Trây trét nhà "tái định cư" - Bài 2: Thiếu thốn trăm bề

05/01/2010 00:34 GMT+7

Chấm dứt chuỗi ngày dài tạm cư, các hộ dân được phân bổ nhà tái định cư (TĐC) để ở. Nhưng khi đến nơi ở mới, đã khổ vì nhà kém chất lượng, các hộ dân còn khổ hơn bởi cuộc sống thiếu thốn trăm bề... Nghe đọc bài

Nhọc nhằn kiếm kế mưu sinh

Khu chung cư Thạnh Mỹ Lợi là nơi hội tụ của gần 500 hộ dân bị giải tỏa về từ các phường Thủ Thiêm, Bình Khánh, An Lợi Đông, Bình An và An Khánh (thuộc Q.2, TP.HCM). Người dân được bố trí vào ở 12 block chung cư xây dựng trên một vùng đất khá biệt lập. Chấp nhận một cuộc di dời để nhường đất lại cho Nhà nước xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng các hộ dân này lại đối diện với một thực tế vô cùng khó khăn tại nơi ở mới. Họ không chỉ chuyển chỗ ở mà phải thay đổi cả môi trường sống, công ăn việc làm cũ không còn, trong khi sự hỗ trợ của chính quyền trong việc giúp họ ổn định cuộc sống hầu như không có gì.

Chuyện khó nhất đối với các hộ dân TĐC là làm gì để sống tại một khu chung cư khép kín, trong khi họ vốn là những người chuyên sống bằng nhiều nghề nhỏ, lặt vặt khác nhau. Vậy là, chỗ ở chỉ đơn thuần là chỗ ở, còn công ăn việc làm thì phải quay về chốn cũ.

Bà Ngô Thị Chữ - 73 tuổi, ngụ tại căn hộ A0-05 kể: "Tui có 7 người con, về đây không có việc chi làm nên phải trở lại ấp Cây Bàng (P.Thủ Thiêm) để làm thuê, làm mướn kiếm sống". Còn ông Trần Thế Vũ, ngụ tại căn hộ B6-005 cho biết: "Lúc ở bên Thủ Thiêm, tôi đi phụ hồ hoặc gõ sét tàu (vệ sinh cho tàu thuyền để sơn sửa lại), mỗi tháng cũng kiếm được 3 triệu đồng. Từ khi về đây, bị mất việc phải chạy lên tận Thuận An (Bình Dương) xin làm bảo vệ cây xăng. "Mỗi tháng, lương bảo vệ chỉ 1,2 triệu đồng. Nhưng do đi làm quá xa, tiền xăng chạy đi chạy về cũng đã mất 500-600 ngàn đồng. Cũng đành chịu vậy chứ biết làm sao". Ông Vũ cho biết thêm, từ khi nhà bị giải tỏa, cả nhà lớn nhỏ gần 10 người, người lớn thì chạy tứ tán mưu sinh, còn trẻ con thì được gửi khắp nơi để được học hành tiếp.

Trường hợp của vợ chồng anh Võ Văn Khánh và chị Trương Thị Lệ Thủy ngụ tại căn hộ số 306-B1 lại khác. May mắn hơn nhiều người khác là chị Thủy kiếm được một góc bên lề của khu nhà A6 để đặt một chiếc xe nhỏ bán rau quả, thực phẩm. Thế nhưng, anh Khánh cho biết, so với hồi bán tại chợ ở nơi ở cũ thì thu nhập hằng ngày cũng chỉ bằng 1/3. "Mỗi ngày kiếm được 60-70 ngàn đồng, không đủ nuôi bốn miệng ăn và 2 đứa con học hành. Vợ chồng tôi phải nhờ thêm sự trợ giúp của người chị", anh Khánh kể.

Ông Lê Hoàng Dũng - một cư dân - nói: "Từ ngày về đây, tôi phải trở về chỗ ở cũ để đi phụ hồ. Ở đây không biết làm gì để sống". Theo ông Dũng, không chỉ mình ông mà có đến 60-70% các cư dân sau khi về TĐC ở đây ngày ngày vẫn phải đi hơn 10 km để về chỗ ở cũ kiếm kế sinh nhai.

Còn tại chung cư Lý Chiêu Hoàng (Q.Bình Tân), ông Trần Cường - tổ trưởng lô A cho biết, hầu hết người dân bị giải tỏa trước kia đều ở mặt tiền các đường Bến Hàm Tử (Q.5), Trần Văn Kiểu (Q.6), thu nhập ổn định do mở các cửa hàng bán thuốc men, vật liệu xây dựng… Từ khi bị vào khu TĐC ở Q.Bình Tân, nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp, hoặc rong ruổi đi làm công, làm mộc, đẩy xe đi bán hàng ở chợ này chợ kia... Người dân hoàn toàn không được định hướng làm gì để mưu sinh cũng như không được quan tâm về mặt y tế, xã hội.

"Tuy Nhà nước có chính sách cho vay tiền hỗ trợ chuyển đổi việc làm sau TĐC, nhưng thử hỏi những người thất nghiệp thì làm sao dám vay, và vay để làm gì, nếu vay để xài thì rồi cũng đâu có tiền mà trả. Cái người dân cần là định hướng công việc, là cần câu chứ không phải con cá. Thế nhưng có cảm tưởng như Nhà nước chỉ cần giao cho dân một căn hộ TĐC là xong chuyện, không cần biết người dân sẽ làm gì mà sống, hoặc sống như thế nào" - ông Cường nói.

Lỗ hổng y tế, giáo dục

Tại chung cư Lý Chiêu Hoàng, người dân không được quan tâm đúng mức về các nhu cầu y tế, xã hội... Đường Lý Chiêu Hoàng đoạn đi vào khu TĐC bị bỏ mặc với tình trạng đất đá lởm chởm mấy năm nay, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù. Tương tự, khu đất khoảng 8.000m2 bên cạnh chung cư dự định dùng làm công viên cho người dân cũng bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm trở thành nơi trú ngụ cho rắn rết và tệ nạn xã hội. Theo người dân, cứ sáng ra là thấy kim tiêm vứt la liệt trong công viên, còn rắn rết lâu lâu lại bò vô nhà… Đèn đường khu vực này cũng bị hỏng gần hết nên việc đi lại của người dân vào ban đêm rất khó khăn. Người dân ở đây càng bất bình vì từ khi chuyển tới chung cư, họ không hề được hưởng một chính sách nào về y tế, môi trường… Người nào có con nhỏ thì tự đem vào bệnh viện, trạm y tế để tiêm ngừa chứ chẳng thấy ai nhắc nhở, ngay cả việc xịt muỗi xung quanh chung cư cũng bị y tế phường gạt đi vì cho là "muỗi cỏ ăn thua gì".

Thử chiết tính bài toán về mưu sinh của gia đình mình từ khi chuyển về khu chung cư TĐC An Sương (Q.12) đến nay, ông Đinh Khắc Đề - ngụ tại căn hộ 408-A5 cho biết: "Mỗi tháng gia đình tôi phải trả 700 ngàn đồng tiền chênh lệch căn hộ còn nợ Nhà nước, hai vợ chồng và 3 đứa con chi tiêu, nộp tiền học hành cũng hết ít nhất 4 triệu đồng. Với một xe tạp hóa nhỏ bán tại khuôn viên chung cư, không thể nào trang trải đủ. Vậy mà buôn bán cứ nay bị đuổi, mai bị dẹp. Thật cực khổ vô cùng!"

Nhiều hộ dân tại khu chung cư Thạnh Mỹ Lợi cho biết, khu chung cư này có đến 12 block nhưng đến nay vẫn không hề có trường tiểu học, trung học cơ sở. Buổi trưa, tại chung cư Thạnh Mỹ Lợi, là lúc người lớn chuẩn bị chở con em mình đến trường. "Ở đây, hầu hết chúng tôi đều chở con cháu mình về học ở chỗ cũ, vì ở khu chung cư không có trường học, các trường ở địa phương lân cận thì hầu hết đều quá tải, hoặc bị cho là trái tuyến nên các cháu không được nhận vào" - một người dân cho biết.

Ông Lê Văn Nam - một cán bộ hưu trí tại chung cư Thạnh Mỹ Lợi - cho biết, trong đơn kiến nghị gửi chính quyền TP.HCM, bà con ở chung cư đưa ra nhiều nội dung, trong đó ngoài việc đề cập chất lượng chung cư kém, nước sinh hoạt ô nhiễm… còn đề cập đến các vấn đề như hỗ trợ công ăn việc làm, hỗ trợ các hộ nghèo chưa có nghề nghiệp ổn định bằng quỹ TĐC để họ có thể ổn định nơi ở mới. Ngày 23.11.2009, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2 đã trả lời: "Theo nội dung Quyết định 156/QĐ-UBND, nếu hộ dân nào có nhu cầu thì đề nghị liên hệ với UBND phường, xã nơi có nhà, đất bị giải tỏa để được hướng dẫn giải quyết theo quy định".

Đưa vấn đề này ra để trao đổi với các hộ dân, chúng tôi nhận được câu trả lời: "Ngay cả tiền Nhà nước nợ dân như tiền đền bù chênh lệch diện tích, tiền hỗ trợ chênh lệch vị trí mà gần 1 năm trời vẫn chưa chịu chi trả, huống gì chi tiền hỗ trợ công ăn việc làm".

Trở ngại về công ăn việc làm, con cái học hành hoặc các tiện ích cần thiết cho cuộc sống của người dân TĐC đang là một vấn đề lớn rất bức xúc, cần được chính quyền giải quyết.

Trần Thanh Bình - Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.