Triển vọng xuất khẩu chứng chỉ carbon rừng

14/06/2011 01:04 GMT+7

Triển vọng xuất khẩu các chứng chỉ giảm phát thải (CERs) là rất lớn khi nhu cầu mua CERs trên thế giới ngày càng cao.

 

 Dự án carbon rừng tại Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) chuẩn bị triển khai trong tháng 8 tới đây - ảnh: L.Q.Phổ

Tiềm năng phát triển lớn

Đối với dự án REDD, các nước công nghiệp phát triển có thể bỏ ra một khoản tài chính cho các nước đang phát triển để đền đáp cho các nước này khi họ ngăn chặn được tình trạng tàn phá rừng và làm mất rừng để tăng lượng carbon lưu trú trong rừng. Việt Nam là một trong 9 nước thực hiện thí điểm chương trình REDD tại Vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng) năm 2009.

Dự án trồng rừng bán carbon đầu tiên của Việt Nam mới đi được 2 năm ở Hòa Bình, song ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Trung tâm Sinh thái - Môi trường rừng, nhận định:  “Đây là hướng đi đúng, phù hợp bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, phù hợp với xu thế phát triển đang ngày càng mạnh mẽ”. Theo ông Phương, việc trồng rừng sạch để bán CERs (chứng chỉ giảm phát thải) là một hoạt động thương mại bình thường. Trong hoạt động này, carbon trở thành sản phẩm hàng hóa chính thống. Giá mỗi tấn carbon từ dự án trồng rừng hiện nay khoảng 5-10 USD. “Với Việt Nam, đây là một thị trường tiềm năng, bán cho ai là quyền của mình. Có thể bán trên sàn hoặc bán trực tiếp”, ông Phương khẳng định.

Theo đánh giá của các nhà khoa học Viện Khoa học lâm nghiệp, tiềm năng phát triển các dự án trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch (AR-CDM) ở Việt Nam là rất lớn. Hiện có 5,6 triệu ha đất trống đang chờ đợi các dự án phát triển lâm nghiệp trong cả nước. Các dự án AR-CDM có thể được xây dựng trên các vùng đất đáp ứng yêu cầu như: Chứng minh được đất đai không có rừng trước năm 1990. Trong thời gian thực hiện dự án, người dân không được chặt phá rừng; không được trồng các loại cây khác trong vùng dự án...

Sẽ là thị trường sôi động

Rừng miền Nam có trữ lượng carbon cao nhất

Theo nghiên cứu "Định giá rừng Việt Nam" của Trung tâm Nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng (Viện Khoa học lâm nghiệp), rừng ở miền Nam có trữ lượng carbon cao nhất. Tiếp đến là rừng ở miền Trung và miền Bắc.

Với mức giá trung bình dao động trong khoảng 5-10 USD/tấn, giá trị lưu giữ carbon của rừng sản xuất tại miền Nam biến động trong khoảng 61 triệu đồng/ha (rừng phục hồi) đến 119 triệu đồng/ha (rừng giàu). Rừng miền Trung có giá từ 50-121 triệu đồng/ha. Rừng miền Bắc giá trị biến động trong khoảng 46-100 triệu đồng/ha.

Thị trường carbon toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục được mở rộng hơn trong tương lai khi tại các hội nghị các bên của Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu gần đây đã khẳng định vai trò của rừng như là phương tiện hàng đầu để giảm khí thải. Chương trình REDD (giảm khí thải do mất rừng và suy thoái rừng) và REDD+ (bảo tồn đa dạng sinh học, tăng lượng dự trữ carbon và quản lý rừng bền vững) được xem là sáng kiến thành công của LHQ. Đây là biện pháp bảo vệ khí hậu hiệu quả và tương đối rẻ tiền so với các giải pháp khác.

Nhận thấy tiềm năng lớn của rừng, trong đó rừng nhiệt đới lại có thể lưu giữ khí carbon nhiều hơn 50% so với các kiểu rừng khác, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng nhảy vào thị trường carbon rừng tại Việt Nam.

Một trong số đó có dự án của Công ty tài chính Voluntary của Úc hợp tác với Công ty Vietnam Carbon Echange đầu tư vào dự án carbon rừng tại Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) chuẩn bị triển khai trong tháng 8 tới đây. Theo tính toán, mỗi năm dự án này sẽ hấp thụ khoảng 40.000 - 50.000 tấn carbon. Khi sở hữu CERs, nhà đầu tư có thể bán lại cho các công ty của Úc hoặc bán trên thị trường quốc tế. Đại diện Công ty Vietnam Carbon Echange cho hay: “Sau dự án ở Tam Đảo, chúng tôi sẽ tiếp tục kéo các nhà đầu tư nước ngoài vào dự án carbon rừng tại Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế), Xuân Sơn (Phú Thọ) và Ba Bể (Bắc Kạn). Chúng tôi hy vọng, 5 năm nữa sẽ bán được chứng chỉ carbon rừng”.

Gần đây nhất, Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ NN-PTNT) cũng đã khởi động dự án Tính toán trữ lượng carbon và đánh giá sự biến đổi của rừng. Ông Phú Hùng, Phó viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, cho hay: “Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang rất muốn mua CERs của Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu tính toán trữ lượng carbon ở Việt Nam triển khai còn rất ít. Do đó, rất khó để trả lời được với đối tác là chúng ta sẽ bán được bao nhiêu”. Theo ông Hùng, để đánh giá chính xác, viện đang xây dựng đề án tính toán trữ lượng carbon từ rừng Việt Nam và tìm các nơi có tiềm năng xây dựng dự án CDM và REDD. Kinh phí dự kiến khoảng 1.600 tỉ đồng. Nếu việc tính toán trữ lượng carbon được đẩy nhanh sẽ giúp đẩy nhanh quá trình bán trữ lượng carbon, giúp tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Theo giám đốc một công ty kinh doanh carbon tại Việt Nam, khởi điểm năm 2005, thị trường carbon có doanh thu khoảng 10 tỉ USD. Sau 3 năm, thị trường này đã lên tới 126 tỉ USD. Dự kiến, vào năm 2020, việc mua bán tín chỉ carbon toàn cầu có thể lên đến 2.000 tỉ USD. Điều này khiến các tổ chức tài chính nước ngoài rất quan tâm đến thị trường carbon tại Việt Nam. “Việt Nam có thể xuất khẩu chỉ tiêu giảm phát thải cho các nước phát triển. Đây là một dạng đầu tư nước ngoài không mang tính chất viện trợ. Nếu triển khai nghiêm túc, Việt Nam sẽ được rất nhiều mà chẳng mất gì” - đại diện này nói.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.