Trí thức trẻ hiến kế

An Dy
An Dy
26/03/2019 09:34 GMT+7

Sau khi lãnh đạo TP.Đà Nẵng làm việc với ĐH Đà Nẵng hồi cuối năm 2018 và đặt hàng trí thức trẻ tham gia xây dựng thành phố thành đô thị trọng điểm miền Trung, đã có những ý tưởng thú vị, đầy khát vọng được tập hợp, đóng góp nhân dịp sinh nhật Đoàn 26.3 năm nay.

 

Đô thị thông minh cho khởi nghiệp

Th.S Lê Đình Quang Phúc, 30 tuổi, Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế, một trong những trí thức trẻ trong lĩnh vực kinh tế của ĐH Đà Nẵng đề xuất Đà Nẵng cần minh bạch hóa các chính sách để người dân chủ động tiếp cận, đặc biệt là các chính sách có lợi cho người dân. Ngoài ra, với xu hướng cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thành phố nên tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động quản lý Nhà nước như xây dựng chính quyền điện tử.
Trí thức trẻ hiến kế2
Th.S Lê Đình Quang Phúc
Đồng quan điểm này, Th.S Phạm Duy Dưởng, 32 tuổi, giảng viên khoa Điện - Điện tử, ĐH Sư phạm Kỹ thuật cho rằng Đà Nẵng cần tăng cường “số hóa” và “xử lý số” các thủ tục hành chính giúp người dân, doanh nghiệp (DN) và thậm chí các cơ quan Nhà nước tiết kiệm thời gian. Việc xử lý nhanh các thủ tục hành chính sẽ giúp giảm thời gian, công sức và sự phiền hà cho người dân, DN. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng cần có các chính sách cụ thể dành cho DN khởi nghiệp sáng tạo. “Hiện nay, các chủ trương chung về phát triển DN khởi nghiệp đã có. Tuy nhiên, đa số DN khởi nghiệp sáng tạo khi thành lập đều khó tiếp cận được các chính sách ưu đãi cụ thể từ thành phố, như chính sách ưu đãi thuế, được thuê đất, mặt bằng với giá ưu đãi, chính sách hỗ trợ hoạt động thường xuyên của DN để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hoạt động”, Th.S Phúc cho biết.
Trí thức trẻ hiến kế3
Th.S Phạm Duy Dưởng

Cực tăng trưởng vịnh Đà Nẵng

TS kinh tế Dương Nguyễn Minh Huy, 36 tuổi, giảng viên, Bí thư Đoàn ĐH Đà Nẵng, chia sẻ quan điểm cá nhân về chiến lược quy hoạch, phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. “Hiện tại Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) được Đà Nẵng lựa chọn tư vấn thực hiện Đề án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là tập đoàn có uy tín ở Singapore và trên bình diện quốc tế, nhưng thành phố cũng cần chú ý bố trí nguồn lực phù hợp để thường xuyên trao đổi, đặt đề bài cho nhà tư vấn đảm bảo việc quy hoạch tiến hành hiệu quả, đúng hướng”, TS Huy nói.
Cũng trong chiến lược phát triển này, TS Huy nhấn mạnh đề xuất phát triển vịnh Đà Nẵng: “Nếu quy hoạch tốt, vịnh Đà Nẵng sẽ là một cực tăng trưởng mới của thành phố vì đây là một vịnh đẹp trên thế giới nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm, đầu tư và khai thác đúng giá trị của nó”. Theo TS Huy, phát triển vịnh Đà Nẵng cần tính đến sự liên kết mở rộng không gian về phía bắc (liên kết với cảng Liên Chiểu, khu Làng Vân, đèo Hải Vân) và tây bắc (liên kết với Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung…). Từ đó, tạo thành một đô thị cảng biển thông minh với kiến trúc, dịch vụ đặc sắc tạo điểm nhấn về du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics gắn với các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiêp để thu hút đầu tư tạo sức lan tỏa chung cho toàn thành phố.

Đô thị xanh hiện đại

Nữ thạc sĩ kinh tế Trần Thị Thanh Thảo, 28 tuổi, Trường ĐH Kinh tế, cũng cho rằng một trong những mục tiêu mà thành phố cần nhắm đến trong thời gian đến là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cần tiếp tục đầu tư mở rộng, xây dựng hệ thống đường sá để giảm căng thẳng trong thời gian lưu lượng xe tăng cao.
Trí thức trẻ hiến kế1
Th.S Trần Thị Thanh Thảo
Theo chị, cần quy hoạch các công trình công cộng, vui chơi giải trí thu hút người dân ra khu vực bên ngoài trung tâm thành phố để giảm lượng người tập trung ở khu vực trung tâm vào giờ cao điểm.
TS Võ Duy Hùng, 32 tuổi, Bí thư Đoàn trường ĐH Bách khoa, tiến sĩ chuyên ngành xây dựng cầu đường, chia sẻ kinh nghiệm về “dự trữ xanh” ở các đô thị phát triển: “Các nước phát triển trên thế giới đều có những “dự trữ xanh cho phát triển tương lai” và có những kế hoạch để khai thác, sử dụng những khu vực như vậy. Do đó, Đà Nẵng cũng nên chú ý đến vấn đề này. Nếu không, sự phát triển hiện tại sẽ ảnh hưởng đến các quy hoạch, phát triển về sau và có thể nói chúng ta không còn quỹ đất dự trữ để làm những việc khác”.
Liên quan đến các kiến nghị về môi trường, Th.S Trần Thị Thanh Thảo bổ sung: “Cần nỗ lực hơn nữa với những chương trình hành động bảo vệ môi trường, hiện đại hóa hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải. Không nên chỉ dừng ở mức độ tuyên truyền nâng cao ý thức mà phải có quy định về chế tài cụ thể đối với những hành vi gây ô nhiễm.
Thành phố cũng nên phát triển các cơ sở sản xuất đồ dùng thân thiện với môi trường và hướng người dân chuyển sang sử dụng các loại đồ dùng này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.