Trao đổi với Giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng: Một phần diện mạo văn hóa của Đà Nẵng

14/07/2005 23:17 GMT+7

Nếu thành phố Đà Nẵng được biết đến như một đô thị năng động với những thành tựu về nhiều mặt, chinh phục ngay những người khách lần đầu gặp gỡ, thì Nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng được nhắc tới bởi những bước tiến rất đáng kể trong những năm gần đây. Lặng lẽ nhưng chắc chắn, NXB Đà Nẵng đã làm mới mình bằng những thay đổi lớn lao, để thực sự trở thành một thương hiệu uy tín với bạn đọc cả nước, thành một bà đỡ đầy nhiệt tâm với người cầm bút cả nước.

Cuộc trò chuyện với Tổng biên tập NXB Đà Nẵng, nhà văn Nguyễn Đức Hùng (Đà Linh), cho thấy thêm một số khía cạnh trong công việc của người làm xuất bản.

* Nếu tự nhìn nhận về hiệu quả hoạt động của NXB Đà Nẵng, anh sẽ nhắc đến những ấn phẩm nào?

- Tất nhiên không thể không nói đến những bộ sách như: Văn miền Trung thế kỷ XX, Thơ miền Trung thế kỷ XX, Lý luận Phê bình miền Trung thế kỷ XX... Với trên 500 tác giả suốt chiều dài của 17 tỉnh miền Trung, trong một thế kỷ đầy những biến động, công trình này khẳng định chỗ đứng của NXB Đà Nẵng trên cả nước. Về bộ sách triết của Francois Jullien, chúng tôi đã giới thiệu được một trào lưu triết học hiện đại phương Tây có tính đối sánh hàm chứa cả minh triết phương Đông.

* Còn về những gì chưa làm được?

- Có lẽ cần phải củng cố, phát triển thương hiệu, trong khi chúng tôi vẫn chưa có được những yếu tố thiên thời - địa lợi. Thị trường, chất xám dồn ở hai đầu đất nước, nguồn lực đầu tư chiều sâu thì chưa mạnh. Rồi cả cái quán tính của thời bao cấp chưa thể giải quyết, nhận thức về tiến trình hội nhập - phát triển còn hạn chế.

NXB Đà Nẵng không chỉ làm nghĩa vụ cho địa phương mà đã có những đóng góp giá trị cho lịch sử - văn hóa - văn học cả nước. Mới nhất là Phan Châu Trinh toàn tập (3 tập, 2.320 trang, 2005), Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1928, 1929 (780 trang, 2005). Còn trước đây: Quảng Nam - Đà Nẵng xưa và nay, Hội An - đô thị cổ, Mỹ Sơn - Kiệt tác trong nghệ thuật Chàm, bộ ba Văn - Thơ - Lý luận Phê bình Văn học miền Trung thế kỷ XX. Văn thơ Huỳnh Thúc Kháng, Lịch sử báo Tiếng Dân, Trần Quý Cáp - chí sĩ Duy Tân, Phạm Phú Thứ với tư tưởng canh tân, Chí sĩ Trần Cao Vân, Hoàng Diệu - Thân thế và sự nghiệp, Tuyển tập Khương Hữu Dụng, Tuyển tập Huỳnh Lý, Tuyển tập Võ Quảng, Tuyển tập Trinh Đường, Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, Tuyển tập Hoàng Châu Ky, Tuyển tập Lưu Trùng Dương... tác phẩm chọn lọc của Nguyên Ngọc, Vũ Hạnh, Thu Bồn... Bên cạnh những đầu sách dịch rất ấn tượng như Từ điển biểu tượng Văn hóa thế giới, Tại sao Việt Nam? (L.A Patty), Nghệ thuật tiểu thuyết (Milan Kundera), Đỗ Phủ - Nhà thơ dân đen,...

* Sắp tới, sẽ có những thay đổi khi hoạt động xuất bản được xã hội hóa mạnh hơn. Anh nghĩ gì về điều này?

- Tôi cho rằng tất cả sẽ đứng cùng vạch xuất phát, nhưng tất nhiên sẽ không thuận lợi cho những NXB thấp cổ bé họng, những nơi làm sách không có thực lực. Tôi mong các cấp quản lý tránh được sự giản đơn khi nhìn nhận hoạt động xuất bản.

* Về Luật Xuất bản mới, anh có ý kiến gì không?

- Luật mới sửa đổi, bổ sung, cần có kiểm nghiệm trong thực tiễn. Vấn đề vẫn tùy thuộc con người: cần hiểu và vận dụng luật một cách đúng đắn. Không nên tồn tại những quy định trớ trêu kiểu NXB địa phương thì không được phép in từ điển (!), sách mà lại phân cấp theo kiểu NXB trung ương hay địa phương (!), hay sách tham khảo cho học sinh thì chỉ ưu tiên cho siêu cường Giáo Dục. Luật được sửa đổi, nhưng lưu ý những biến dạng của giấy phép con, máy móc trong nghiệp vụ quản lý. Nghị định và các văn bản dưới luật cần làm cho luật sáng sủa hơn, chứ không phải ngược lại. Đại biểu Dương Trung Quốc từng phát biểu trước Quốc hội về Luật Xuất bản: "Tôi đã hy vọng một hồi kèn xung trận nhưng lại chỉ được nghe một tiếng kèn ngập ngừng".

* Còn vấn đề tư nhân hoạt động xuất bản?

- Ngay những người Việt Nam sống xa Tổ quốc cũng mong muốn đóng góp xây dựng quê hương trên mọi lĩnh vực. Vậy tư nhân (có quyền công dân, có điều kiện) đóng góp cho lĩnh vực xuất bản là không còn bàn cãi. Việc thành lập NXB tư nhân lại là một vấn đề khác, có lẽ phải cần một bộ Luật Xuất bản mới (việc thành lập NXB ghi rõ trong điều 19, 20, 21 của luật mới sửa đổi).

* Trong mắt anh, báo chí có vai trò gì đối với hoạt động xuất bản?

- Báo chí - xuất bản là anh em một nhà, nhưng thực tế vẫn thường đi hai cửa! Thông tin từ báo chí luôn đưa đến người đọc những cảm xúc hỗn hợp: cả niềm vui và nỗi buồn. Tuy nhiên, những tờ báo trân trọng văn hóa đọc, muốn tôn vinh sách trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân và tạo được sự tin cậy trong cách nhìn nhận về sách của mình chưa nhiều. Chính nhờ báo chí, mà sách có thể nhanh chóng tìm đến với người đọc hơn. Sách được bạn đọc đón nhận, trân trọng, đó chính là niềm vui và hạnh phúc của những người làm xuất bản chúng tôi.

Ngô Thị Kim Cúc
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.