Trong tiếng người xưa vẫn vọng về (*)

20/12/2010 22:09 GMT+7

366 trang sách, trong đó có 34 trang phụ lục, tác phẩm vừa đoạt giải A

Cuộc thi tiểu thuyết  lần 3 của Hội Nhà văn Việt Nam cho thấy tác giả muốn nhắc nhiều những sự thực lịch sử, những trang sử hào hùng về khởi nghĩa Lam Sơn đầy kiêu hãnh. 

Chuyện lá rừng có dòng chữ Lê Lợi vi quân - Nguyễn Trãi vi thần, chuyện Lê Lai phá vây liều mình cứu chúa cho thấy, để có được  hòa bình cho Đại Việt, vua tôi nhà Lê không chỉ đánh giặc trên chiến trường mà còn phải vận dụng nhiều mưu trí để thắng được sự gian ác hung hiểm trong tà tâm của chúng .

Hội thề là sự nhuận sắc chính sử, là lời ngợi ca mối quan hệ quân - thần, đề cao tầm nhân văn của trí tuệ người Nam, với khát vọng được sống yên bình bên cạnh một nước lớn luôn nuôi mộng xâm lấn. Thời gian là những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống giặc Minh, khi những mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm, bởi những suy nghĩ và mưu tính khác nhau của từng con người trong từng vị trí.

Lê Lợi hiện ra như một minh chủ vĩ đại, luôn biết mình là ai, biết mình có thể làm gì và phải làm như thế nào. Hiểu rõ những nỗi niềm, khao khát thẳm sâu trong lòng mỗi cận thần, Lê Lợi luôn biết vượt cao lên, kiềm chế cái nhỏ nhen trong họ, buộc họ phải tuân thủ, phải đoàn kết vì đích lớn của cuộc kháng chiến. Biết lựa chọn đúng ở những thời khắc quyết định, biết thu phục và dùng người đúng chỗ, đó là tài năng của một vĩ nhân, Bình Định Vương Lê Lợi.

Những Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân…, những nông dân - dũng sĩ xứ Thanh, theo phò Lê Lợi từ những ngày đầu, chiến tích lẫy lừng, nhưng cũng đầy chất kiêu binh và những toan tính bè phái. Nếu Lê Lợi không đủ uy và dũng, trí và nhân thì có thể đã bị họ chi phối vào những lúc nước sôi lửa bỏng nhất của cuộc chiến. Ông anh vợ vua - thiếu úy Phạm Vấn, buổi ban đầu là người yêu nước một lòng vì đại cuộc, nhưng về sau đã nảy sinh tham vọng, quyết tận dụng việc Hoàng hậu Ngọc Trần trầm mình tế thủy thần, để đưa cháu là Nguyên Long lên ngôi vua, loại bỏ Tư Tề, anh của Nguyên Long.  

Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Trú, Phạm Văn Xảo, những nho sĩ quý tộc nhà Trần, tiêu biểu cho trí tuệ xứ Bắc, vì nghĩa lớn đã tìm đường đến dưới trướng minh quân để đòi lại độc lập cho nước nhà. Biết mình là thứ nho sĩ trói gà không chặt, bị ganh ghét bởi những tướng quân đầy mình công trạng, nhưng Nguyễn Trãi biết gạt bỏ cái tôi để vẫn ở bên vua, ẩn nhẫn làm tất cả những gì có thể, vừa đuổi được giặc ra ngoài bờ cõi, vừa giữ được sự yên bình cho muôn dân hai nước.

Khắc họa những tính cách đối nghịch

Hội thề được viết khá chân phương, dụng công lớn của tác giả là khắc họa những tính cách đối nghịch của các nhân vật: một bên là những nông dân võ biền thô lậu và bên kia là những nho sĩ khoa bảng kiến văn xuất chúng. Chung nhau mối thù mất nước, họ đã liên kết lại dưới bóng cờ của người anh hùng Lê Lợi, dâng hiến tài năng theo cách của mình, lấy lại nền độc lập cho Đại Việt suốt mấy trăm năm sau đó.

Trận đánh cuối cùng ở Đông Quan, sau đại thắng Xương Giang phá tan bảy vạn quân Minh, đã bộc lộ mâu thuẫn lớn nhất trong nội bộ các đại thần. Nhân danh đức Hiếu Sinh Đại Việt trong Bình Ngô Sách, Lê Lợi đã quyết cho Vương Thông được phép cầu hòa, để có một Thăng Long phi chiến địa, tránh cho thành Đông Quan khỏi đổ nát trong cảnh núi xương sông máu của năm vạn quân giặc đang bị vây khốn.

Trong khi đó, Phạm Vấn, Lê Sát, chỉ hằm hè muốn giết đến tên giặc cuối cùng, để trả - nợ - máu và cũng là để được tự do cướp phá. Một hội thề đã được tổ chức để hai bên thực hiện sự hòa hiếu, để năm vạn quân Minh được toàn mạng mà về nước với vợ con. 

Tâm huyết của nhân vật Nguyễn Trãi được tác giả làm rõ ở những điều tâm sự, lúc với Thị Lộ, lúc với những huynh đệ cùng sinh tử: “Chỉ có những giấc mơ mà thiên hạ cùng mơ mới biến được thành sự thật/Đánh giặc là thế không đừng. Nhưng bớt được tổn thất sinh linh là điều chúa công ta hằng mong mỏi”. Nguyễn Trãi, trong mối quan hệ với Thị Lộ và Thái Phúc, có lẽ là chân dung đậm nét nhất về một văn tài đầy may mắn mà cũng đầy bất hạnh.

Ở cuối sách, tác giả đã cho Bình Ngô Đại Cáo vang lên, như gọi dậy một Đông Quan thời ấy: “Lạng Giang, Lạng Sơn thây chết đầy đường/Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước… Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng/Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin tha mạng/Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh… Xã tắc từ đây vững bền/Giang sơn từ đây đổi mới/Càn khôn bĩ rồi lại thái/Nhật nguyệt hối rồi lại minh/Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu/Muôn thuở nền thái bình vững chắc…”.

Ngô Thị Kim Cúc

(*) Đọc Hội thề, tiểu thuyết của Nguyễn Quang Thân, NXB Phụ nữ, 2009

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.