Trình T.Ư Đảng ban hành các nghị quyết chiến lược

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/09/2022 06:23 GMT+7

Bộ Chính trị thống nhất trình Hội nghị T.Ư 6 (tháng 10.2022) ban hành các nghị quyết về Nhà nước pháp quyền XHCN giai đoạn mới; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Ban hành nghị quyết về Nhà nước pháp quyền XHCN

Theo Văn phòng T.Ư Đảng, trong các ngày 9 - 10.9, tại trụ sở T.Ư Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về các đề án: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN VN trong giai đoạn mới”; “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10 năm 2002 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây nguyên thời kỳ 2001 - 2010 và Kết luận số 12 năm 2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10”; “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53 năm 2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27 năm 2012 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53”.

Các thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại cuộc họp

TTXVN

Tại cuộc họp, Bộ Chính trị thảo luận, đánh giá Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN VN trong giai đoạn mới” đã bám sát và thực hiện đúng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp năm 2013, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và tư tưởng chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên CNXH ở VN; bám sát tình hình thực tiễn đất nước và thế giới.

Đồng thời, đã kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN VN sau hơn 35 năm đổi mới, vừa tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, từ đó xác định những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn, định hướng quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong giai đoạn mới, góp phần tạo động lực đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN vào giữa thế kỷ 21.

Bộ Chính trị cho rằng các nội dung trong đề án là những vấn đề lớn, khó, phức tạp, đồng thời Bộ Chính trị khẳng định những nội dung gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng, đa số đồng thuận thì đưa vào đề án và thống nhất thông qua đề án để trình Ban Chấp hành T.Ư Đảng tại Hội nghị T.Ư 6 xem xét, ban hành nghị quyết.

Hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2030

Về Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ Chính trị khẳng định công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của nước ta trong quá trình phát triển KT-XH.

Trong hơn 35 năm đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình; phát triển văn hóa, xã hội được quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm; nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu nếu không quyết liệt đổi mới tư duy và hành động trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bộ Chính trị thống nhất thông qua đề án để trình Ban Chấp hành T.Ư Đảng tại Hội nghị T.Ư 6 xem xét ban hành nghị quyết với mục tiêu đến năm 2030 VN hoàn thành công nghiệp hóa và kết thúc giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hóa; đến năm 2045 cơ bản hoàn thành quá trình hiện đại hóa, phấn đấu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; là một trong những trung tâm lớn của khu vực châu Á về sản xuất thông minh và dịch vụ thông minh; xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại, phát triển thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

Đưa Đông Nam bộ thành trung tâm tài chính quốc tế

Về đề án vùng Tây nguyên, Bộ Chính trị nhất trí với mục tiêu vùng Tây nguyên đến năm 2030 phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với trung tâm chế biến; một số công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số cơ bản được hình thành; đẩy mạnh việc giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm; an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường.

Về Đề án “Vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam”, Bộ Chính trị nhất trí với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Kết luận cuộc họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao các đề án; giao các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị và các cơ quan liên quan để hoàn thiện các đề án báo cáo Bộ Chính trị trình Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII; đồng thời tiếp thu hoàn thiện, ban hành các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng Tây nguyên để các ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.