Triển vọng điều trị ung thư nhờ công nghệ của vắc xin AstraZeneca

07/09/2021 05:30 GMT+7

Một nghiên cứu mới cho thấy công nghệ vắc xin Covid-19 của AstraZeneca có thể trở thành một phương pháp điều trị ung thư đầy tiềm năng sau thành công thử nghiệm trên loài chuột.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu vắc xin Jenner (Anh) và Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig, chi nhánh tại Đại học Oxford (Anh) đang điều chỉnh những công nghệ liên quan đến vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca để tạo ra một phương pháp điều trị ung thư cho thấy các kết quả đầy hứa hẹn trong các thử nghiệm trên động vật.
Họ đã sáng chế được một loại vắc xin 2 liều dành cho ung thư, sử dụng công nghệ vector virus tương tự trong vắc xin AstraZeneca để tăng cường khả năng phản ứng của tế bào T, nhằm tiêu diệt 2 loại protein hiện diện trên bề mặt của nhiều loại tế bào ung thư - được gọi là protein MAGE, theo trang Science Focus. Các nghiên cứu trên chuột cho thấy vắc xin giúp giảm kích thước khối u và cải thiện tỷ lệ sống.
Đại dịch Covid-19 đã tạo tiền đề cho việc đẩy nhanh nghiên cứu vắc xin trên toàn cầu. Sự thành công của các công nghệ chưa từng được sử dụng trên thị trường như mRNA đã chứng tỏ tiềm năng của các công nghệ này trong việc đối phó với các bệnh khác như ung thư. Những tiến triển này diễn ra cùng lúc các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những phương pháp tiên phong khác cho điều trị ung thư, sử dụng hệ miễn dịch để chống lại các khối u.

Các loại vắc xin Covid-19 trên thế giới được sản xuất theo công nghệ nào?

Ông Adrian Hill, Giám đốc Viện Jenner cho biết: “Nền tảng vắc xin mới này có tiềm năng cách mạng hóa công cuộc điều trị ung thư”. Các nhà nghiên cứu cho biết vắc xin đã sẵn sàng đưa vào thử nghiệm trên người trong năm nay. Thử nghiệm giai đoạn đầu sẽ tập trung vào 80 người tham gia đang mắc bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.