Với Trần Lực, điện ảnh, truyền hình, hay sân khấu đều là những “mối tình” đậm sâu mà lúc nào anh cũng muốn được “yêu như mới bắt đầu”.

Tôi gặp Trần Lực khi bộ phim Em và Trịnh vừa đóng máy, nhìn anh gầy trông thấy. “Tôi giảm hơn 10 cân đấy!”, Trần Lực cười, nói. Vào vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Lực chấp nhận trải qua quá trình ép cân hà khắc với chế độ ăn uống, luyện tập riêng do chuyên gia đưa ra và giám sát.

Anh thấy việc làm phim điện ảnh bây giờ khác gì với hơn 10 năm trước?

Tất nhiên là trang thiết bị, máy móc làm phim cải tiến, hiện đại hơn, nhưng đặc biệt nhất là về mặt con người. Họ tài năng và mới mẻ trong quan điểm nghệ thuật. Từ đạo diễn, trợ lý đạo diễn, đến thiết kế mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, DOP (đạo diễn hình ảnh), quay phim, trang phục... cứ răm rắp, răm rắp. Mọi người nghiêm túc, yêu nghề, chuyên nghiệp ở từng bộ phận, từng điều nhỏ nhất.

Tôi đơn cử như việc đạo diễn phim là Phan Gia Nhật Linh dù bình thường ăn mặc rất phủi, bụi; nhưng ra đến trường quay, bạn ấy luôn mặc áo vest rất đẹp, tóc tai để rất mốt như thể đang đi dự tiệc. Điều đó khiến cho những người xung quanh nhận thấy ra trường quay với bạn ấy là việc hết sức trang trọng. Chỉ chi tiết nhỏ ấy thôi đã thấy sự nghiêm túc, coi trọng nghề nghiệp của một nhà làm phim.

Vậy guồng làm phim mới có là thách thức với anh trong việc bắt nhịp trở lại?

Đã là cái nghề của mình rồi thì xa 10 năm chứ 20 hay 30, 40 năm vẫn thế thôi. Diễn viên mà không đóng phim một thời gian rồi khi làm phim lại cứ lúng ta lúng túng, mất hết cảm giác thì chết! Đó không phải là diễn viên chuyên nghiệp. Tất nhiên, với một phim mới, trong ngày đầu luôn có sự hồi hộp, còn sau đấy lại thấy bình thường. Có ngày tôi quay 16 tiếng, thâu đêm luôn. Tôi theo guồng thời gian quay là một chuyện, còn theo cả cách làm việc của các bạn ấy, từ cách làm mới của đạo diễn, hiểu bạn ấy muốn gì, kể chuyện theo phong cách gì, cho tới cả cách xử lý hình ảnh của quay phim...

Vở Quẫn do NSƯT Trần Lực đạo diễn - Ảnh: NSCC

Trên mạng xã hội bây giờ, diễn viên dễ nhận lời khen tặng lẫn lời chỉ trích theo cách đưa lên cao nhất và cũng có thể hạ xuống thấp nhất. Anh đã chuẩn bị trước tinh thần thế nào cho tình huống này?

Tôi đã chuẩn bị tinh thần từ trước khi làm nghề này ấy chứ! (cười). Cái nghề này là như thế. Không riêng gì diễn viên, mà đạo diễn, quay phim... khi đã dấn thân vào công việc này đều phải chấp nhận lời khen, tiếng chê. Bạn không xác định được việc mình cần theo tới cùng mà chạy theo đám đông, tức là bạn không bản lĩnh, không tự tin, mà như vậy thì làm khó hay lắm, không hay được.

Ngày xưa thời tôi đóng phim nhiều, lời khen cũng có mà lời chê thì cũng tĩ tã ra ấy chứ. Đó là chuyện bình thường. Nhưng với khán giả, họ có thể đưa ra cảm nhận một cách hồn nhiên, còn với những người làm nghề, những nhà phê bình lý luận thì lại khác, phải biết cập nhật, theo cùng xu thế phát triển của thời đại. Người làm nghề mà nhìn một bộ phim với quan điểm cũ thì dễ bị bật ra lắm. Chẳng hạn, phim theo họ là dở, ra rạp có người xem thì lại bảo đổ cho khán giả “dở hơi”, còn phim theo họ là hay nhưng ra rạp chả có ai xem thì cũng đổ khán giả “có biết gì đâu”. Bây giờ, chúng ta đang bị tình trạng như thế, và đó mới là điều đáng ngại.

Vở Bạch đàn liễu do NSƯT Trần Lực đạo diễn - Ảnh: NSCC

Tôi tò mò vì sao sau vai diễn trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, anh nói mình bị rơi vào khủng hoảng và vắng bóng dần trên màn ảnh?

Đúng hơn là chán nản, và cũng chẳng phải là sau vai diễn đó đâu mà là ở thời điểm đó. Thực sự là con người ta cứ làm mãi việc giống nhau thì dễ chán. Sau vai diễn đó, tôi nhận lời tham gia một số phim và thấy rằng nhân vật cứ na ná nhau, ngay cả cách làm phim cũng na ná.

Tôi ngưng diễn xuất một thời gian để đi làm việc khác. Tính tôi nó thế! Vì bất cứ lý do gì mà mình không thấy tự tin với việc gì thì sẽ không làm. Tôi chuyển sang làm sản xuất phim truyền hình, thành lập Hãng phim Đông A.

Vở Nữ ca sĩ hói đầu do NSƯT Trần Lực đạo diễn - Ảnh: NSCC

Anh chuyển sang làm phim truyền hình chẳng phải bởi đó cũng là thời điểm “làm ăn tốt” của những hãng phim tư nhân?

Đúng là thế! Tôi bắt đầu làm từ năm 2006. Lúc đó phim truyền hình dài tập còn mới mẻ. Trước đấy, phim dài 15 tập là đã kinh khủng rồi, mà tôi còn làm Gió qua miền tối sáng dài 30 tập, mỗi tập 30 phút. Hãng phim của tôi sản xuất phim truyền hình cho VTV, HTV... cứ chỗ nào có kênh sóng thì bọn tôi nhảy vào làm.

Tiền nhà đài có trả cho bọn tôi bằng tiền mặt đâu mà trả bằng thời lượng quảng cáo. Bọn tôi phải bán thời lượng quảng cáo, cứ ròng rã bán như thế, đến khi thu tiền về thì đúng nghĩa là tiền chẵn đổi tiền lẻ. Tất nhiên, phải có lãi thì mới làm chứ! Tùy từng phim, có phim lãi nhiều, có phim lãi ít, có phim lỗ. Làm ăn như vậy là chuyện bình thường, đặc biệt lại là trong lĩnh vực phim ảnh.

Thời làm phim truyền hình có đủ để anh có tiền thành lập đoàn kịch tư nhân đầu tiên ở phía bắc?

Đúng là không có tiền thì sao làm được. Khi làm phim truyền hình, tôi tích cóp được chút tiền để sau đấy làm đoàn kịch. Dù tôi không có nhiều tiền nhưng cũng đủ để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Cái gì mới mà chả khó khăn, mở quán cà phê còn dễ lỗ chỏng vó ra (cười).

Anh lập LucTeam để thỏa mãn điều gì?

Tôi làm LucTeam trước hết là để thỏa mãn mình. Tôi yêu sân khấu. Tôi sinh ra trong gia đình cả bố và mẹ đều làm sân khấu. Tuổi thơ gắn liền với sân khấu. Và cái nữa là nghệ thuật sân khấu rất hấp dẫn tôi. Tôi đi học ở Bulgaria về sân khấu gần 7 năm đấy. Năm 1991, học xong, tôi trở về, nhiệt huyết kinh khủng, nhưng sân khấu trong nước khiến tôi thất vọng ê chề.

Thế hệ làm sân khấu của chúng ta bị đứt quãng một thời gian. Sau thế hệ đạo diễn được đào tạo bài bản, tạo nên dấu ấn riêng như Đình Nghi, Đình Nam, Xuân Huyền, Đoàn Anh Thắng, Lê Hùng... thì thế hệ sau đấy cho đến bây giờ, đại đa số đạo diễn đều không có phong cách riêng. Phần lớn họ đều là diễn viên được đào tạo sang nên đã bị ảnh hưởng phong cách từ những thế hệ đi trước, người này một ít, người kia một chút.

NSƯT Trần Lực đang chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên - Ảnh: NSCC

Anh “chê” sân khấu kịch lâu nay cũ lắm rồi, còn LucTeam mang đến sự mới mẻ. Nói thế mà anh không sợ “động chạm” đến bao người sao?

Nếu sợ động chạm, tôi không thể làm từng ấy việc trong suốt thời gian mấy chục năm cho đến giờ vẫn tồn tại. Tôi lúc nào cũng nói rất thẳng và mọi người nên thấy là chuyện bình thường đi. Làm nghề gì cũng thế thôi, để khen nhau thì dễ lắm. Nếu cứ sợ để rồi cuộc sống dĩ hòa vi quý thì không làm được việc gì. Tôi dám nói bởi vì tôi làm được như thế.

Mặc dù lúc tôi nói như vậy LucTeam cũng chỉ mới chập chững, nhưng tôi tin vào những việc tôi làm, tin vào phong cách sân khấu của mình.

Khi thành lập LucTeam, tôi nghĩ với phong cách này, phải sau 5 năm, khán giả mới quen nhưng rất bất ngờ, chưa đến 2 năm là bọn tôi đã có lượng khán giả xem đông đảo. Tôi từng nghĩ khán giả quen với kiểu sân khấu cũ, khó quen với sân khấu mới, hóa ra không phải. Họ đã chờ, đang chờ ngôn ngữ sân khấu mới lâu lắm rồi nên mình ra cái họ tiếp nhận ngay.

Những năm 1990, tôi đi đóng phim vài năm, rồi cùng với bạn thân là Trung Anh (NSND Trung Anh) đã định làm sân khấu tư nhân, nhưng lúc bấy giờ không được phép. Tôi thật sự tiếc là đến giờ mới được làm.

Vậy giờ anh đã “mãn nguyện” với những “mối tình” nghệ thuật của mình?

Nói mãn nguyện thì chưa hẳn. Vẫn phải làm nữa chứ! Nhỡ đâu có cơ duyên hay phút điên rồ nào đấy, tôi lại quay ra làm sản xuất phim điện ảnh. Ở đời không biết trước được điều gì cả. Quan trọng có những việc mình thấy hay, thấy tốt thì mình làm thôi!

Như sau hơn 20 năm làm điện ảnh với ngôn ngữ tả thực, đến khi làm sâu khấu ước lệ như là vùng trời mới để tôi khám phá! Ui, thích lắm! Đấy, mình phải hào hứng như thế thì mới làm được, làm mới hay được!

Báo Thanh Niên
25.04.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.