Trong lòng đất TP.HCM có một địa đạo hình toa xe lửa dài 10km

An Huy
An Huy
11/05/2018 13:31 GMT+7

Ngoài địa đạo Củ Chi, ở TP.HCM còn có một địa đạo dài hơn 10 km ít người biết đến. Địa đạo này được các chiến sĩ đào năm 1947 làm căn cứ cách mạng phục vụ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Đó là địa đạo Phú Thọ Hòa, nằm trên một vùng đất rộng tại địa chỉ 139 Phú Thọ Hòa (Q.Tân Phú). Trải qua hơn 70 năm, đến nay địa đạo vẫn giữ được nguyên vẹn kết cấu kiến trúc, phục vụ nghiên cứu lịch sử và khách tham quan.
VIDEO: Cận cảnh địa đạo 10km hình toa xe lửa dưới lòng đất TP.HCM
Ông Ngô Văn Chung (58 tuổi), Trưởng ban Quản lý khu di tích địa đạo Phú Thọ Hòa cho biết, địa đạo được xây dựng năm 1947, trong thời gian quân dân miền Nam kháng chiến chống thức dân Pháp.
Theo ông Chung, lúc bấy giờ, cuộc đấu tranh đánh giặc của quân dân ở địa phương không ngừng dâng cao. Dựa vào tính chất mọi người đều có truyền thống cách mạng, yêu nước nên đã chọn khu Phú Thọ Hòa có cây cối rậm rạp, gò đất cao, nhiều mồ mả…, làm căn cứ xây dựng địa đạo, đánh giặc.
Miệng hầm địa đạo Phú Thọ Hòa đã được tu sửa lại bằng xi măng và có nắp đậy bằng gỗ ẢNH: AN HUY
Ông Chung cho biết thêm, trước khi hình thành hệ thống địa đạo, nơi đây đã được người dân đào nhiều căn hầm bí mật trong lòng đất dài 4 - 5m để trú ẩn và tránh bom mìn. Tuy nhiên, do thiết kế hầm ngõ cụt, nếu bị địch phát hiện sẽ không có lối thoát nên người dân đã mở rộng hầm và phát triển thành các đường địa đạo kéo dài nối từ ấp Lộc Hòa đến ấp Bình Long Đông, qua ấp Bình Hưng Hòa.
Chiều dài địa hình, địa vật của địa đạo được kéo dài hơn 10km, có 2 tầng, được đào thông sâu dưới lòng đất sâu từ 3 - 4m, rộng 0,8m. Đường hầm địa đạo có nhiều nhánh thông sang các hướng khác nhau. Mỗi đoạn hầm được thiết kế các lỗ thông hơi dẫn từ mặt đất xuống, ngụy trang bằng các ụ mối.
Đường dẫn xuống lòng địa đạo trong lòng đất sâu 3 - 4m ẢNH: AN HUY
Trên mặt đất được trồng thêm nhiều tre, nứa…, tạo thành điểm tập kết bí mật của bộ đội, góp phần không nhỏ trong kháng chiến chống Pháp.

"Nhờ địa đạo được xây dựng chắc chắn và bí mật, đã thành điểm tập kết an toàn cho hàng nghìn cán bộ du kích trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tạo được nhiều trận đánh vang dội vào kho bom Phú Thọ (những năm 1952 - 1958) và phi trường sân bay Tân sơn Nhất", ông Chung giới thiệu.
Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, địa đạo Phú Thọ Hòa cũng thành điểm trú ngụ của bộ đội chủ lực một thời gian, sau đó chuyển căn cứ về địa đạo Củ Chi đã được xây dựng hoàn thành.
“Độc đáo của địa đạo này là được đào theo hình sóng nhấp nhô, cứ một đoạn khoảng 20m thì có một vách ngăn, ở giữa có khoét một lỗ đường kính 0,5m vừa kích thước người Việt mình chui qua và cứ thế nối dài từ ấp này sang ấp khác. Nhiều người hay gọi địa đạo này giống như các toa xe lửa”, ông Chung chia sẻ.
Trong lòng hầm địa đạo vẫn còn khá chắc chắn ẢNH: AN HUY
Dù chiến tranh đã lùi sâu vào dĩ vãng nhưng dấu tích địa đạo một thời phục vụ cho quân dân miền Nam trong kháng chiến chống giặc vẫn còn đó, được bảo tồn thành điểm tham quan và khám phá lịch sử.
Nắp lên xuống địa đạo được tu sửa lại bằng các bục xi măng; hệ thống đường hầm vẫn giữ được nguyên vẹn kết cấu, vững chắc. Không gian hầm tương đối hẹp, chỉ đủ một người khom lưng đi qua. Đồng thời, ở khu vực trung tâm địa đạo có một phòng trung tâm tương đối rộng, cao hơn 1m dùng làm phòng họp.
Đường hầm địa đạo dài hơn 10km được đào phục vụ cho bộ đội chống Pháp và Mỹ ẢNH: AN HUY
Khu vực xung quanh khuôn viên địa đạo Phú Thọ Hòa hiện nhấp nhô nhiều ngôi mộ cổ được xây bằng đá ong. Phía phần bia mộ khắc bằng các ký tự chữ Hán. Người quản lý địa đạo cũng không biết những ngôi mộ này có từ khi nào, làm khung cảnh địa đạo thêm phần huyền bí.
“Những ngôi mộ này có bia khắc chữ Hán, xây dựng bằng đá ong nhưng đã xuống cấp. Từ khi tôi tiếp nhận địa đạo đã thấy những ngôi mộ này có sẵn ở đây rồi. Vào những ngày rằm tôi cứ thắp hương cúng vậy thôi, có lẽ người thân những ngôi mộ này là người Việt gốc Hoa”, ông Chung cho biết.
Khu vực bên trên địa đạo có nhiều ngôi mộ cổ bằng đá ong, làm khu vực thêm phần huyền bí ẢNH: AN HUY
Lỗ thông hơi xuống hầm địa đạo đã được sửa lại bằng các ụ xi măng ẢNH: AN HUY
Những vật dụng dùng hàng ngày của các chiến sĩ bộ đội trong lòng địa đạo được lưu giữ ở phòng trưng bày ẢNH: AN HUY
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.