Trên quê hương những võ sĩ giác đấu

31/05/2006 23:36 GMT+7

Nếu Paris tráng lệ, Brussels hiền hòa, Amsterdam thơ mộng thì những thành phố ở Ý mà tôi đi qua như níu chân du khách vì những nét cổ kính, vì dấu ấn ngàn năm trên từng góc phố, con đường. Nhưng quê hương của Rafael, Leonardo da Vinci, Michelangelo cũng có những điều làm ai lần đầu đặt chân đến đây khi chứng kiến cứ tự hỏi: "Vì sao như thế?".

Venice: Ăn xin kiểu... Ý!

Dĩ nhiên là ở đâu cũng có ăn xin, ngay cả những nước giàu nhất thế giới. Nhưng cái chuyện ăn xin ở Ý thì xem ra "dân nhà nghèo" như tôi thấy thật lạ lẫm và đôi khi thấy mình... bị lừa bởi sự muôn hình của nó. Tôi đã chứng kiến một người đàn ông đứng trước giáo đường Duomo Santa Del Fiore ở Florence với gương mặt buồn hiu đến tội nghiệp, xin từng cent của khách qua lại, nhưng khi nhận được tiền rồi thì tỉnh queo như đang là... du khách. Ở Venice, chúng tôi còn bị một người đàn ông ăn xin "sửng cồ" khi muốn chụp với ông ta một tấm hình cho đúng ánh sáng. Người đàn ông này trong trang phục “nữ thần Tự do” đứng trước bến thuyền tại quảng trường San Marco và ông ta quay lưng về phía mặt trời. Người bạn đi cùng tôi muốn chụp một tấm ảnh cho đúng sáng và đề nghị "nữ thần" cho gương mặt quay lại phía bến thuyền chút xíu, anh ta quay lại sừng sộ với anh bạn tôi bằng thứ tiếng Ý như đang cãi lộn. Bạn tôi đành bỏ 2 euro vào cái nón dưới chân anh ta và... đi thẳng. Quả là ăn xin kiểu con... nhà giàu ! Ở Roma, tôi và người bạn tiếp tục bị... lừa khi thấy một người ăn xin trong hình hài một tượng sáp. Chúng tôi nói 2 euro cho 2 pô hình, ông ta " OK", nhưng khi tôi chụp xong, đến người bạn tôi đứng vào chụp, ông vẫn "OK", khi bạn tôi nói tiếng "Thanks" và bước đi thì ông ta nắm chặt áo và đòi cho bằng được 2 euro nữa! Trời, ăn xin mà cũng sòng phẳng và biết cách "làm ăn" ghê!

Người dân thành Roma ngồi phơi nắng trên một quảng trường - (ảnh: C.M.H)

Florence: Đừng hòng xem tượng David thật !

Đến Florence - thủ đô của trào lưu văn hóa Phục hưng, không ai không mong muốn đến chiêm ngưỡng tượng chàng trai David nổi tiếng của Michelangelo. Trước đây, bức tượng nổi tiếng thế giới này được đặt ngoài trời ngay trung tâm thành phố, nhưng sau đó vì lý do an toàn, chính quyền thành phố đã đưa bức tượng cao xấp xỉ 6m này vào Bảo tàng Accademia - nằm cạnh giáo đường Duomo Santa Del Fiore. Người ta nói rằng bảo tàng này xây dựng lên để chỉ làm mỗi công việc là đặt tượng chàng David. Điều đó quả không sai, hôm tôi đến, mới 9 giờ màâ trước cửa Bảo tàng Accademia dòng người nối đuôi nhau dài dằng dặc. Bà Vannessa hướng dẫn viên người Ý của V.Y.C cho biết, nếu muốn vào xem tượng David thì phải đăng ký trước... 1 tháng và khi đã có vé rồi thì phải chịu sắp hàng khoảng... 6 tiếng đồng hồ mới vào xem được. Thôi thì đành xem tượng chàng David... giả vậy. Có lẽ nắm bắt được tâm lý của du khách, muốn có một tấm ảnh trước tượng David mà chính quyền ở đây đã cho làm đến 2 phiên bản tượng chàng David với kích cỡ như tượng thật, một đặt ở quảng trường Piazza Della Signoria, một đặt cạnh bờ sông Arno. Thôi thì, đành chụp chung với "chàng David" ở cả 2 nơi này vậy. Dẫu sao, lòng tôi vẫn thầm ngưỡng mộ thiên tài Michelangelo. Hơn 500 năm qua, tác phẩm của ông vẫn là một biểu tượng sống động về thời kỳ vàng son của nền văn hóa Phục hưng ở nước Ý nói riêng và châu u nói chung!

Roma: Những “võ sĩ giác đấu... dỏm” ở đấu trường Colosseum

Có lẽ mô tả sự vĩ đại của đấu trường Colosseum ở Roma - thủ đô nước Ý - là bằng thừa. Dẫu vậy, tôi chợt nín lặng khi đứng trước nơi mà tầng lớp thượng lưu của gần 2.000 năm trước dùng để giải trí này. Những khối đá khổng lồ như vẫn còn thấm máu của người nô lệ, võ sĩ... trong những lần quyết đấu. Không thể hình dung được vì sao bằng sức lao động thô sơ mà người ta có thể chồng lên nhau những tảng đá khổng lồ để làm nên một đấu trường cao bằng tòa nhà 16 tầng như hiện nay. Đi bằng thang máy lên trên và ngắm nhìn Colosseum, tôi mới thấy sự vĩ đại của công trình kiến trúc mà có lẽ không ai không trầm trồ thán phục!

Tác giả trước Đấu trường Colosseum

Nhưng cũng chính nơi này cũng làm cho tôi hụt hẫng về những chàng "võ sĩ giác đấu". Xem phim, đọc sách, tôi cứ đinh ninh những võ sĩ là những người có tinh thần thượng võ, nên khi đến đây thấy mấy anh chàng trong những bộ quần áo võ sĩ giác đấu kiểu Russell Crowe trong Gladiator tôi cũng muốn chụp ảnh và trò chuyện. Tôi cứ đinh ninh rằng, dù "đóng vai", nhưng chắc cái tinh thần thượng võ cho khách phương xa được vui thì chắc người Ý dư biết phải làm. Ấy vậy mà, tôi và vài người bạn cùng đi đã như bị một gáo nước lạnh khi 3 chàng "võ sĩ" quát nạt vì chúng tôi trả giá tiền chụp ảnh chung với họ. Anh bạn tôi thấy rằng 5 euro cho một lần chụp quá cao nên xin bớt giá, liền bị một "võ sĩ" mặt mày bặm trợn quát: "Tụi bây không biết nói tiếng Anh à ? Tao đã nói 5 euro thì bước vào, còn bằng không... cút!". Trời, làm du lịch kiểu như thế thì ai mà dám đến nơi này nữa?

...Mà thôi, hãy để những chàng võ sĩ giác đấu... dỏm cùng người ăn xin ở thành Venice đó vào quá khứ, bởi dẫu sao những gì mà tôi cảm nhận được ở nơi này, qua chuyến đi 4 nước châu u, thì những giá trị văn hóa mới là tài sản quý giá nhất - nó cũng là bộ mặt của một quốc gia khi thế giới nhìn vào! Còn ở ta, ai sẽ nghĩ đến những công trình vĩ đại để cho con cháu đời sau tự hào? Chợt nhớ câu nói của một bác đi chung đoàn: "Công trình nào ở ta cũng bị "rút ruột" thì làm sao ta có được như họ", mà thấy nhói lòng...

Roma - Sài Gòn tháng 5/2006

Cao Minh Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.