Trận hòa kỳ lạ nói lên điều gì?

06/02/2012 21:41 GMT+7

(TNO) Trận hòa trên sân Stamford Bridge (Anh) là một trận đấu cực kỳ sôi động, kịch tính về mặt diễn tiến, nhưng lại có chất lượng thấp về giá trị chuyên môn. Trọng tài Howard Webb bị chỉ trích, cả về các tình huống phạt đền lẫn không phạt đền. Nhưng trên hết, đâu là bản chất của trận hòa 3-3 giữa Chelsea và M.U?

(TNO) Trận hòa trên sân Stamford Bridge (Anh) là một trận đấu cực kỳ sôi động, kịch tính về mặt diễn tiến, nhưng lại có chất lượng thấp về giá trị chuyên môn. Trọng tài Howard Webb bị chỉ trích, cả về các tình huống phạt đền lẫn không phạt đền. Nhưng trên hết, đâu là bản chất của trận hòa 3-3 giữa Chelsea và M.U?

Không thể nói rằng thứ bóng đá kỳ lạ ấy chỉ có trên sân cỏ Anh (thậm chí người ta còn thua ngược, trên chấm 11 m luân lưu, sau khi dẫn trước 3-0 ở chung kết Champions League). Nhưng quả thật, bóng đá Anh chính là nơi luôn tiềm ẩn những diễn biến lạ lùng như thế.

Các đội bóng Anh rất hiếm khi chủ trương bảo vệ chiến thắng bằng mọi giá sau khi dẫn trước 1-2 bàn, đơn giản vì khán giả của họ không muốn xem nỗ lực ấy. Cũng chính vì vậy, việc một đội bóng ghi liền 3 bàn không nói lên rằng đấy là cách biệt về mặt đẳng cấp.

Ở lượt đi, M.U dẫn trước Chelsea 3 bàn. Bây giờ, Chelsea dẫn lại 3 bàn. Và M.U gỡ liền 3 bàn. Tất cả đều là sản phẩm của diễn tiến ào ạt trên sân cỏ Anh (thiên về sự ngẫu nhiên), hơn là sản phẩm của chiến thuật, chiến lược, đẳng cấp.

Ở Ý, hoặc trong nền bóng đá Latin nói chung, trọng tài dù… muốn sai lầm, như Howard Webb, cũng chẳng được. Đơn giản là vì rất hiếm khi xuất hiện tình huống hậu vệ tự tạo cơ hội cho đối phương ngã nhào hoặc tạo hoàn cảnh đẩy trọng tài đến quyết định sai lầm. Người ta xem đấy là sự khôn ngoan, hoặc tinh ranh, trong cách chơi bóng của cầu thủ tấn công, là sự ngờ nghệch của cầu thủ phòng ngự. Giả sử trọng tài quyết định chính xác để hậu vệ thoát phạt đền trong một pha tranh chấp 5-5, thì hậu vệ được gì?

Hai bàn được ghi từ chấm phạt đền (bất kể là đúng hay sai), một bàn khác đến từ tình huống sút phạt trực tiếp. Đấy đều là các bằng chứng nói lên chỗ dở của các hậu vệ ở Premier League, đặc biệt là khâu chọn vị trí trong phòng ngự. Không phải ngẫu nhiên mà, dù thời thế nay đã khác xưa, người ta vẫn chỉ xem các hậu vệ Ý là chuyên gia phòng ngự. Hậu vệ giỏi, hoặc hệ thống phòng thủ xuất sắc, thì không có cảnh hậu vệ phải thường xuyên tranh chấp tay đôi với tiền đạo như thế.

Vấn đề không phải Daniel Sturridge là người Anh hoặc Branislav Ivanovic là người Serbia. Xuất thân từ đâu cũng vậy, hễ sang Premier League thì họ đều bị cuốn vào cách chơi của bóng đá Anh. Và cách chơi ấy được quyết định chủ yếu bởi cái “gu” của khán giả, hơn là phong cách của các cầu thủ hoặc HLV. Dân Anh vẫn sẽ quyết định: Chelsea - M.U là một trận hay, trên cơ sở diễn tiến. Bản chất của trận Chelsea - M.U, cũng như bản chất của bóng đá Anh, là như vậy.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.