Trên cả sự tắc trách

19/09/2021 06:40 GMT+7

Các kênh truyền thông đại chúng vẫn ghi nhận không ít những phản ánh của người dân trong diện được hỗ trợ là “chưa nhận được gì cả” hoặc “đi tới đi lui nhiều lần mà cuối cùng phải về tay không”.

Trong khi Chính phủ và chính quyền TP.HCM nỗ lực thu xếp ngân sách để thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội cho những đối tượng khó khăn vì dịch Covid-19 thì oái oăm là những hỗ trợ ấy có nguy cơ không đến được tay nhiều người dân cần trợ giúp.
Chính quyền TP.HCM đến nay đã triển khai 3 đợt chi hỗ trợ cho các đối tượng cần trợ giúp với tổng mức kinh phí gần 3.500 tỉ đồng. Danh sách các đối tượng hỗ trợ cũng được mở rộng, từ diện nghèo, cận nghèo đến diện gặp khó khăn vì dịch, cho đến diện lao động tự do mất việc, tạm nghỉ việc đều được tính đến. Đó là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của chính quyền thành phố.
Nhưng các kênh truyền thông đại chúng vẫn ghi nhận không ít những phản ánh của người dân trong diện được hỗ trợ là “chưa nhận được gì cả” hoặc “đi tới đi lui nhiều lần mà cuối cùng phải về tay không”.
Nguyên nhân thì vẫn là nguyên nhân cũ. Hỏi chính quyền cơ sở thì vẫn là “nhập liệu sai”, là “không đúng đợt”, là “khảo sát sót”… Tức vẫn là sự tắc trách đến mức “bất thường” của những cấp chính quyền gần dân nhất. Chính sự tắc trách “bất thường” ấy dẫn đến tình trạng nhiều người dân phải chịu cảnh “nghe ti vi nói” mình thuộc diện được hỗ trợ nhưng cuối cùng rơi vào cảnh “leo lên ti vi” nhận tiền hỗ trợ.
Trước hết phải nói đến năng lực làm việc của chính quyền cơ sở. Địa bàn của mình, hệ thống chính trị cấp khu phố, cấp tổ dân phố của mình, vậy mà việc lập danh sách cho đúng, cho đủ, cho không thiếu sót lại trở thành một nhiệm vụ bất khả thi đến mức người dân nghe nói tới nghe nói lui về chính sách hỗ trợ hết lần này đến lần khác mà tiền hỗ trợ thì chẳng thấy đâu. Nếu chỉ việc lập danh sách các đối tượng hỗ trợ thôi mà làm không được thì có nên đặt câu hỏi về năng lực quản lý địa bàn không, hay chỉ là chuyện tắc trách?
Chính sách hỗ trợ thì “mở” đến mức thân nhân của người lao động bị mất việc làm đang có mặt tại phường, xã, thị trấn tại thời điểm khảo sát cũng được xem xét hỗ trợ, không phân biệt thường trú hay tạm trú. Nhưng tấm lòng của cán bộ chính quyền cơ sở không “mở” thì rốt cuộc vẫn tạo nghịch cảnh xót xa. Giữa những ngày tháng khó khăn này, khi mà mọi thành phần trong xã hội đều mở lòng, mở hầu bao để trợ giúp nhau vô điều kiện, thì cớ sao cán bộ chính quyền cơ sở lại không mở lòng hơn với những người dân khó khăn?
Đáng nói hơn, qua tìm hiểu mới đây nhất của Thanh Niên, thì có thể thấy cách chính quyền phường xã một số nơi thực hiện chương trình hỗ trợ có dấu hiệu bất thường trên cả sự tắc trách. Là những chuyện như danh sách hỗ trợ tên trùng tên, địa chỉ không có thật, có tên nhưng không được nhận, không được nhận nhưng lại có ký tên…
Những bất thường “trên cả sự tắc trách” ấy sẽ làm cho gánh nặng về bảo đảm an sinh xã hội trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 càng trĩu nặng, sẽ khiến cuộc sống của những người khó khăn cần trợ giúp lâm vào cảnh đường cùng. Hệ lụy của nó không đơn giản chỉ là những lời than trách của dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.