Trẻ mầm non đi nhặt rác được không?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
25/03/2019 18:57 GMT+7

Mới đây, một trường mầm non tại TP.HCM gây xôn xao cộng đồng khi cho trẻ em 3-4 tuổi tham gia nhặt rác ngoài bãi đất trống đầy rác trong khi phụ huynh không được biết.

Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các phụ huynh, giáo viên và các thủ lĩnh trong phong trào dọn rác thải vì môi trường.

'Trẻ gặp vật thể nguy hiểm như kim tiêm thì sao?'


Anh Nguyễn Trọng Chí, 38 tuổi, trú hẻm 21 Mai Am, phường 9, quận 8, TP.HCM có con đang học mầm non, cho biết sẽ không ủng hộ nếu trường học của con mình tổ chức cho các con đi nhặt rác tại các bãi rác ngoài trời.
“Nhặt rác cũng phải có hiểu biết. Phải mặc quần áo bảo hộ, mang theo ủng, găng tăng, không tự ý chèo thuyền trên sông suối để nhặt rác, cảnh giác với những rác nguy hại như kim tiêm… Nhưng tổ chức cho trẻ mầm non đi nhặt rác thì các bé có được trang bị những kiến thức trên không? Trẻ mầm non, 3-5 tuổi quá nhỏ, chúng chưa thể ý thức được nguy hại của nhiều loại rác, hệ miễn dịch cũng nhạy cảm, dễ bị lây nhiễm bệnh. Tôi ủng hộ nếu các con cùng nhặt vỏ bánh kẹo trong sân trường, hoặc cùng các cô giáo dọn dẹp đồ chơi, biết bỏ vỏ hộp sữa vào thùng rác đúng chỗ. Như vậy là phù hợp lứa tuổi”, anh Chí nêu ý kiến.

'3 tuổi nên học cách vứt rác của mình đúng nơi quy định'

Anh Trịnh Xuân Thành, trưởng đại diện quản lý các dự án xã hội Công ty Green & Book Ambassadors, cho biết: “Trong độ tuổi học tiểu học, trẻ em có thể nhặt rác ngoài trời nhưng chỉ ở một số nơi, như ở sân trường, công viên, với điều kiện có người lớn, thầy cô giáo, tình nguyện viên đi kèm, mang găng tay phù hợp, có sự hướng dẫn kiến thức trong quá trình nhặt. Vì trẻ em nhặt rác để học nhìn nhận, tương tác thông qua thực hành”.
“3 tuổi, thầy cô vẫn có thể giáo dục tinh thần bảo vệ môi trường cho các em bằng việc tự vứt rác của chính mình đúng cách. Nếu cha mẹ đi nhặt rác ở công viên, bãi cỏ, nơi khô ráo không nguy hiểm, con có thể đi cùng”, anh Thành nói.
Dạy học sinh cách tái chế đồ dùng từ rác thải cũng là cách giáo dục tinh thần vì môi trường Thiên Hà
Chị Võ Huỳnh Trà Giang, làm việc tại tổ chức Sài Gòn Compass Hub, cho biết trẻ mầm non là quá nhỏ để tham gia nhặt rác ở ngoài các bãi đất trống có nhiều rác thải, bãi rác vì cơ thể trẻ nhỏ nhạy cảm, dễ lây nhiễm bệnh từ nguồn rác thải chưa được kiểm tra, trẻ cũng có thể chưa được biết rác nào nguy hiểm cần phải tránh xa.
“Tôi biết một trường quốc tế tại Việt Nam, để dạy cho trẻ em cách bảo vệ môi trường biển, trong một giờ học bơi, các huấn luyện viên đã thả vào bể bơi một số túi ni lông, vỏ chai nhựa đã được kiểm tra, mô phỏng tình hình rác thải nổi trên biển. Từ đó, các huấn luyện viên chỉ ra rằng, bơi trong rác thải khó khăn và nguy hại hơn nhiều, hãy cùng nhau bảo vệ biển bằng cách không xả rác bừa bãi. Đó là một cách giáo dục hay”.

'Chúng tôi dạy các con cùng giữ sạch sân trường'

Chị Trần Thị Thuyết, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cho biết độ tuổi mầm non chưa phù hợp với các hoạt động dọn rác ở những nơi nhiều rác thải độc hại. Chị và các giáo viên cho trẻ em học về bảo vệ môi trường qua các buổi quan sát quanh sân trường.
“Ví dụ, chúng tôi cho các con quan sát xung quanh trường và nói các con bỏ các vỏ bánh, kẹo, trái cây còn rơi ngoài sân vào đúng thùng rác. Chúng tôi cũng dạy các con, rác nào có thể phân hủy được, sẽ cho vào thùng rác màu nào, những rác không thể phân hủy, phải cho vào một thùng rác khác. Nhà trường cũng có các buổi nói chuyện, dạy các con tái chế rác thải thành đồ vật sử dụng được, tận dụng vỏ chai, túi ni lông để làm gạch sinh thái”, chị Thuyết ý kiến.  

'3-4 tuổi vẫn nhặt rác được, nhưng nên ở những nơi như công viên và không có xe cộ qua lại'

Đó là ý kiến chị Giang Thị Kim Cúc, 31 tuổi, kinh doanh bất động sản tại TP.HCM, thủ lĩnh nhặt rác tại Bình Phước (Trashpackers Bình Phước).
Theo chị Cúc, với trẻ 3-4 tuổi, nếu có người lớn đi kèm, mang đồ bảo hộ đầy đủ có thể đi cùng nhau tới những nơi như công viên, nơi khô ráo, không có xe cộ qua lại để nhặt rác. “Tôi cũng muốn thành lập một cộng đồng là những người nhặt rác trẻ em, hoặc trong độ tuổi thiếu niên (kid trashpackers và teen trashpackers) để các bạn và cha mẹ có thể giao lưu, học hỏi với nhau”.

"Chú trọng giáo dục nhận thức và ý thức cho trẻ mầm non và tiểu học"

Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh Diệp, người sáng lập trường ngoại khóa Smart Homeschool, 44B Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho rằng đối với cấp mầm non và tiểu học, nên chú trọng giáo dục nhận thức về bảo vệ môi trường, ý thức về lối sống xanh.
"Về thực hành ở độ tuổi này, chúng tôi chỉ dẫn để khuyến khích trẻ biết suy nghĩ kỹ khi muốn mua đồ chơi, phân biệt giữa muốn và cần để chỉ mua những đồ thật cần thiết, biết nói từ chối với đồ nhựa dùng 1 lần, biết sáng tạo để tái sử dụng các món đồ cũ thành đồ dùng hữu ích hoặc trao tặng cho người cần dùng", chị Diệp nói.
Trẻ em học làm sách tranh sống xanh Thiên Hà
"Về rác thải, trẻ thực hành phân loại rác thải đúng cách bằng các trò chơi, hoạt động nhóm qua các thẻ hình, poster, cây táo sáng kiến… Mục tiêu là trẻ nhận thức đúng và lan tỏa nhận thức ấy đến những người thân trong gia đình, đến bạn bè xung quanh; truyền động lực cho sự thay đổi hành vi của người lớn muốn trở thành tấm gương cho các em", chị Diệp nói thêm.

'Còn nhiều cách để giáo dục ý thức vì môi trường'

Anh Trịnh Xuân Thành cho hay có nhiều cách để giáo dục nhận thức của trẻ em về môi trường, không nhất thiết phải cho trẻ em đi tận tay dọn rác ở các bãi rác.
“Có thể các thầy cô, cha mẹ xen kẽ các bài giảng về thế giới tự nhiên cho các em học sinh, thông qua mô hình hoặc trải nghiệm thực tế và song song quá trình đó, thầy cô, hoặc cha mẹ xây dựng cách thức truyền tải cho các con theo đúng độ tuổi. Bên cạnh đó, có thể cho trẻ vừa học vừa chơi qua các trò chơi phù hợp, như làm đồ tái chế như chai lọ nhựa, giấy bỏ đi, trồng cây trong vỏ chai lọ. Tôi cho rằng, trong gia đình, cha mẹ đóng góp vô cùng quan trọng trong việc giáo dục cho con em mình, nên các thầy cô có thể trò chuyện cùng cha mẹ, đưa những kiến thức về môi trường đến các cha mẹ, sau đó, trong quá trình sinh hoạt đời thường, cha mẹ sẽ nói với các con, như nên phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi ni lông chẳng hạn. Đó là những điều rất thiết thực”, anh Thành trao đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.