Trong sào huyệt mật thám

29/05/2012 03:43 GMT+7

Đầu năm 1951, cần đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở thành phố hơn nữa, linh hoạt hơn trong hoạt động và tránh sự theo dõi của địch nên tôi không làm công tác phụ nữ nữa mà chuyển sang phụ trách một tổ tình báo gồm cô Đạt, anh Định và tôi, đồng thời làm thư ký cho Ban Cán sự Đảng nội thành do đồng chí Nguyễn Kiệm phụ trách.

 Trong sào huyệt mật thám
Bót Catinat tại Sài Gòn - Ảnh: Tư liệu

Tình hình vẫn rất căng thẳng, nhiều đồng chí tiếp tục bị bắt như Nguyễn Kiệm, Đoàn Văn Bơ... Hoạt động được ba tháng thì đến tháng 4.1951, tôi cùng anh Nguyễn Thọ Chân, Đạt và Duy Liên bị bọn mật thám bót Catinat bắt. Tôi đoán nguyên nhân là do Đạt làm việc ở Tòa Thị chính đã lấy nhiều tài liệu về nhân sự của địch, bị chúng nghi ngờ, theo dõi và bắt trên đường về nhà. Để có một bề ngoài hợp pháp, chúng tôi đã ở chung với Đạt nên bị chúng bắt luôn.

Chúng tôi bị tra tấn nhiều vì được coi là những cán bộ quan trọng của Thành ủy. Do có bọn chỉ điểm, chúng biết đồng chí Nguyễn Thọ Chân là người ở Trung ương mới về nên tra tấn đặc biệt ác liệt. Còn tôi cũng bị đánh ác liệt không kém, do trước đó có người bị bắt đã khai. Lần đầu tiên bị tra đánh quá dã man, hết trấn nước lại quay điện..., tôi chỉ muốn chết cho xong. Điều tôi lo nhất là phải khai báo, chỉ điểm bắt người khác. Tôi quyết định điều gì địch nói về tôi, tôi nhận, nhưng một mực không khai gì khác, nên sau một thời gian chúng cũng không làm được gì. Tuy vậy, những tài liệu chúng bắt được chứng tỏ tôi làm điệp báo nên cuối cùng trong hồ sơ chúng kết tội tôi là điệp báo, và dự kiến sẽ xử nặng.

Ở bót Catinat, sào huyệt chính của bọn mật thám Đông Dương, tôi đã tận mắt chứng kiến sự tàn bạo dã man của bọn tay sai thực dân. Chúng đánh đập tra khảo không thương tiếc bất kể nam nữ già trẻ. Đối với phụ nữ chúng giở nhiều trò đồi bại để làm nhục chị em. Tôi thật không tưởng tượng nổi con người lại có thể bạo tàn với đồng loại như thế. Sau này, gặp một số bạn của tôi đã bị bắt dưới thời Mỹ ngụy, các chị cho biết bọn này lại còn dã man gấp bội. Giày vò thể xác người bị bắt, chúng còn khủng bố tinh thần anh chị em bằng thủ đoạn bắt chào cờ ngụy, bắt đạp lên cờ đỏ sao vàng, xé ảnh Hồ Chủ tịch mà chúng gọi là “phản tỉnh”. Ai chưa từng qua nhà tù đế quốc khó mà hình dung những nỗi đau của chúng tôi.

 
Tôi nghe những đồng chí đi trước bảo nhà tù là trường học đối với người cách mạng. Tôi nghiệm với tôi quả đúng như vậy

Nhưng cũng chính ở đây tôi được chứng kiến những tấm gương anh hùng của người chiến sĩ cách mạng thà chết không đầu hàng. Khi bị đưa vào phòng điều tra, tôi nhìn thấy mấy tên mật thám đang dùng dùi cui, roi sắt vụt vào một thanh niên bị treo ngược trên trần nhà, khắp người đầm đìa máu me. Anh vẫn một mực không khai. Qua câu chuyện tôi biết anh là biệt động thành. Người chiến sĩ kiên cường mà tôi không được biết tên ấy đã bị chúng đánh đến chết. Tôi còn biết nhiều đồng chí khác cùng hoạt động, anh Ba học sinh, đồng chí Nguyễn Kiệm, Bí thư Ban Cán sự nội thành, và nhiều đồng chí nữa đều đã hy sinh anh dũng như vậy. Và còn biết bao chiến sĩ anh hùng vô danh...

Bót Catinat do cò Bazin chỉ huy, một tên mật thám đầu sỏ khét tiếng. Từ lâu bót này nổi tiếng là nơi tàn ác nhất. Bót nằm ngay ở đầu đường Catinat, con đường sang trọng nhất Sài Gòn, có nhiều cửa hàng cao cấp, những khách sạn lớn nhất. Ngay trước mặt là Nhà thờ Đức Bà, lớn và đẹp nhất của thành phố. Không hiểu thực dân Pháp, chính xác hơn là mật thám Pháp, nghĩ gì khi đặt bót Catinat ở đây? Trong đêm khuya, từ những phòng biệt giam, phòng tra tấn, sau những trận đòn dã man khủng khiếp của kẻ thù, lại nghe văng vẳng bên tai tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà, như muốn làm dịu bớt nỗi đau của chúng tôi! Thật mỉa mai thay!

Tôi ở tù gần ba năm. Trong thời gian đó kháng chiến đã có những chuyển biến lớn. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ nơi an trí đã trở về. Chính đồng chí lại là luật sư lo “cãi” cho vụ chúng tôi. Vài tuần đồng chí lại vào khám Chí Hòa thăm “thân chủ”, cho chúng tôi biết tình hình quân sự chính trị bên ngoài, đem cho chúng tôi bánh kẹo bồi dưỡng.

Cuộc chiến ở Điện Biên Phủ đẩy quân địch vào thế lúng túng, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi. Sau ba năm ở tù, tôi bị địch kết án bốn năm án treo! Theo một vài người, sở dĩ tôi bị kết án nhẹ là nhờ có sự can thiệp của những người quen biết với ông ngoại tôi trong Hội Liên minh nhân quyền trước đây, khi cụ hoạt động ở Pháp. Tôi không có điều kiện xác minh việc này. Điều chắc chắn là luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã hết sức tích cực bảo vệ tôi và các đồng chí khác trước tòa án của Pháp. Duy Liên, người bạn thân của tôi cũng vất vả vận động khắp nơi để tôi sớm được ra tù.

Tôi nghe những đồng chí đi trước bảo nhà tù là trường học đối với người cách mạng. Tôi nghiệm với tôi quả đúng như vậy. Những chính trị phạm trong tù không hề để phí thời gian. Chúng tôi tổ chức học tập văn hóa, chính trị. Nhiều chị em không biết chữ, sau một thời gian đã biết đọc, biết viết. Nhưng chủ yếu và quan trọng nhất là trưởng thành qua đấu tranh với địch và học tập kinh nghiệm sống và chiến đấu của các đồng chí đi trước. Chúng tôi tổ chức những buổi phát thanh hằng ngày đều đặn của “Đài phát thanh khám Chí Hòa”, đưa tin nội bộ nhà tù và tin ngoài xã hội, tin chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta trên cả nước. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù và hưởng ứng phong trào bên ngoài. Có lần chúng tôi đã tuyệt thực 6 ngày liền...

Trong những người cùng bị giam với chúng tôi có nhiều người vốn thuộc giới anh chị lưu manh, sau một thời gian tiếp xúc với chúng tôi nhiều người đã tỉnh ngộ và trở thành người tốt, một số về sau đã tích cực tham gia kháng chiến.

Nguyễn Thị Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.