Công ty in giống cơ quan thuế?
Mới 7 giờ sáng nhưng tại Công ty giấy vi tính Liên Sơn (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) đã đông nghẹt người đứng ngồi nhấp nhổm. Không khí căng thẳng, mệt mỏi hệt như cảnh đi mua hóa đơn ở cơ quan thuế. Đúng 8 giờ, bảo vệ nhà in gọi số của từng khách hàng vào trong phòng làm việc để gặp nhân viên nhà in bàn thảo hợp đồng.
Tại nhiều tầng lầu của tòa nhà Liên Sơn treo bảng không tiếp khách vào buổi chiều. “Tự dưng nhà in thành cơ quan thuế. Trước đây họ cần mình, nhưng giờ mình cần họ nên hết sức khó khăn” - chị Tuyến, kế toán của một công ty ở Gò Vấp phàn nàn. “Mới 8 giờ 30 phút mà đã hết số thứ tự, đành phải quay về, không biết ăn nói với sếp như thế nào. Như vầy biết bao giờ mới có hóa đơn”, chị Tuyến nói tiếp.
Ngay tại cửa công ty, bàn tiếp tân được trưng dụng làm bàn hướng dẫn khách hàng đặt in hóa đơn theo mẫu thiết kế do Liên Sơn chuẩn bị sẵn. Theo giải thích của cô nhân viên tại bàn, sở dĩ khách hàng phải làm theo mẫu vì quá nhiều hợp đồng in, nếu mỗi DN đặt hàng một mẫu thì công ty không làm xuể.
Trong khi Nghị định 51 cũng như Thông tư 153 hướng dẫn nghị định, DN có thể thiết kế bất kỳ mẫu hóa đơn nào, trang trí hoa văn, logo công ty... nhưng phải tuân thủ một số nguyên tắc thông tin do cơ quan thuế đưa ra. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, mẫu thiết kế của họ làm đúng theo hướng dẫn của cơ quan thuế, nhưng vì kích cỡ không “chuẩn” theo mẫu của nhà in nên bị nhân viên nhà in từ chối. Các nhà in khác như nhà in Tài chính, nhà in Thống kê… tình trạng cũng tương tự.
Ít quá không in!
Theo chị Huyền, kế toán một công ty ở Q.3, lý do DN tập trung về các nhà in “có tiếng”, đặc biệt là Liên Sơn vì đây là nhà in có kinh nghiệm, chuyên nghiệp. Nhiều công ty ở tận Long An, Phan Thiết... cũng tới Liên Sơn in hóa đơn, nên quá tải là không thể tránh.
Chị Huyền than thở đã chuẩn bị hồ sơ cho việc đặt in hóa đơn từ gần tháng nay, nhưng tới giờ vẫn chưa có kết quả, hợp đồng chưa được ký. Trong khi cơ quan thuế đang siết chặt việc bán hóa đơn đỏ để tránh các DN mua nhiều sử dụng cho 3 tháng đầu năm tới, chậm triển khai đặt in hóa đơn. “Giám đốc thúc giục phòng kế toán sớm có hóa đơn đặt in, chứ nếu không kịp sẽ ảnh hưởng lớn đến buôn bán, lấy đâu hóa đơn giao cho khách. Nếu hôm nay ký được hợp đồng thì 15 ngày sau chúng tôi mới có mẫu hóa đơn in thử. Nếu xem mẫu không có gì sai sót thì nhà in sẽ ký hợp đồng rồi bắt đầu in, còn chỉnh ít thì mất 1 tuần, chỉnh nhiều là 10 ngày và phải 40 ngày sau chúng tôi mới có hóa đơn. Tính ra mất khoảng 2 tháng để in được hóa đơn, tới lúc đó thì đã là tháng 2. Khoảng thời gian này nếu không in kịp hóa đơn ai chịu trách nhiệm” - chị Huyền lo lắng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, hồ sơ “xin” đặt in hóa đơn mà DN cần phải có khi tới các công ty in gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đăng ký thuế, hợp đồng in theo mẫu của công ty in đưa cho. Nhiều hồ sơ chờ cả tuần sau mới có phiếu hẹn. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, khách hàng mới bật ngửa vì phía nhà in không chấp nhận mẫu hóa đơn do bên ngoài thiết kế, thường là khổ giấy không phù hợp với nhà in hoặc hoa văn cầu kỳ, khó in.
Các DN cũng than vãn, nhà in không mấy mặn mà với các hợp đồng in số lượng ít hóa đơn, luôn kiếm cách từ chối. Trong khi, đối tượng DN vừa và nhỏ ở VN chiếm hơn 80% trong số 500.000 DN của cả nước. Những công ty này mỗi tháng chỉ sử dụng trung bình 3 - 4 cuốn hóa đơn.
Cơ quan thuế vẫn bán hóa đơn cho DN dùng 1 tháng tới Xung quanh vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, trả lời Thanh Niên: Trong thực tế còn nhiều DN đủ điều kiện nhận in hóa đơn nhưng chưa gửi thông báo đến cơ quan thuế. Vậy ngoài 48 DN đã có thông báo, các DN in khác có đủ điều kiện nhận in hóa đơn thì vẫn được nhận in hóa đơn. N.T.Tâm (thực hiện) |
N.Trần Tâm
Bình luận (0)