Tranh biện 'nảy lửa' về có nên hình sự hoá việc quấy rối tình dục phụ nữ

Vũ Thơ
Vũ Thơ
13/03/2019 14:35 GMT+7

Quấy rối tình dục phụ nữ nơi công cộng là vấn đề được các đại biểu tranh biện "nảy lửa" tại Đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ trẻ em nơi công cộng.

Tại buổi Đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ, trẻ em nơi công cộng diễn ra sáng nay, 13.3, các đại biểu đã tranh biện "nảy lửa" về việc có nên hình sự hóa việc quấy rối tình dục phụ nữ nơi công cộng.
Đối thoại do T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với T.Ư Đoàn và Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức, nhân kỷ niệm 1.979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 109 năm Ngày quốc tế Phụ nữ (8.3) và 88 năm Ngày thành lập Đoàn.
Trực tiếp tham gia đối thoại với sinh viên là Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam; bà Eliza Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng UN Women.
Tham gia đối thoại có khoảng 500 sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, trong đó có hơn 60 sinh viên khuyết tật, nhiều bạn là người khiếm thính. Không khí hội trường đã sôi nổi ngay từ khi bắt đầu diễn ra đối thoại vì trên sân khấu có một đại biểu đặc biệt đứng “múa tay” dịch ngôn ngữ của người khiếm thính và màn chào hỏi được MC đề nghị đại biểu vỗ tay theo kiểu của người khiếm thính.
Đại biểu vỗ tay theo cách của người khiếm thính Ảnh Ngọc Thắng

Chưa có cơ sở pháp lý?

Tại buổi đối thoại, các sinh viên đã chia nhóm để tranh biện theo phong cách của Nghị viện Anh về vấn đề có nên hình sự hoá các hành vi quấy rối tình dục với phụ nữ ở nơi công cộng. 8 bạn sinh viên đến từ các câu lạc bộ tranh biện của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã lên sân khấu, tranh biện và đưa ra những giải pháp cho vấn đề trên. 8 bạn chia thành 2 nhóm, đại diện cho 2 quan điểm: ủng hộ và phản đối.
Đội phản đối cho rằng luật pháp Việt Nam hoàn toàn có lý khi không hình sự hóa các hành vi quấy rối tình dục với phụ nữ ở nơi công cộng vì việc xác định hành vi này không khả thi, chưa có văn bản nào quy định. “Luật cần phải căn cứ từ bằng chứng, tránh gây oan sai hoặc bị lợi dụng...”, đại diện đội phản đối nêu quan điểm.
Đội này tiếp tục khẳng định hiện tại chưa có căn cứ pháp lý để hình sự hoá. Nếu áp dụng lúc này sẽ dễ tạo sự bất mãn cho xã hội khi nhiều người chưa ý thức được các hành vi quấy rối tình dục. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp, nạn nhân chưa nhận thức được bị quấy rối tình dục. Vì vậy, việc hình sự hoá trong năm tới là không phù hợp vì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề.
Đội phản đối cũng đưa ra một số giải pháp phòng chống quấy rối tình dục như thực hiện công lý phục hồi bằng cách hoà giải. Người có lỗi phải tham gia phiên toà hoà giải, tham gia các lớp giáo dục hành vi và tuyên truyền phòng chống quấy rối tình dục. “Biện pháp này còn hàn gắn tổn thương tinh thần của nạn nhân. Với giải pháp hoà giải sẽ giảm tỷ lệ tái phạm. Đồng thời đảm bảo quyền con người...”, đại diện đội này lập luận.
Sinh viên lập luận về việc không nên hình sự hóa việc quấy rối tình dục phụ nữ nơi công cộng Ảnh Ngọc Thắng

Cần xử lý thích đáng

Tuy nhiên, đội ủng hộ đã đưa ra một số định nghĩa hành vi quấy rối tinh dục với phụ nữ. Trong đó có 9 hành vi như: gửi tin nhắn có nội dung khiêu dâm, nói chuyện về tình dục mà người khác không thoải mái... Đồng thời, khẳng định những hành vi này có tính chất nguy hiểm cho xã hội, tác động tới tâm sinh lý nạn nhân; xâm hại sức khoẻ, nhân phẩm…
Đội ủng cho rằng cần có hình thức kỷ luật đích đáng vì hoàn toàn có bằng chứng về các hành vi quấy rối tình dục thông qua lời nạn nhân, ghi âm, hình ảnh nơi công cộng; thang đo hành vi quấy rối tình dục thông qua tâm lý nạn nhân (hoảng sợ, ảm ánh theo thời gian) thì có thể quan sát, đánh giá được với người bị hại để đưa ra việc trừng phạt đích đáng.
“Việc hình sự hoá sẽ răn đe lớn hơn với cộng đồng thay vì thương lượng, phạt hành chính cho qua; mức độ trừng phạt sẽ gia tăng giúp cộng đồng an toàn hơn. Thông qua đó giáo dục cho mọi người, tăng cường nhận thức phòng chống bị quấy rối tình dục, tạo hành lang pháp lý an toàn cho phụ nữ”, đại diện đội ủng hộ nói.
Đại diện đội ủng hộ cho rằng cần xóa bỏ quan niệm "con gái làm hoa cho người ta hái" Ảnh Ngọc Thắng
Đội ủng hộ cũng khái quát có 4 lý do chính đáng để hình sự hoá hành vi quấy rối tình dục, bao gồm: tính nguy hiểm ảnh hưởng tâm sinh lý nạn nhân; tạo môi trường xã hội không an toàn (11,7% nam giới từng thực hiện hành vi quấy rối tình dục); xung đột về vấn đề văn hoá xã hội cần thay đổi định kiến "phụ nữ là hoa để người ta ngắm..."; xung đột về giá trị giáo dục, … “Hình sự không chỉ có trừng phạt mà còn răn đe, giáo dục để ngăn ngừa các hành vi phạm tội”, đại diện đội này khẳng định.
Sau khi nghe tranh biện, MC đã hỏi ý kiến khán giả hội trường và đa số các đại biểu giơ tay ủng hộ cần hình sự hoá các hành vi quấy rối tình dục với khoảng gần 500 người đồng ý và chỉ khoảng gần 20 ý kiến phản đối.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.