Triển lãm mỹ thuật cổ Việt Nam:Kho tàng di sản của cha ông

29/12/2003 21:05 GMT+7

Từ 25/12/2003 đến 25/1/2004, lần đầu tiên đông đảo công chúng Đà Nẵng được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật về mỹ thuật cổ Việt Nam tại Cổ viện Chàm, trong một triển lãm chuyên đề do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Sở VH-TT Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Trong số 255 cổ vật tham gia triển lãm này, có 85 tác phẩm thuộc quản lý của Bảo tàng Mỹ thuật, trong đó có 33 tượng và phù điêu là những cổ vật tiêu biểu từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XIX cùng 52 bức tranh của các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống và tranh thờ.

Bên cạnh những di vật thể hiện truyền thống sáng tạo cùng những thành tựu rực rỡ của nền nghệ thuật dân tộc: Nhạc công cưỡi phượng, Rồng chầu lá đề (chùa Tam Lạc, Hải Dương) với một phong cách tạo hình thời Trần vào thế kỷ XIV, là các tác phẩm điêu khắc thường được trang trí trên đình làng của người Việt, phản ảnh trung thực cuộc sống đời thường: Ngư ông chèo thuyền bắt cò, Đoàn đi săn trở về... (đình Nội, Hà Bắc), Người leo lưng voi (đình Tây Đằng, Hà Tây)...

Có nhiều tác phẩm với những nét điêu khắc tạo vẻ đẹp cân đối hài hòa, đường nét trau chuốt đạt đến mức chuẩn mực về phương pháp thể hiện: Ngọc nữ, Chim phượng... Sự hiện diện của các tác phẩm này cho người xem một cảm nhận về sự phong phú đa dạng trong khuynh hướng của nghệ thuật điêu khắc vào thời kỳ được coi là hưng thịnh nhất trong lịch sử mỹ thuật dân tộc (thế kỷ XVI-XVIII).

Theo giới thiệu của PGS.TS Trương Quốc Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thì đây là bộ sưu tập có quy mô lớn về số lượng và có giá trị đặc sắc về chất lượng, phản ánh sinh động quá trình phát triển của mỹ thuật cũng như lịch sử văn hóa của Việt Nam.

Mảng tranh dân gian được xem là nơi ngưng đọng những giá trị văn hóa phi vật thể, với tranh Đông Hồ (Hứng dừa, Thầy đồ cóc, Đánh ghen...) khá phong phú về nội dung và đề tài. Tranh Hàng Trống có một sắc thái riêng của tầng lớp thị dân, tinh tế về màu sắc và đường nét (Cá chép trông trăng, Tiến tài, Tố nữ...) và tranh thờ có giá trị cao về lịch sử trong việc phản ánh ý thức hệ của người Việt xưa.

170 là số lượng hiện vật của Bảo tàng Đà Nẵng tham gia trưng bày có nguồn gốc từ nhiều địa phương trong và ngoài nước với nhiều chất liệu, loại hình và niên đại. Tuy nhiên, ngoài một số hiện vật đồ đồng thời Chu, Thương, chuông đồng thời Nguyễn (gồm Minh Mạng thập tam niên và Khải Định bát niên Quý Hợi) thì hai bộ sưu tập gốm sứ Chu Đậu thế kỷ XV-XVI và men lam thế kỷ XVIII-XIX chưa thỏa mãn được sự mong đợi của công chúng.

Việc tổ chức trưng bày bộ sưu tập về mỹ thuật cổ Việt Nam tại trụ sở mới của Bảo tàng Nghệ thuật Chăm - nơi lưu giữ và trưng bày những tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật Chăm tại Đà Nẵng đã góp phần khẳng định tính đa dạng mà thống nhất của kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật, của truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Ngay trong ngày đầu mở cửa, đã có khá nhiều học sinh phổ thông trung học đến xem trưng bày, điều này cho thấy đây là một trong những cách làm thiết thực trong việc giáo dục ý thức bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc với công chúng. Cũng theo kinh nghiệm của ông Trương Quốc Bình thì các bảo tàng, đặc biệt là các bảo tàng địa phương nên thay đổi hình thức trưng bày, kể cả việc sắp xếp lại giờ mở cửa cho hợp lý hơn (việc này không cần phải tốn nhiều kinh phí) để thu hút thêm khách tham quan.

Trần Thị Cúc Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.