào dây thép gai vây quanh sân bay. Một đội khác ở vị trí sẵn sàng chiến đấu phía bên kia QL1 (nay là đường Trường Chinh). Đúng 2 giờ sáng mùng 1 tết, lệnh nổ súng bắt đầu, ông và đồng đội tấn công sân bay Tân Sơn Nhất.
Tiểu đoàn 16 đánh vào mặt tây - tây bắc sân bay Tân Sơn Nhất. Đại đội 1 và 2 làm chủ lực đánh sâu vào sân bay. Đại đội 3 và lực lượng trợ chiến ở bên ngoài làm quân dự bị. Khi vượt qua hàng rào sân bay, vấp phải sự chống cự quyết liệt của đối phương trong lô cốt đầu cầu, nhiều chiến sĩ hy sinh. Sau đó, chiến sĩ Phan Văn Đồ ôm bộc phá quyết tử mới đánh sập được lô cốt này.
Vượt qua lô cốt đầu, lực lượng chia thành 2 cánh theo đường tuần tra trong sân bay để đánh sâu vào trong. Đại đội 1 rẽ phải tiến về phía đông, đánh chiếm 2 nhà để máy bay, đẩy đối phương vào phía trong. Đại đội 2 rẽ trái tiến về phía tây, vào sát khu gia binh, vừa đánh vừa truy đuổi. Trong trận này, hai cánh quân của Tiểu đoàn 16 vì không có pháo hỗ trợ nên tiến rất chậm, chỉ mới chiếm được vài nhà chứa máy bay thì hầu như ai cũng hết đạn nhưng vẫn cố gắng tiến công. Mãi đến gần sáng, thấy thời cơ đã hết mà quân ta hy sinh gần hết, Đại đội trưởng Đại đội 2 Trần Văn Trắc ra lệnh rút quân thì chỉ còn 6, 7 chiến sĩ ra khỏi được cổng sân bay, phối hợp cùng Đại đội 3 phá vòng vây trở về căn cứ địa.
“Sau phút hoảng loạn ban đầu, quân VNCH nhanh chóng điều quân về tiếp ứng. Xe bọc thép dàn hàng ngang nã đạn phía đường Trường Chinh. Trực thăng bay nhiều như ruồi trên đầu chúng tôi, bắn như mưa về phía anh em chiến sĩ. Còn chúng tôi gần hết đạn, lại không được tiếp ứng nên sau khoảng 2 giờ giằng co, phải tìm hầm để trú ẩn, bắn cầm cự, không cho địch áp sát”, ông Hà kể thêm.
Đến khoảng 16 giờ chiều, ông Hà và đồng đội cố thủ tại hãng dệt (nay là Công ty dệt Thắng Lợi) nằm sát sân bay. Tuy nhiên, quân đội VNCH phát loa kêu gọi dân chúng sơ tán khỏi khu vực hãng dệt để cho máy bay ném bom san bằng nhằm tiêu diệt quân giải phóng. Ông Hà cùng đồng đội buộc phải thoát ra khỏi hãng dệt. Đến 17 giờ, cấp trên ra lệnh rút quân, ông cùng đồng đội rút dần về hướng Long An và được cơ sở đón về căn cứ.
Ông Hà vẫn nhớ mãi hình ảnh đồng đội bị thương, chịu đau đớn vì máu chảy nhiều nhưng do trận chiến quá khốc liệt, tương quan lực lượng không cân bằng khiến ông không thể đưa đồng đội thoát khỏi vòng vây. Cuối cùng, nhiều đồng đội đã hy sinh vì mất máu. Trước khi rút lui, ông lấy áo mưa quấn quanh cho đồng đội nằm đó bớt lạnh, rồi gạt nước mắt rút ra. Sau trận đánh đó, nhiều đồng đội của ông có ý định đánh vào sân bay một lần nữa để cứu thương binh, đưa thi thể đồng đội ra nhưng phía quân đội VNCH đã đưa xe bọc thép dàn hàng vây quanh sân bay khiến ý muốn không thành.
“Chiến dịch Mậu Thân mình bị tổn thất nhiều và một số dự tính không đạt được nhưng cũng xoay chuyển được tình thế, gây áp lực lớn buộc Mỹ và chính quyền VNCH phải ngồi vào bàn đàm phán Paris, tạo tiền đề cho chiến thắng 30.4.1975”, ông Hà khẳng định.
Hơn 57 vết thương khi đánh Biệt khu Thủ đô
Ông Nguyễn Phước Bình (sinh năm 1931), nguyên chính trị viên phó Tiểu đoàn 6, cho hay đơn vị của ông được giao nhiệm vụ đánh một số vị trí trọng yếu ở Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân, trong đó có khám Chí Hòa và Biệt khu Thủ đô ở 291 đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10). Hiện nơi này là trụ sở Bộ Tư lệnh TP.HCM.
Đêm 30 tết, hơn 300 chiến sĩ của Tiểu đoàn 6 xuất phát từ Tân Nhật - Tân Kiên (H.Bình Chánh) đánh vào nhiều điểm như trường đua Phú Thọ, chợ Thiếc ... và mục tiêu cuối cùng là Biệt khu Thủ đô. Ông Bình cho biết, chiến dịch Mậu Thân do quá bí mật, lại triển khai nhanh trong thời gian ngắn, dẫn đến nhiều đơn vị không phối hợp được với nhau. Có những đơn vị từ Long An lên tới điểm đánh ở Sài Gòn chậm hơn 10 ngày so với giờ đã thống nhất. Đơn vị của ông khi áp sát Biệt khu Thủ đô thì đơn vị có nhiệm vụ dẫn đường là tổ biệt động 90 lại mắc kẹt ở ngã tư Bảy Hiền, khiến kế hoạch đánh chiếm Biệt khu Thủ đô thất bại.
Chỉ riêng đợt 1 chiến dịch Mậu Thân, đơn vị của ông Bình hơn 300 người bị thương và hy sinh hơn 280 người. Tổng cộng 3 đợt hy sinh gần 1.000 người. Riêng ông Bình sau 12 lần chiến đấu ở đợt 1, khi rút lui đến góc đường Minh Mạng (nay là Ngô Gia Tự) - Vĩnh Viễn bị địch phục kích, ông bị thương hơn 57 vết (trong đó 2 vết ở đầu) và bị địch bắt, giam ở nhà tù Phú Quốc đến năm 1973 được trao trả sau Hiệp định Paris. Suốt 5 năm bị bắt, ông không cho gia đình ở Phú Lâm (Q.6) biết vì sợ người thân bị liên lụy. Sau 30.4.1975 ông mới trở về nhà.
Mong tìm thấy hài cốt đồng đội
Các chiến sĩ tìm kiếm di vật và hài cốt liệt sĩ tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 12.7.2017 Ảnh: Ngọc Dương
Ông Hà cho hay, chỉ riêng Tiểu đoàn 16 có gần 400 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Một số tiểu đoàn như 5, 7, 10, số quân tham gia trận đánh hầu như hy sinh hết. Hiện phần lớn các chiến sĩ hy sinh vẫn chưa tìm thấy thi thể. Mong mỏi lớn nhất của ông là tìm thấy hài cốt đồng đội ở trận chiến này. Năm 1995, đợt tìm thấy mộ tập thể thứ nhất trong sân bay đã tìm được 181 người, quy tập ở Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.