“Trọng tài” kim cương - Bài 1: Nghề căng thẳng

08/02/2009 23:33 GMT+7

Những "trọng tài" kim cương âm thầm làm việc. Họ kiểm tra, đánh giá, phân biệt kim cương, các loại đá quý. Nếu được tiếp xúc một lần, gặp những gương mặt luôn thận trọng và... lạnh như đá của họ thì cũng phải thông cảm, bởi nhiều lý do... Mời nghe đọc bài

Những tay thợ yêu đá

Nằm chót vót trên tầng cao nhất của một tòa nhà sát chợ Bến Thành là trụ sở một trung tâm kiểm định kim cương thuộc hàng uy tín nhất thành phố. Khách đến đây, nếu nói "lên chỗ kim cương" sẽ được vệ sĩ "phân biệt" ngay bằng cách kêu mang xe ra chỗ khác gửi, rồi mới đi bộ trở lại... Bấm thang máy cái "vù", cuốc bộ tiếp lên tầng trên cùng tòa nhà, trung tâm kiểm định hiện ra bình thường như bao văn phòng giao dịch khác. Dù đã có hẹn nhưng tôi vẫn được tiếp một cách cảnh giác và lạnh nhạt ở một nơi những tưởng là "kinh đô" của tiền bạc và sự hoa lệ.  Màn chào hỏi thân tình mang tính "gợi" đã được đáp lại bằng sự dè dặt, thậm chí biểu hiện cảnh giác ngay lập tức: "Anh hỏi để làm gì?", "Hỏi chuyện đó có chi không?". Trò chuyện gượng gạo và chán chê, tôi mới được biết người đang tiếp mình là một vị phó giám đốc đầy quyền lực, đã kinh nghiệm hàng chục năm làm nghề kiểm định, trông bề ngoài rất đơn giản với quần tây và áo sơ mi trắng bình dân. Bản thân anh đã từng kiểm định một viên kim cương to chưa bằng viên bi ve, giá trên 100.000 USD tại trung tâm này.

"Làm nghề này luôn phải đối mặt với sự căng thẳng: Nhịp độ cao vì khách tới nhờ kiểm định đông. Rồi căng thẳng bởi lo bảo quản kim cương cho khách gửi lại. Kim cương có giá trị lớn về mặt vật chất, ngoài ra khách còn gửi gắm ở đó nhiều yếu tố tinh thần, sự kỳ vọng và tình cảm", anh nói dè dặt, rồi chia sẻ: "Ngoài ra, chúng tôi luôn phải đối phó với những thách thức về kỹ thuật". Bởi theo anh, người kiểm định luôn "đi sau" các công nghệ làm giả kim cương, rất tinh vi, hiện đại. 

Tôi càng thấy "khô" hơn khi biết được rằng, hầu hết những người tại đây đều từng học đại học... địa chất, "chuyên ngành nghiên cứu" là đá và quặng. Rồi ra trường, trước khi đến với nghề họ còn phải kinh qua nhiều khóa đào tạo chuyên môn, đủ để cho đến bây giờ, ai cũng có một niềm đam mê vô bờ bến về vẻ đẹp của các loại đá! (Chắc là vậy nên các anh nói chuyện rất khô và... lạnh). "Niềm vui, đam mê của anh em ở đây là thích vẻ đẹp tự nhiên của đá. Phát hiện ra kim cương, đá đẹp là niềm vui trong nghề rồi".

Có một luật bất thành văn với người làm nghề là phải trung thực, "bất vị tình". Khoảng hơn chục năm trước, khi những trung tâm dạng này chưa ra đời thì việc mua bán kim cương tại TP chủ yếu dựa trên lòng tin. Từ sự tin cậy mà định giá, mua bán. Thị trường mới nảy ra sự thiếu minh bạch, không có một thước đo chuẩn về chất lượng. Trung tâm này ra đời làm công việc của một "trọng tài", đưa ra một cái chuẩn cho kim cương. Bởi vậy, yếu tố trung thực, khách quan phải đặt lên hàng đầu. Một người thợ kiểm định kim cương, chỉ một lần trong đời không trung thực, coi như mất nghề, anh em trong giới không còn tin nữa.

Và những khách hàng đặc biệt

Có hai dạng khách chủ yếu đến với trung tâm này: Đó là những người đã biết về kim cương và những người không có khái niệm gì về kim cương hay đá quý. Với dạng khách thứ nhất, kim cương được nhận ngay để đưa vô kiểm tra kỹ thuật thuần túy. Đối tượng đem đến là vệ sĩ, người thân tín của các đại gia, những người nổi tiếng... Rất ít khi thấy chủ nhân đích thực của kim cương lộ diện ở địa điểm "nhạy cảm" này. Dạng khách thứ hai thì rất phong phú: Từ dân đào đá, người nông dân cày ruộng, một người bình thường, thậm chí là... cảnh sát điều tra. 

Đến lúc này, tôi mới được biết tên đầy đủ của người đang tiếp mình là Đỗ Tường Huy; người ngồi bên trong quầy, đang nheo mắt nhìn qua kính lọc đá đỏ quạch là anh Ngô Văn Nên, Trưởng phòng kiểm định. Anh Huy kể: "Công an phường, quận cũng hay mang đá quý, kim cương tới nhờ kiểm định. Chúng tôi ý thức được rằng đây là tang vật của vụ án nên không muốn giữ lâu, thường là kiểm định rồi trả lại trong ngày. Họ ngồi chờ ở phía ngoài". Theo anh Huy, thường thì đây là tang vật của những vụ trộm lớn.

Một đối tượng nữa mà trung tâm không muốn giữ lại đồ lâu là những người hay "nghi ngờ". Anh Huy nhắc lại: "Kim cương có giá trị lớn, khách vừa lo, vừa nghi ngờ, không muốn để lại chỗ chúng tôi lâu. Để họ tránh nghi ngờ, chúng tôi cũng không giữ lại". Hỏi anh có bị mặc cảm, tự ái không khi đối mặt với những thái độ hay ánh mắt nghi ngờ như vậy, Huy bảo: "Nghề này là vậy. Nghi ngờ là quyền của khách hàng. Kim cương có giá trị vật chất lớn, họ có quyền".

Kim cương hay đá quý, khái niệm còn khá xa lạ với nhiều khách hàng  ảnh: N.L.N

Có một lần, ở địa điểm khác trước khi chuyển về trụ sở này, nhân viên kiểm định nhận được một viên đá. Ngay từ đầu, khách hàng đã biểu lộ rằng họ "sợ" nếu mang viên đá đi khuất mắt họ. Vì công việc, nhân viên vẫn phải đem đá vô quầy kiểm tra. Ấy thế mà vừa đi khỏi, khách đã đẩy cửa quầy chạy theo... Nhân viên lại mất thêm một hồi thanh minh, thuyết phục. Phó giám đốc Huy nói rằng, những việc đại loại như vậy diễn ra là bình thường: "Mình vừa cầm viên đá là họ thò cổ nhìn. Mình đi đâu là họ đòi đi theo". Đây là dạng khách không biết gì về đá quý. Cách để lấy viên đá ra khỏi tay họ (dù cho họ tự nguyện mang tới để nhờ kiểm tra) là phải phân tích, giảng giải trực tiếp bằng miệng, thậm chí bằng máy, rằng "mỗi viên đá có những đặc tính riêng về màu sắc, kích cỡ, hình dạng, không viên nào giống viên nào". Vậy nên, nếu có đưa đá khỏi tay khách cũng không cần nghi ngờ bởi sẽ không tìm được viên nào giống y chang như vậy để đánh tráo cả.

Có một lần, trung tâm tiếp ba vị khách "rặt nông dân" ở quê lên. Không biết bằng cách nào mà họ biết được chức năng, địa chỉ của trung tâm để rồi lặn lội bắt xe đò từ quê lên TP.HCM nhờ cậy. Giữ khư khư trong tay họ là một viên đá "lấp lánh", đến mức chỉ nhìn qua là nhân viên kiểm định biết đó là một mảnh thủy tinh có khả năng tán xạ ánh sáng. Khỏi phải kiểm tra, nhân viên "cho" luôn kết quả bằng miệng. Chợt thấy vẻ mặt họ chùng xuống, buồn hẳn. Trường hợp này, trung tâm không lấy tiền phí. Anh Huy nói: "Bản chất ngành này là phục vụ cho sự xa xỉ. Khi nào đến mùa trang sức, mùa cưới, lúc kinh tế phát triển là khách đông. Nhưng không phải trường hợp nào chúng tôi cũng thu tiền. Tiêu chí phục vụ là giúp được thì giúp".

(Còn tiếp)

Nguyễn Lê Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.