Chỉ 1% dân số thế giới chẩn đoán bị bệnh celiac (bệnh lý đường ruột vì nhạy cảm với gluten) nhưng gần đây trào lưu sử dụng thực phẩm không chứa gluten lại được đẩy lên cao một cách vô lý, gây ra những hiểu nhầm về loại protein này.
Ngoài nhóm 1% nói trên thì trên thế giới còn có khoảng 0,4% người có những phản ứng khi tiêu hóa lúa mì hoặc hít phải bụi bột mì và 1 nhóm người rất nhỏ nữa bị cho là nhạy cảm với gluten. Thế nhưng các thông kê gần đây cho thấy có khoảng 22% người trưởng thành đang cố gắng tránh gluten. Riêng ở Mỹ những 20 triệu người cho rằng chế độ ăn không gluten là tốt cho sức khỏe hơn và khoảng 13 triệu người đang tìm cách loại bỏ hoàn toàn gluten trong nỗ lực giảm cân của họ.
“Đây đơn giản chỉ là mốt” - đó là khẳng định của một nhà nghiên cứu bệnh celiac ở Mỹ bởi nhiều khảo sát cho thấy những người chạy theo mốt này còn không biết gluten là gì - Ảnh: Shutterstock
|
“Đây đơn giản chỉ là mốt” - đó là khẳng định của một nhà nghiên cứu bệnh celiac ở Mỹ bởi nhiều khảo sát cho thấy những người chạy theo mốt này còn không biết gluten là gì. Đây là một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen. Nếu bạn không thuộc 3 nhóm nhạy cảm với gluten thì hãy đọc 5 điều được các chuyên gia dinh dưỡng và các nhà nghiên cứu thị trường kết luận về thực phẩm không chứa gluten.
Không giàu dinh dưỡng hơn (và có thể còn ít dưỡng chất hơn). Nhiều thực phẩm không chứa gluten lại không được tăng cường các chất dinh dưỡng như a xit folic và sắt. Lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen có được cái vị ngon là nhờ gluten, do vậy khi loại bỏ gluten, các nhà sản xuất phải thêm chất béo, đường và muối để bù đắp hương vị đã mất. Như thế thì đúng là lợi bất cập hại.
Hơn nữa, gluten có lợi đối với việc kiểm soát triglyceride (mức triglyceride trong máu cao là một yều tố rủi ro gây bệnh vữa xơ động mạch) và huyết áp. Tinh bột kháng trong lúa mì hỗ trợ các vị khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa và từ đó giúp giảm tình trạng viêm nhiễm. Theo một nghiên cứu, những người khỏe mạnh sau 1 tháng áp dụng chế độ ăn không gluten thì tỉ lệ vi khuẩn có lợi bị giảm đáng kể.
Tăng nguy cơ nạp thạch tín. Người nói không với gluten thường tìm đến gạo nhưng một khảo sát năm 2012 cho thấy hon 60 loại gạo và các thực phẩm đóng gói làm từ gạo (mì ống, bánh quy giòn, ngũ cốc…) chứa lượng thạch tín vượt mức cho phép. Theo một khảo sát khác, 17% lượng thạch tín được nạp vào cơ thể người là qua đường gạo.
Tăng cân âm thầm. Người mắc bệnh celiac thường tăng cân sau khi áp dụng chế độ ăn kiêng. Tác hại do gluten gây ra trong đường ruột khiến bệnh nhân không thể tiêu hóa được đồ ăn. Vì thế sau khi từ bỏ gluten, người bị celiac lại sung sướng vì cơ thể hấp thu tốt các chất dinh dưỡng, trong đó có calorie. Một khảo sát 369 người bị celiac cho thấy sau 3 năm ăn kiêng, 27% người tăng cân và 42% bị béo phì.
Đa phần thực phẩm có dán nhãn gluten-free đều có giá đắt hơn gấp đôi so với các phiên bản gốc - Ảnh: Shutterstock
|
Trả nhiều tiền hơn. Đa phần thực phẩm có dán nhãn gluten-free đều có giá đắt hơn gấp đôi so với các phiên bản gốc. Bởi các nhà sản xuất phải tăng chi phí để đáp ứng các quy định về nhãn mác và cấp giấy chứng nhận.
Không như quảng cáo. Đừng đặt hết lòng tin vào nhãn mác vì một khảo sát của Chuyên san dinh dưỡng lâm sàng châu Âu cho thấy 5% trong 158 sản phẩm không chứa gluten không đáp ứng được tiêu chuẩn do Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ ban hành.
Đối với người cần tránh gluten thì có những cách vô cùng đơn giản để khỏi rơi vào cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, chẳng hạn như tăng cường các loại ngũ cốc nguyên cám. Hãy thay thế lúa mì bằng bắp ngô, hạt kê, diêm mạch… và đặc biệt là các loại hạt như óc chó, dẻ, điều…
Lê Sa
(theo Consumer Reports, New York Times, Eating Well)
Bình luận (0)