Ám ảnh bởi cái nghèo
Được nuôi dưỡng trên vùng đất màu mỡ, thiên nhiên khoáng đạt, từ nhỏ Jrai Kpuih Lin ở làng Nẽh, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông đã trăn trở: “Câu hỏi ám ảnh mình khôn nguôi là tại sao tài nguyên đất đai rộng lớn, khí hậu thích hợp như thế mà dân làng mình vẫn nghèo, đời này qua đời nọ”. Khởi đầu từ 0,5 ha đất cằn của cha mẹ cho, đến nay cơ ngơi của chàng trai Jrai 25 tuổi Kpuih Lin là trên 1.500 cây cà phê, 6 con bò sinh sản, 90 con gà giống, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Anh cho rằng, hiện đại hóa nông nghiệp là yếu tố quan trọng để giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.
|
Còn khởi nghiệp của nhà nông trẻ Lê Hữu Hoang (29 tuổi, ở thôn Hòa Thành, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, Gia Lai) bắt đầu từ con số không: không đất đai, không vốn liếng. Thế nhưng, chỉ sau 7 năm lập nghiệp, với số vốn 20 triệu đồng vay ngân hàng cộng với mượn bạn bè, đến nay Hoang đã có 2.000 trụ tiêu với sản lượng 5 tấn tiêu đen/năm, thu nhập trên 200 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, anh vừa đầu tư 500 triệu đồng xây dựng thêm một trang trại khép kín gồm 0,5 ha cà phê, hơn 100 con gà thả vườn, ao cá rộng 350m2. Ngoài ra, Hoang còn xây một nhà cấp bốn cho nhân công ăn ở phục vụ việc phát triển trang trại.
Đồng Tấn Thịnh (26 tuổi, ở tổ dân phố 4, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) đã mạnh dạn đầu tư hết số tiền 50 triệu đồng vào mô hình VAC: trồng 3 ha cà phê, 3 sào hồ tiêu, nuôi 200 con gà thả vườn, đào ao thả cá, nuôi vịt. Mỗi năm, trang trại của Thịnh thu nhập trên 200 triệu đồng.
Làm giàu từ tri thức và kinh doanh
Chàng cử nhân Nguyễn Văn Duyên ở xã Ia Blang, cùng huyện Chư Sê, sau khi lận lưng tấm bằng cử nhân tin học trường ĐH Khoa học Huế năm 2001 đã mở trung tâm tin học, phục vụ hàng ngàn lượt nông dân tìm hiểu kiến thức khoa học kỹ thuật, cách làm giàu. Qua 4 năm đi vào hoạt động, Trung tâm tin học Chư Sê Computer do Duyên thành lập, từ chỗ thu nhập chỉ 100 triệu đã tăng lên từ 500 - 650 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 nhân viên, trong đó có 2 nhân viên khuyết tật.
Đỗ Văn Khánh ở thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang hiện làm Giám đốc điều hành cho Công ty cổ phần phát triển bền vững nông lâm nghiệp Lợi Điền, sản xuất và cung cấp phân bón hữu cơ vi sinh. Khánh cho biết: “Tận thu nguồn nguyên vật liệu như vỏ cà phê, phân bò, kết hợp với sự chuyển giao công nghệ của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng phân vi sinh Hà Nội, chúng tôi tạo ra sản phẩm với nhiều ưu thế phục vụ cho nhu cầu canh tác nông nghiệp tại địa phương. Hơn nữa, người nông dân vừa có thêm nguồn thu nhập từ “rác thải nông nghiệp” này, lại vừa bảo vệ môi trường”. Công ty của Khánh tạo công ăn việc làm cho 11 thanh niên, có thời điểm là 24 người với mức thu nhập từ 1,8 - 2,4 triệu đồng/tháng.
Với thu nhập trên 200 triệu đồng/năm từ hồ tiêu, Huỳnh Quốc Tuấn (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) còn thành công với nghề tay trái: kinh doanh. Khi đã có mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm với 1.000 trụ tiêu đang cho thu hoạch, tạo việc làm thường xuyên cho 5 thanh niên địa phương với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng, Tuấn vẫn chưa bằng lòng. Năm 2009, anh đầu tư trồng thêm 10 ha cao su tiểu điền, đồng thời bỏ 700 triệu đồng làm “sân bóng cỏ mini nhân tạo”. Trừ các chi phí, sân bóng cũng mang lại cho Tuấn 120 triệu đồng/năm.
Trần Hiếu - Nguyên Bình
Bình luận (0)