Trên cánh đồng tắt nắng

04/07/2009 03:07 GMT+7

Nhớ những ly rượu mà chúng ta đã từng uống với nhau trong chuyến đi Úc, nhớ những lần Điền "dỗi hờn" với Duyên dáng Việt Nam 18 (ở Singapore) và 20 (ở Anh quốc). Giờ đây, nụ cười ấy - nụ cười trẻ thơ và tin vào cuộc sống của Điền mãi in trong tâm trí của chúng tôi...

1989

Ký túc xá Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM). Bên kia là đường Bùi Viện với những quán cà phê. Chúng tôi rất nghèo. Ký túc này có rất nhiều là "dân Tổng hợp" (SV ĐH. Tổng hợp TP.HCM cũ)."Dân Sài Gòn" thì đã có nhà, chỉ có "dân tỉnh" ở đây. Tôi là "dân tỉnh", nhưng may mắn có người quen nên được "ở ngoài". "Ở ngoài" là điều mà ngày xưa "dân tỉnh" và "dân Sài Gòn" phân biệt nhau dữ lắm. Một chút tự hào trẻ con là "dân Sài Gòn", một chút mặc cảm là "dân tỉnh", nhưng chính những điều tưởng như nhỏ đó lại hun đúc những con người muốn phá vỡ những lề thói. Huỳnh Phúc Điền, ca sĩ Ngọc Sơn là những người như vậy.

Thời đó, Điền và tôi, thằng người Vĩnh Long, thằng người Rạch Giá, gặp nhau bên tách cà phê mà cứ giành nhau trả tiền dù cả hai đều nghèo xơ, nghèo xác. Điền ơi, ly cà phê nghèo đắng ngắt vẫn uống. Tuổi trẻ tụi mình yêu biết nhường nào cuộc sống và quê hương. Yêu những buổi chiều khi cánh đồng tắt nắng, mùi rơm rạ đang phả hơi về ngôi nhà lá bên bờ kênh. Ở đó, chúng mình là lũ trẻ lớn lên với những khát vọng và nhiều ước mơ...

Ca sĩ Thanh Lam trong Duyên dáng Việt Nam 18 ở Singapore

2009

"Huỳnh Phúc Điền là ai? Có làm đạo diễn chưa?". "Vâng, chỉ làm vài bộ phim ca nhạc". Đêm 30.6.2009, anh Vũ Duy Giang (Chủ nhiệm CLB Phóng viên Văn nghệ, Hội Nhà báo TP.HCM), giữa những làn khói hương và những vòng hoa trắng, nhớ lại khi anh giới thiệu Điền với nhà thơ Lê Nhược Thủy (lúc đó phụ trách biên tập cho chương trình Duyên dáng Việt Nam của Báo Thanh Niên) và anh Nhược Thủy đã trả lời anh Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập Báo Thanh Niên (lúc đó) như vậy. 7 lần thực hiện chương trình Duyên dáng Việt Nam, đạo diễn Tất My Loan và Đoàn Khoa không muốn mình cũ kỹ và Điền là lựa chọn duy nhất để phả vào chất trẻ, để làm sao cho Duyên dáng Việt Nam thu hút được nhiều người trẻ hơn. Điền đã tiếp nối những khát vọng của Nguyễn Công Khế, Tất My Loan, Đoàn Khoa (dù đôi khi cũng muộn phiền với những lời dị nghị rằng những "chiêu" phù thủy của Điền lấy từ ý tưởng của sân khấu Las Vegas - Mỹ). Nhưng rồi, những mùa Duyên dáng (chữ của nhà thơ Đỗ Trung Quân) cứ nối tiếp.

Một tiết mục trong Duyên dáng Việt Nam 20 tại Anh  -  ảnh: Ngọc Hải

Điền yêu những phố nghèo, yêu cái chân quê, yêu câu hò, yêu biển, yêu Sài Gòn, yêu quê hương với một thời bom đạn, nên có những Lam Trường, Phương Thanh, Đan Trường, Quang Dũng, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng đĩnh đạc bước ra cùng với Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh. Rồi những Hương Lan, Đức Huy, Trịnh Nam Sơn, Thanh Hà, Duy Quang, Tuấn Ngọc, Lê Uyên (Phương) cùng hội ngộ trên sân khấu ở quê nhà sau bao nhiêu năm xa cách. Nước mắt và nụ cười, hạnh phúc cùng những nỗi niềm riêng. Làm sao quên được khi Thu Phương nước mắt chảy dài cất tiếng hát Đêm đêm nằm mơ phố cùng tiếng dương cầm của nhạc sĩ Việt Anh sau bao năm xa cách quê nhà trong Duyên dáng Việt Nam 19 trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình. Chỉ có Điền mới dám cười khi đang nhớ da diết một lần trở về (chủ đề mà Điền ấp ủ cho Duyên dáng Việt Nam lần thứ 21) trên cánh đồng tắt nắng của một miền quê xa tít: "Một con tuấn mã đang phi về phía chân trời, mà ở đó mặt trời đang dần lặn xuống phía tây. Mặt trời thì yên lặng, chỉ có tuấn mã với những bước sải dài cứ muốn lao về phía trước, còn mọi người cứ hướng về một nơi, tự hỏi: Khi nào ta trở về?".

Và Điền ra đi, bỏ lại những câu hỏi, mặc cho cuộc đời cứ tự vấn: Tại sao?

 Cao Minh Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.