Atisô, củ năng, nha đam... hút hàng
Nhiều người trồng atisô ở Đà Lạt (Lâm Đồng), đang cung cấp hàng cho thị trường TP.HCM, cho biết: Chưa khi nào bông atisô lại bán chạy như vừa qua. Hàng về bao nhiêu mối cũng tiêu thụ hết. Điều này dễ nhận thấy, bởi gần đây, trên các ngả đường trong TP xuất hiện rất nhiều xe ba gác chở bông atisô tươi đi bán lẻ. Chị Gái, chuyên bán rau Đà Lạt ở chợ rau Mai Xuân Thưởng (Q.6), cho biết trước đây, mỗi ngày chị bán chỉ vài chục kg, cao lắm là 100kg. Gần đây, có ngày bán được 400kg - 500kg. Chính vì hút hàng mà giá atisô tươi cũng nhích từ 6.000 đồng/kg lên 9.000 đồng - 10.000 đồng/kg. Ở các chợ thuộc quận Bình Tân, quận 5, quận 6, giá bông atisô tươi là 12.000 đồng/kg.
Tại các siêu thị và khu vực kinh doanh Đông Nam dược ở Q.5, các cửa hàng bán atisô trên đường Điện Biên Phủ (Q.1), cũng thu hút khách đến mua các loại hoa, lá, rễ cây, nhụy bông atisô đã qua sơ chế. Một nhân viên cửa hàng atisô Thanh Hương trên đường Điện Biên Phủ (Q.1) cho biết trời bắt đầu nóng bức nên nhiều người mua atisô để dùng cho cả nhà. Được mua nhiều nhất là atisô phơi khô. Chỉ cần mua về rửa sạch nấu nước để dành uống cả ngày. Giá bán tại đây 30.000 đồng/kg, atisô túi lọc giá 25.000 - 28.000 đồng/gói 500g, trà khổ qua 25.000 đồng/gói 500g...
Các loại rễ tranh, mía lau, củ sen, củ năng, nha đam cũng đang được nhiều người tìm mua để nấu nước, nấu chè. Nhiều người cho biết, dù các loại nước này hiện đã được sản xuất công nghiệp (đóng thành lon, chai) khá nhiều nhưng họ vẫn không thích dùng bằng loại nước tự nấu. Giá củ năng gọt sẵn từ 20.000 đồng - 22.000 đồng/kg; nha đam tươi giá trung bình từ 3.000 đồng - 5.000 đồng/bẹ...
Lời khuyên của thầy thuốc
Theo lương y Trần Khiết, giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM, Trưởng Tiểu ban Thuốc cổ truyền phía Nam, đa số các nguyên vật liệu như atisô, nha đam, củ năng, củ sen, khổ qua... đều là thực phẩm có tác dụng giải nhiệt, mát gan, giải độc, trừ phong rất tốt cho cơ thể con người. Tuy nhiên, ngoài việc ăn, uống đồ mát, phải chú ý ăn uống hợp vệ sinh, nên chọn thức ăn thanh đạm, dễ tiêu hóa. Nên ăn nhiều rau tươi (thức ăn có vị đắng như rau má, khổ qua), nước trái cây. Đồng thời, cần giảm thức ăn cay nóng, thức ăn có nhiều chất béo cũng như thuốc lá, rượu bia. Ngoài ra, theo ông, mùa hè, thời tiết nóng bức có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mà thường gặp là các chứng: mồ hôi ra nhiều, họng khô khát làm cho con người hay giận dữ. Từ phần khí ảnh hưởng đến phần huyết bị bức bách, sinh ra chứng ho, chảy máu cam, lên ban đỏ, động kinh, hôn mê và có thể gây bệnh tiêu chảy nếu ăn uống kém vệ sinh.
Một số món ăn trị bệnh mùa nóng 1. Nước lô căn (rễ cỏ lau): Có tác dụng giải phong nhiệt, cảm mạo, ớn gió, ớn lạnh, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, viêm họng... Cách thực hiện: - Lô căn: 50g, rửa sạch, chặt thành từng đoạn ngắn. Cải bẹ xanh: 50g, cũng rửa sạch cắt thành từng đoạn ngắn. Hành củ: 10g, rửa sạch, đập dập. Cho ba vị trên vào nồi, đổ 4 chén nước nấu còn 1,5 chén. Chia ra làm hai lần uống trong ngày (nên uống ấm). Chú ý: Nếu ớn lạnh nhiều thì thêm 3 lát gừng sống. Đây cũng là bài thuốc nên nấu uống thường xuyên phòng ngừa được bệnh cảm trong mùa xuân và mùa hè. 2. Nước thịt bò với rau cải: Có tác dụng trị cảm mạo, phong hàn trong mùa hè, đồng thời trị chứng đau đầu, ho ra đờm, nhớt trắng, ớn lạnh trong người, đặc biệt là trị chứng đau nhức xương cốt. Cách thực hiện: - Thịt bò 200g rửa sạch, thái mỏng. Rau cải 400g rửa sạch, cắt khúc. Gừng sống 20g gọt vỏ, cắt miếng, giã thật nhỏ rồi trộn ướp với thịt bò. Cho ba thứ vào nồi, thêm ít muối cho vừa ăn, đổ vào 2 lít nước, nấu lửa mạnh trong một giờ thì dùng được. Uống nước từ từ lúc còn nóng. Chú ý: Nếu người sốt quá cao, miệng khô đắng, khát nước nhiều thì không nên dùng. (Nguồn: Theo lương y Trần Khiết) |
Theo Sơn Nhung/báo Người Lao Động
Bình luận (0)