Trên 50% đại biểu Quốc hội không muốn có thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp tư

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/11/2022 11:00 GMT+7

Trên 60% trong số 432 đại biểu Quốc hội (trên 50% tổng số đại biểu) không tán thành việc áp dụng các quy định của luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng như thành lập ban thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp tư nhân.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có tổng hợp phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự thảo luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, có 432/498 đại biểu Quốc hội gửi lại phiếu ý kiến.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này

gia hân

Về việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động trong dự thảo luật, có 163/432 đại biểu (chiếm 37,73% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến và 32,73% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý với phương án 1 là các quy định Luật áp dụng với các tổ chức có sử dụng lao động.

Có 264/432 đại biểu (chiếm 61,11% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến và 53,01% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý với phương án 2, là luật chỉ áp dụng ở doanh nghiệp nhà nước, còn ở các loại hình doanh nghiệp; tổ chức có sử dụng lao động khác thì tiếp tục thực hiện theo pháp luật về lao động và các quy định hiện hành có liên quan.

Ngoài ra, có 5 đại biểu không chọn phương án và 11 đại biểu có ý kiến khác.

Về việc thành lập ban thanh tra nhân dân, có 161/432 đại biểu (chiếm 37,27% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến và 32,33% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý với phương án thành lập ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở, gồm xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức có sử dụng lao động.

Đồng thời, có chỉnh lý thêm các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ban thanh tra nhân dân để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tính chất, điều kiện của từng loại hình cơ sở, đặc biệt là ở khu vực ngoài nhà nước.

Có 262/432 đại biểu (chiếm 60,65% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến và 52,61% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý với phương án 2.

Phương án này quy định chỉ thành lập ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Không thành lập ban thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Ngoài ra, có 9 đại biểu không chọn phương án và 11 đại biểu có phương án khác.

Trước đó, sau khi nghiên cứu dự thảo, 8 hiệp hội doanh nghiệp gồm Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, Hội Thực phẩm minh bạch, Hội Dệt may Việt Nam, Hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy đã có văn bản kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đại diện các hiệp hội cho rằng luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nếu áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân sẽ gây ra nhiều khó khăn và chưa phù hợp với thực tế.

Các doanh nghiệp cũng lo ngại việc trao quyền cho người lao động, ban thanh tra nhân dân quá nhiều, vượt quá quyền lợi hợp pháp chính đáng, khiến cho người lao động dễ dàng phát sinh ra yêu sách, kết bè phái, "gây nhiễu" cho chủ doanh nghiệp... gây bất ổn cho doanh nghiệp và xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.