Trung Hoa du ký - Kỳ 4: Tam, đáo Tứ Xuyên

05/06/2006 15:28 GMT+7

Rời Vân Nam sau khi đã tham quan các địa chỉ nổi tiếng như: Chợ hoa khô, Bến Quan độ (nơi các vị quan lại ngày xưa dừng chân khi đi nhậm chức), cửa hàng bán ngọc quý, cửa hàng bán thuốc Bắc... chúng tôi lên xe lửa đi Tứ Xuyên trên một đoạn đường dài gần 1.800 km trong khoảng thời gian 18 tiếng đồng hồ để đến ngôi nhà của một thi hào Trung Hoa (đời nhà Đường) mà người Tứ Xuyên vẫn tôn sùng: Lý Thái Bạch. Chỉ là một chuyến đi mà hầu hết thời gian là ngồi trên xe, nhưng...

Nhà ga và xe lửa ở Trung Hoa:

Tiếng loa oang oang phát trên đầu làm tôi giật mình... “hết hồn”, vội vàng chạy như đuổi theo đoàn đang đi phía trước vì sợ lạc. Nhà ga xe lửa ở Côn Minh quá rộng, quá nhiều lối đi, trông gần giống như một cái... sân bay, được thiết kế thấp hơn mặt đất bên ngoài cổng ga hàng chục mét. Máy lạnh mở mát rượi, ngay sau cổng vào là máy soi hành lý có hai nhân viên ngồi ở hai bên, kiểm tra nghiêm ngặt bất cứ người khách nào vào. Người đi tàu hoả đông như trẩy hội và đoàn tàu dài hàng mấy chục toa khiến chúng tôi ngơ ngác mất mấy phút mới xác định được đúng toa tàu mình đã mua vé. Trong cái sân ga rộng như thế này, nếu một ai trong nhóm chúng tôi vô phúc đi lạc thì chỉ có nước không còn “đường về quê mẹ”. Vì không biết tiếng, khi lưu lạc xứ người có xin gia nhập “cái bang” cũng có thể không được nhận vì... không biết viết đơn! Tất cả những đường lên tàu ở trong cái sân ga này đều không phải băng qua bất kỳ một đường ray nào, dù tàu đang nằm ở đâu.

Khi gặp đường ray, các con đường dẫn đến tàu hoặc chui xuống đất, hoặc vượt lên cao để dẫn khách bộ hành đến thẳng đoàn tàu muốn đến... Chúng tôi nuối đuôi nhau thành hàng dài tìm cách đưa hành lý lên tàu. Toa tàu ở đây rất rộng, bục lên xuống toa nằm ngang với mặt đường (đường ray nằm sâu ở dưới) nên việc đưa hành lý lên không quá khó như những đoàn tàu ở Việt Nam. Toa tàu nằm không có vách ngăn giữa giường và lối đi chung nên trông giống như một ngôi nhà dài. Không một valise nào được phép để lòi ra ngoài trên kệ hành lý. Trước khi đoàn tàu lăn bánh, nhân viên trên tàu đi đến từng toa, lặng lẽ leo lên sắp xếp lại từng chiếc valise để bảo đảm chúng không gây thương tích cho hành khách. Đúng giờ, đoàn tàu khởi hành, chúng tôi dần rời xa thành phố Côn Minh. Trên con đường dài hàng ngàn cây số, chúng tôi bắt đầu đi qua miền Tây nước Trung Hoa trong tiếng tàu chạy êm êm, không dằn sóc...

Trời dần về đêm, khung cảnh đầu tiên mà chúng tôi thấy trên đường thiên lý là những dãy núi đá cao ngất trời, trơ trọc bên những con sông chạy dài theo đường xe lửa. Ở những đoạn gặp núi chắn ngang, xe lửa không leo đèo mà chui qua những cái hầm ngầm dằng dặc với tiếng gió hú rợn người. Theo những hành khách đi cùng chuyến tàu, chúng tôi được biết xe lửa này chạy với tốc độ bình quân gần 100 km/giờ. Xe chạy hàng mấy giờ liền chỉ thấy núi đá, chúng tôi đi ngủ và thức dậy vẫn thấy núi đá. Núi trọc nối tiếp núi trọc, thỉnh thoảng lại chen lẫn vào đó những dãy núi lỗ chỗ hố đục đều đặn trên sườn đá, trong đó có những cái cây con. Hiện tượng này chứng tỏ trước đây các trái núi này cũng có rừng nhưng đã bị người dân khai thác hết qua các thời kỳ mà chính phủ chưa quan tâm lắm đến việc bảo vệ rừng và bây giờ họ đang bắt đầu khôi phục lại những rừng cây đã mất. Ơư những đoạn xe lửa cặp núi hoặc xẻ núi mà đi, chúng tôi ngỡ ngàng trước những công trình lưới thép bao bọc sườn núi của ngành giao thông công chánh nước Trung Hoa khi bảo vệ đường ray, tránh tuyệt đối những tai nạn cho các đoàn tàu...

Núi điệp trùng núi và những ruộng đất khô cằn, manh mún cho chúng tôi biết người dân Tứ Xuyên nghèo từ hàng ngàn năm nay vì không thể sống no ấm bằng nông nghiệp. Không hiểu người dân xứ này làm gì để biến vùng đất đầy núi non của họ thành thế mạnh trong giai đoạn hiện tại?

Cô hướng dẫn viên Mỹ Linh trả lời thắc mắc của tôi bằng một câu nửa đùa, nửa thật: “Tỉnh Tứ Xuyên có thế mạnh là khoáng sản, du lịch. Tuy đất dùng trong nông nghiệp của Tứ Xuyên không nhiều nhưng cũng không thể xem thường được đâu nhé, Tứ Xuyên cũng có thế mạnh về hoa và cả nghề nuôi ong. Ơư đây có những trại ong cho ra các loại mật mà không đâu có được vì chỉ có Tứ Xuyên mới có độ cao như thế để cho những loài hoa ấy mọc cho ong hút nhuỵ, và những loài ong ấy cũng chỉ sống trên vùng đất cao nguyên Tứ Xuyên mới cho ra loại mật ấy...” Vâng, chỉ cần một thế mạnh mà biết phát huy đã là quá đủ, đằng này... Đó là chưa kể đến yếu tố con người.

Chuyện ở cố cư Lý Thái Bạch:

Chúng tôi đến ngôi nhà của thi sĩ Lý Bạch vào lúc sáng sớm, trời vẫn còn mờ sương. Điều đầu tiên chúng tôi thấy tại cố cư Lý Bạch là hàng ngàn người dân địa phương đang lui cui ngồi cạo, rửa những viên gạch lót nền của công viên trong cái lạnh se thắt của vùng cao nguyên. Trên một mảnh đất rộng hàng chục hecta, cố cư Lý Bạch hiện ra hoành tráng với đầy đủ công viên, hòn non bộ, tượng đài... Nó đang được tu sửa và những người dân ở đây đã tự nguyện đến làm sạch đẹp khu vực mà từ đó, có thể thu hút tiền của khách du lịch, khiến cho cuộc sống của họ sung túc hơn. Trong số những người dân đang làm công ích, có rất nhiều cô, cậu bé còn đang ở độ tuổi học sinh, vẫn còn mắc cỡ bỏ trốn mỗi khi có du khách nào chĩa ống kính về phía họ...
 

Những cô bé học sinh đi làm lao động ở Cố cư Lý Thái Bạch
Cô hướng dẫn viên xinh đẹp người Tứ Xuyên đang giới thiệu cho Mỹ Linh và chúng tôi những di tích trong cố cư Lý Bạch. Chỉ là những gian nhà cổ giữ nguyên dáng vẻ như thời nó mới được xây dựng cách đây hàng mấy trăm năm với mái ngói rêu phong, sân gạch, giếng đá... thế mà chúng tôi cũng mất hàng giờ mới có thể tham quan hết một vòng. Lồng trong những hiện vật là những câu chuyện kể, có cái là chính sử, có cái là dã sử và cũng có cái là huyền sử... “Sử” nào cũng được cô hướng dẫn viên nhồi nhét vào đầu chúng tôi một cách khéo léo theo kiểu giáo dục bằng trực quan sinh động.
 
Bên cạnh khu nhà cổ là một khu nhà khác trông giống cổ nhưng đích thị là một khu buôn bán đồ lưu niệm. Trong đây, tất cả những thứ gì có liên quan hay không liên quan đến Lý Thái Bạch đều được bày bán, từ những chiếc quạt có đề thơ, những bức thư pháp, bình rượu... đến cả những viên đá thoạt nhìn tưởng như chẳng có giá trị gì.
 
Ngay trong gian nhà chính, nơi Lý Thái Bạch từng luyện võ, ôn văn, chúng tôi thấy có một viên đá to, xù xì, được đặt trang trọng trên kệ gỗ, có kính bảo vệ. Hỏi ra mới biết: tương truyền, đó là hồn của nhà thơ họ Lý vì khi nhân dân Tứ Xuyên đang lập đàn cúng tế ông, viên đá (giống như một thiên thạch) đã bay từ trên trời xuống. Như để củng cố niềm tin của chúng tôi, cô hướng dẫn viên kiên quyết khẳng định đó là viên đá thực!
 
Cố cư Lý Thái Bạch ở cách “Kiếm môn thục đạo” không quá xa. Đây lại là một danh thắng gắn liền với một giai đoạn hào hùng của dân tộc Trung Hoa: thời Tam Quốc.

Chính phục Kiếm Các sơn:

Hẻm núi ở Kiếm Các Sơn

Có thể nói: chỉ có những lực sĩ hoặc “chân hảo hán” mới đi qua nổi quả núi quá hiểm ác này bằng cách... leo. Theo truyền thuyết, ngày xưa để mở đường đi qua Kiếm Các Sơn, vua nước Thục đã phải cử 3 đại lực sĩ vác búa phá đường. Sau một thời gian dài, khi những đại lực sĩ kiệt sức thì cũng là lúc “sạn đạo” (san đạo, sơn đạo, đường núi) hình thành. Con đường cheo leo nằm vắt qua những vách núi, có khi là một đoạn đường đẽo vào núi, có khi là một đoạn đường bằng gỗ, chống vào núi trong những cái khe, lỗ do con người tạo ra. Aáy thế mà nó đã từng là con đường huyết mạch để các đoàn quân vận chuyển người, lương thực từ Tứ Xuyên ra Trung Nguyên. Chính tại sạn đạo này, Khổng Minh Gia Cát Lượng đã từng “lục xuất Kỳ sơn”, đưa lực lượng ra khỏi đất Thục với tham vọng làm bá chủ Trung Hoa.
 

Kiếm các Sơn

Toàn là đá tai mèo, toàn bộ con đường chỉ là những bậc thang đi lên, lên mãi... Chúng tôi đang chui vào một khe hẹp, hai bên là vách đá dựng đứng, cao đến nỗi không thấy ánh mặt trời. Ra khỏi khe núi, nhìn tới phía trước, chúng tôi lại tiếp tục... bải hoải khi vẫn thấy những bậc thang hướng lên trên!
 
Quả là phong cảnh Kiếm Các Sơn rất kỳ thú. Đi qua những hang động và vực sâu, nhìn từ trên cao xuống dưới, có thể thấy những thửa ruộng bậc thang xếp hàng thẳng tắp, nằm ẩn hiện trong khói lam chiều dưới ánh tà dương. Đã vào tháng tư, nhưng những nhánh mai rừng vẫn trụi lá, cho ra những nụ xuân e ấp...
 
Chỉ là một sạn đạo leo đến muốn ngất xỉu vì mệt, nhưng du khách vẫn cứ kéo về nườm nượp. Không thể phủ nhận vẻ đẹp phong cảnh ở nơi đây, nhưng nếu con đường vẫn là đường núi thô sơ y như ngày xưa thì có lẽ nó vẫn là một địa danh nổi tiếng hiểm trở mà người nghe ít ai muốn đặt chân đến.

Ký sự của Hữu Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.