Trò chơi con số của giá điện

Hiểu Minh
Hiểu Minh
05/07/2020 06:16 GMT+7

Theo thống kê của ngành điện, trong tổng số 26 triệu khách hàng, tiền điện tháng 5 so với tháng 4 có 3,1 triệu khách hàng tăng hơn 30%, trong đó tăng 50% có gần 1 triệu khách hàng (KH), tăng trên 300% có 215.000 KH.

Đến 20.6 so với tháng 5 có trên 7,2 triệu KH (chiếm 28%, gấp đôi tháng trước) có mức tiêu thụ điện tăng trên 30%, trong đó có 4,4 triệu KH (gấp 4,4 lần so với tháng 5) tăng trên 50%, có 326.000 KH tăng trên 300%. Nếu tính lũy kế từ tháng 4, tháng 5 đến 20.6 thì số lượng KH và các tỷ lệ trên cao hơn rất nhiều. Số khách hàng có thể lên đến trên 10 triệu, mức tăng không phải là 30%, 50%... mà chắc chắn còn cao hơn rất nhiều. Nhưng các con số thống kê cũng chỉ so với tháng liền trước đó, mà không lũy kế so với tháng 4... nên có thể nói, đây là một kiểu “trò chơi con số”.
Việc tiền điện tăng cao còn do đơn giá điện. Tiền điện tăng không chỉ do kWh tăng, mà còn do chỉ số nhảy bậc theo bảng đơn giá lũy tiến của ngành điện. Đơn giá ở bậc thấp hơn tính theo phần trăm tăng thì tổng số tiền điện tăng thêm sẽ thấp. Nhưng nếu ở bậc cao thì tính theo phần trăm tăng sẽ khá cao.
Việc tính đơn giá theo bảng 6 bậc, đã có nhiều người kêu ca, với lý do trái với kinh tế thị trường: tức là càng dùng nhiều, giá càng cao. Ngành điện cho rằng do giá điện của Việt Nam còn thấp, nên tính lũy tiến sẽ có tác dụng khuyến khích sử dụng tiết kiệm. Theo trang globalprices.com xếp hạng, trong 126 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá điện rẻ nhất là Venezuela là bằng 0, cao nhất là Bermuda là 9.474 đồng/kWh, còn của VN là 1.877 đồng/kWh, đứng thứ 41. Nghĩa là giá điện của Việt Nam cũng không phải thấp. Nhưng đó là tính theo tỷ giá hối đoái, tính theo tỷ giá sức mua tương đương sẽ còn có thứ hạng cao hơn. Còn so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam , thì thứ hạng còn cao hơn nữa.
Việc xử lý những đơn vị trong những trường hợp sai sót khiến tiền điện trong hóa đơn tăng khủng khiếp như ở Quảng Ninh, Quảng Bình... là cần thiết. Nhưng đó chỉ có tính chất tức thời. Cần có những biện pháp cơ bản hơn. Ví dụ về công tơ điện. Theo EVN, công tơ điện tử chính xác hơn, dễ giám sát hơn nhưng lắp đặt mới đạt 53,8%, ngay Hà Nội cũng mới đạt 85%. Dù vậy dự kiến đến năm 2025 mới có 3 công ty điện lực (Hà Nội, miền Trung, TP.HCM) đạt 100%, còn lại chỉ đạt 70%, trong khi công tơ cơ khí khó giám sát hơn.
Về đơn giá, dự kiến quý 3/2020 sẽ ban hành biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới, tuy nhiên cần xem lại phương thức lũy tiến đang bị phản đối. Mức giá cũng cần cải thiện bởi doanh thu và lợi nhuận của EVN đã khá cao (2019 đạt gần 395.000 tỉ đồng, tăng 16,7% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 12.500 tỉ đồng, tăng tới 38%, một phần nhờ giảm khoản lỗ tỷ giá 6.600 tỉ đồng).
Điều quan trọng là phải tăng sản lượng điện và cơ cấu nguồn điện. Mặc dù chỉ số tiếp cận điện của Việt Nam thuộc loại cao (đứng thứ 4 Đông Nam Á, thứ 27/190 thế giới), có mức tiêu thụ điện thuộc loại cao, vẫn cần khẩn trương tái cơ cấu nguồn điện, trong đó có năng lượng tái tạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.