Tranh thủ cơ hội để vượt qua thách thức và phát triển

02/09/2020 21:03 GMT+7

Trong cuốn Thế giới bàn về Việt Nam , tác giả Thomas Hodgkin, người Anh, đánh giá Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một 'sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga'.

Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi to lớn đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo cuộc vận động giải phóng dân tộc, là tiền đề quan trọng để dân tộc Việt Nam tiếp tục giành những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại sâu sắc ở thế kỷ 20.
Những bài học từ Cách mạng Tháng Tám vẫn còn giá trị đến bây giờ. Đó là bài học về dự báo và chớp thời cơ, về đoàn kết dân tộc, về sự lãnh đạo của Đảng. Thực tiễn hôm nay đòi hỏi chúng ta phải phát huy những bài học lý luận của Cách mạng Tháng Tám để vận dụng trong hoàn cảnh mới.
Thế giới đang đứng trước nguy cơ mất ổn định kinh tế - xã hội, các mối đe dọa của an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế toàn cầu... Kinh nghiệm từ bài học về nắm thời cơ và đẩy lùi nguy cơ trong Cách mạng Tháng Tám đòi hỏi Đảng phải có tầm nhìn chiến lược, có khả năng dự báo tình hình, xác định chủ trương đúng, tăng cường tiềm lực, đón đầu và tranh thủ cơ hội để vượt qua thách thức và phát triển nhảy vọt.
Từ bài học củng cố và tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết tụ trong Cách mạng Tháng Tám, Đảng luôn khẳng định: sự nghiệp cách mạng là do nhân dân, của nhân dân, vì nhân dân. Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nếu trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, độc lập dân tộc là mẫu số chung để hội tụ sức mạnh thì nay dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là động lực và là mục tiêu phấn đấu.
Thế giới hiện đang tồn tại xu hướng chủ đạo là vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa các quốc gia, không quốc gia nào có thể phát triển khi tách khỏi quỹ đạo hợp tác của thế giới. Vận dụng sáng tạo phương pháp cách mạng thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, Đảng và Nhà nước chủ trương đấu tranh bằng phương pháp chính trị là chủ yếu, xử lý các tranh chấp, xung đột quốc tế thông qua con đường thương lượng, hòa giải dựa trên luật pháp quốc tế, dư luận quốc tế và lấy chính nghĩa làm cốt lõi để chiến thắng. Chính sách “4 không”, trong đó có bổ sung điểm mới: không sử dụng bạo lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong xử lý các tranh chấp quốc tế, là minh chứng cụ thể cho nhận thức, tư duy không ngừng đổi mới, bắt kịp xu thế của Đảng.
Thành công của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám 1945 bắt nguồn từ bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tiếp thu và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Bài học lý luận đó vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.