Trần trụi... cộng tác viên

21/06/2011 00:21 GMT+7

(Lược trích từ bài viết đoạt giải nhất cuộc thi Tôi yêu nghề báo do khoa Báo chí và truyền thông trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với Tạp chí Nghề báo (Hội Nhà báo TP.HCM) tổ chức).

Cộng tác viên (CTV) báo chí là những người lặng thầm sát cánh cùng tờ báo mà họ yêu, lặng thầm đến mức có khi thấy nhơ nhớ, đến thăm tòa soạn mà ban biên tập không hay. Anh chị em CTV nhiều khi đùa với nhau: bọn mình là những “nhà báo trần trụi”. Nói thế để nhấn mạnh rằng CTV báo chí hoạt động trong tình trạng “có” nhiều cái “không”. Xin được trần thuật cái trần trụi ấy coi như một lời trần tình: Họ không được đào tạo bài bản, không lương, không thẻ, không giấy giới thiệu, không “báo cụ”, không hợp đồng.

Như một fan yêu đội bóng của mình, tôi cũng có một tờ báo để yêu. Đó là tờ Thanh Niên. Nhưng báo và bóng có cách yêu khác nhau. Tình yêu của các fan thường được thể hiện bằng cường độ cổ súy trên khán đài với trống kèn hát hò nhảy múa. Còn tình yêu của CTV đối với báo thì khác hẳn, không tô mày vẽ mặt như các fan bóng đá mà lặng lẽ nồng nàn. Nghe ai khen “báo mình” số này hay, bài kia tuyệt thì lập tức vểnh tai lên, nói đúng rồi, đúng rồi... Ngược lại, nghe ai chê số này dở, bài kia nhạt thì xổ ra ngay một mớ lý lẽ để bảo vệ “người yêu”. Bảo vệ không xong thì lặng lẽ buồn và... chuồn.

CTV báo chí nhập cuộc cùng tờ báo mình chọn bằng cách viết bài, đưa tin, gửi ảnh, thể hiện sự đồng cảm, trăn trở cùng đội ngũ phóng viên. Tất nhiên, để làm được điều này, CTV cần có chút kỹ năng viết lách, có niềm say mê, biết lắng nghe hơi thở cuộc sống, biết yêu và biết ghét, có tấm lòng chân thành để viết lên những dòng chân thật.

Làm báo là một nghề nguy hiểm. Có người cho rằng nhận xét này đúng đối với các phóng viên chiến trường. Nhưng không chỉ vậy. Nhiều phóng viên thời bình vẫn bị ném đá từ bóng tối bởi họ dám đưa tội lỗi ra ánh sáng. Những phóng viên ấy bao giờ cũng được tòa soạn, Hội Nhà báo, Luật Báo chí can thiệp, bảo vệ.

Vì báo chí là “thư ký của thời đại” nên nếu ai thiếu tôn trọng sự thật hoặc đối xử với sự thật một cách nửa vời thì không nên bước vào làng báo

Còn CTV - những “phóng viên” không biên chế, “thường trú” tại xã, phường thì sao? Họ âm thầm làm việc cho tòa soạn một cách tự nguyện mà không hề đòi hỏi điều gì. Khi dám viết những bài báo có nội dung nhạy cảm, tạo nên những hiệu ứng xã hội nhất định, được tòa soạn đánh giá khá, tác giả thường phải một mình chịu áp lực từ những người đố kỵ (trong địa phương) với những suy diễn thiếu thiện ý. Trường hợp này, CTV phải bình tâm, “giữ lửa”, tự động viên mình, tự bảo vệ mình bằng niềm tin vào chính tờ báo mình yêu. Thêm vào đó, CTV phải có bản lĩnh như một phóng viên để sẵn sàng đi đến tận cùng sự thật. Vì báo chí là “thư ký của thời đại” nên nếu ai thiếu tôn trọng sự thật hoặc đối xử với sự thật một cách nửa vời thì không nên bước vào làng báo.


Ảnh minh họa: Dad
 

Làm báo nghiệp dư phải biết vượt qua mặc cảm. Nhiều khi CTV phải vận dụng cơ chế... xin - cho chỉ vì một mẩu tin. Có lần tôi đi lấy tin về một vụ va chạm xe máy dẫn đến chết người tại địa phương. Đang loay hoay “kiếm” cái ảnh hiện trường thì một cảnh sát giao thông ngăn lại, hỏi ông là ai, ở cơ quan nào, có giấy tờ gì không, ai cho phép ông chụp ảnh, ông chụp để làm gì? Trả lời sao đây khi chẳng có một thứ gì khả dĩ chứng minh rằng mình đang làm công việc đưa tin cho một tờ báo. Biết là không phạm luật nhưng vẫn phải nhỏ nhẹ, mềm mỏng, một thưa hai thốt nếu không muốn lủi thủi rời hiện trường theo cái xua tay của anh cảnh sát giao thông.

Như phóng viên, CTV nào cũng coi tòa soạn là ngôi nhà thân thiết của mình, đều có ý thức chăm chút và mong muốn đóng góp cho tờ báo những tin, bài mà các phóng viên dù năng động, xông xáo đến đâu cũng không thể có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm để tác nghiệp.

Các CTV thường ví von, tếu táo, đấu hót với nhau, rằng bài viết như... tấm áo choàng khoác lên mình người đẹp. Phải vừa kín để đoan trang nhưng phải hở... chút chút để gợi nhã tình; phải đủ dài để tạo dáng thướt tha, nhưng phải ngắn tí đỉnh để lửng lơ, kích thích trí tưởng tượng của bạn đọc. Cũng là gan ruột với nhau thôi. Nhưng trước hết, đó là những gì mà anh chị em CTV tự “bồi dưỡng” nghiệp vụ cho nhau.

Thỉnh thoảng, CTV nhặt được những niềm vui. Có lần, trong hội nghị tổng kết, một nữ phó tổng biên tập đã nhìn nhận: Tòa soạn chỉ rải phóng viên đến cấp tỉnh là cùng. Ở những địa bàn xa xôi hẻo lánh, “trắng” phóng viên thì đã có mạng lưới CTV. Họ cần mẫn đưa tin, viết bài, cùng với phóng viên mang đến cho tờ báo những góc cạnh xù xì của cuộc sống, những mảng hiện thực nóng hổi từ cơ sở, khiến tờ báo có tính cập nhật cao, ngày càng đa sắc, đa giọng điệu, gần gũi với quần chúng, trở thành món ăn tinh thần bổ ích cho mọi giới. Trong một số báo mà bài nào cũng nền nã, lịch lãm, sang trọng, hoa mỹ, hàn lâm, như một bữa tiệc chữ nghĩa, sẽ không thể tránh khỏi sự đơn điệu và nhàm chán.

CTV nhìn nhau hạnh phúc. Nói vậy có nghĩa là những bài viết “bông bầu bông bí” của các cây bút không chuyên đang được tòa soạn đón nhận bởi cái duyên quê của nó...

Trần Cao Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.