Triết lý và hiện thực

04/03/2015 04:45 GMT+7

Quả thực là quá giật mình khi biết rằng Hà Nội chỉ đạt tiêu chí 1 m 2 cây xanh trên đầu người, TP.HCM còn yếu kém hơn khi chỉ đạt 0,7 m 2 , trong khi đó Singapore nhỏ bé hơn nội thành Hà Nội cũng đã đạt tới mức 60 m 2 .

Quả thực là quá giật mình khi biết rằng Hà Nội chỉ đạt tiêu chí 1 m2 cây xanh trên đầu người, TP.HCM còn yếu kém hơn khi chỉ đạt 0,7 m2, trong khi đó Singapore nhỏ bé hơn nội thành Hà Nội cũng đã đạt tới mức 60 m2.

Triết lý cuộc sống xanh đã được hình thành từ lâu.

Người Nhật Bản có câu phương ngôn “thân thổ bất nhị”, tức là con người và thiên nhiên không thể tách rời. Kể từ vài thập kỷ trước, khi vấn đề ô nhiễm môi trường đã được nhận thức là hiểm họa của loài người, triết lý đô thị xanh đã được đặt ra như một trọng tâm trong quá trình phát triển. Ngay từ bước đầu phát triển, người Singapore đã được thảo luận rộng rãi để tìm giải pháp “đưa công viên vào thành phố”. Điều thú vị hơn là các nhà lãnh đạo Singapore đã khái quát định hướng ở tầm cao hơn “đưa thành phố vào công viên”. 

Triết lý đô thị xanh không chỉ còn là lý thuyết mà đã được cộng đồng quốc tế tiếp nhận để đưa vào cuộc sống thực. Tại hầu hết các đô thị lớn trên thế giới, người ta chung sức làm sạch mặt nước, đưa cây xanh lấp đầy các không gian công cộng và từng gia đình cũng phủ cây xanh cho các không gian riêng tư của mình. Họ biết rằng làm như vậy trước mắt sẽ tốn kém, nhưng lâu dài thì lợi ích sẽ rất to lớn. Trực tiếp là sức khỏe con người tốt hơn, cuộc sống bình an hơn và tuổi thọ cao hơn. Xa hơn là những lợi ích to lớn trong đóng góp làm giảm phát thải khí nhà kính. 

Ở nước ta, không phải chỉ bây giờ mới được nghe về đô thị xanh. Ngay từ thập niên 60 của thế kỷ trước, Bác Hồ đã vận động phong trào tết trồng cây. Từ đó, phong trào trồng cây đã được thực hiện ở khắp nơi, không chỉ trong ngày tết mà cả những ngày thường. Đến nay, Tết trồng cây vẫn còn nhưng chỉ như là ví dụ.

Không chỉ màu xanh đô thị cứ mất dần, mà ngay cả rặng tre, vườn cây, ao cá tại các làng quê ngoại vi đô thị cũng phải nhường chỗ cho các tòa nhà kiểu đô thị. Cơ chế thị trường đã làm cho con người ham lợi ích trước mắt mà bỏ qua mọi lợi ích lâu dài.

Một trong những giải pháp hợp lý là mỗi gia đình, mỗi tổ chức đều phải đưa không gian xanh lên mái nhà, ban công, tường nhà... để tăng diện tích xanh cho đô thị. Vận động mọi người thực hiện là một giải pháp quen làm, nhưng chắc hiệu quả không cao. Lúc này, phải nghĩ tới các giải pháp kiên quyết hơn.

Thứ nhất, cần thiết lập khung pháp luật về xây dựng nhằm bắt buộc tạo không gian xanh cho mọi công trình xây dựng. Thứ hai, cần nâng cấp hệ thống quy hoạch đô thị và bắt buộc thực thi đúng quy hoạch về bảo đảm không gian xanh. Thứ ba, Chính phủ cần đưa ra các chính sách trợ giúp về tạo không gian xanh tại các nhà ở tư nhân. Thứ tư, hệ thống quản lý cần hoàn thiện sao cho mạnh mẽ và kiên quyết trong xử lý các vi phạm pháp luật.

Có như vậy, các đô thị VN mới có cơ hội theo kịp tiêu chí xanh của các đô thị trên thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.