Trung gian 'ăn dày' đẩy giá: Do sản xuất manh mún

06/01/2017 11:52 GMT+7

Bài viết Trung gian “ăn dày” đẩy giá đăng trên Thanh Niên ngày 5.1 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Rau, củ đắt hơn thịt, cá
Những ngày gần đây bà nội trợ nào cũng than thở chuyện rau, củ, quả giá quá cao so với trước đây cũng như cùng thời điểm này năm trước. Các tiểu thương ở chợ đưa ra đủ lý do, nào là do lũ lụt, nào là do gần tết, mất mùa... Tuy nhiên, sau khi đọc bài viết này mới thấy vấn đề nằm ở chỗ người tiêu dùng bị quá nhiều khâu trung gian “hớt tay trên”. Ở đất nước nông nghiệp, đất đai trù phú mà mua rau, củ, quả còn đắt hơn mua thịt, cá là điều vô lý. Ngành nông nghiệp phải làm sao sớm chấm dứt tình trạng này để người tiêu dùng, nông dân được nhờ.
Nguyễn Vũ Tùng Châu (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Quá manh mún
Nông sản Việt không thể đi thẳng từ vườn vào chợ đầu mối vì nhà vườn của chúng ta quá manh mún, không tập trung ở những cánh đồng mẫu lớn như các nước khác. Do sản xuất manh mún nên cần phải có đội ngũ thương lái mua tận vườn, từ đó họ bán lại cho các nhà phân phối. Nếu sản xuất tập trung thì chắc chắn thương lái là những cá nhân nhỏ lẻ khó có năng lực tài chính để bao tiêu trọn vùng, phải có hợp tác xã, doanh nghiệp lớn mới đủ sức thu mua. Khi đó, sẽ triệt tiêu được khâu trung gian của các thương lái, giá nông sản sẽ giảm. Vẫn còn sản xuất manh mún thì giá nông sản sẽ còn cao khi đến tay người tiêu dùng.
Nguyễn Thái Huân (H.Nhà Bè, TP.HCM)
Hệ thống thu mua phải phù hợp
Trong bối cảnh sản xuất nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ thì các doanh nghiệp cần phải tính toán, hình thành một hệ thống thu mua, bán lẻ phù hợp với mô hình sản xuất ấy. Thu mua trực tiếp từ sản xuất rồi xây dựng thương hiệu thông qua bao bì, thông tin sản phẩm... để phân phối cho người tiêu dùng. Có như vậy mới giảm được khâu trung gian, giá nông sản mới cạnh tranh được với kênh bán lẻ nước ngoài. Nếu không thay đổi thì sớm muộn nông sản Việt bày bán ở các siêu thị, chợ Việt sẽ không thể cạnh tranh được với nông sản ở các siêu thị, hệ thống bán lẻ nước ngoài tại VN.
Nguyễn Thị Ngọc Diệp (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Nhanh chóng thay đổi
Hiện chỉ cần ngồi ở văn phòng vẫn có thể mua được rau sạch, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phải chăng, cân đo chính xác… thông qua internet. Kênh phân phối nông sản uy tín, tiện lợi này đang được rất nhiều siêu thị, hệ thống bán lẻ nước ngoài áp dụng. Tất nhiên giá cả rất cạnh tranh so với giá ngoài chợ hay trong siêu thị Việt. Ngành nông nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như những lãnh đạo tâm huyết hãy nhanh chóng giải quyết những tồn đọng, vướng mắc từ khâu sản xuất, phân phối nông sản Việt. Nếu không, việc chúng ta làm thuê trên đất của chính mình sẽ sớm xảy ra.
Cao Tiến Thành (Q.3, TP.HCM)

Sản xuất tập trung
Đã đến lúc phải phát triển ngành công nghiệp nông nghiệp. Nông dân phải là thành viên góp vốn của doanh nghiệp nào đó để hình thành nên vùng sản xuất tập trung. Khi đã có cánh đồng rộng lớn, nông dân áp dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất để cho ra đời sản phẩm chất lượng, an toàn. Sản phẩm nông nghiệp sẽ được hợp tác xã, doanh nghiệp đưa thẳng đến nhà máy chế biến hoặc địa chỉ phân phối. Trong quá trình kết hợp giữa nông dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp sẽ có sự đồng hành của ngân hàng, các tổ chức tín dụng để hỗ trợ về vốn cho nông dân sản xuất. Nông nghiệp kết hợp với khoa học kỹ thuật hiện đại, phân phối hợp lý sẽ giúp ngành nông nghiệp phát triển mạnh, giá cả giảm, người nông dân và người tiêu dùng được hưởng lợi.
Đào Minh Diên (Q.4, TP.HCM)
       
Quá nhiều khâu trung gian đã đẩy giá nông sản lên cao so với giá gốc khi đến tay người tiêu dùng. Muốn giải quyết được vấn đề này đòi hỏi phải có sự thay đổi gần như toàn diện ngành nông nghiệp, nhất là khâu quy hoạch đất đai, quy hoạch vùng nông nghiệp. Khi trồng trọt tập trung thành từng vùng dưới sự điều tiết của hợp tác xã hay doanh nghiệp chứ không thả nổi cho nông dân. Có như vậy giá nông sản mới trở về đúng với giá trị của nó.
Trần Thị Thanh Thảo (H.Bình Chánh, TP.HCM)
       
Nông sản là nhu cầu thiết yếu của người dân trong mọi hoàn cảnh. Vì vậy, dù giá cả thế nào người dân vẫn phải chấp nhận. Để người dân “dễ thở” hơn trên vùng đất nông nghiệp trù phú cũng như để hệ thống phân phối, bán lẻ nông sản Việt không bị “lỗi nhịp” trên sân nhà thì nhà nước cần chủ động thay đổi, tổ chức lại hệ thống phân phối, bán lẻ phù hợp với thực tế cũng như tương lai. Đừng để mọi chuyện trở nên quá muộn, người dân Việt phải mua nông sản Việt được gắn nhãn ngoại ngay trên đất Việt.
Võ Thị Phương Ánh (Q.8, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.