Trung Hoa du ký!

30/05/2006 16:38 GMT+7

Khác với những chuyến du lịch bằng máy bay với sự hỗ trợ của những phương tiện hiện đại đến những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến... Lần này, trên lộ trình dài gần 5.000 km đường bộ, chúng tôi đã đi qua gần hết miền Tây nước Trung Hoa, xuyên qua hai tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên để tận mắt ngắm nhìn cái giang sơn mà người Trung Hoa thường tự hào là “cẩm tú”, trực tiếp tiếp cận với những người dân quê chưa từng biết mùi thị thành và cảm nhận một Trung Hoa khác, một Trung Hoa với đầy rẫy những hoài niệm về mấy ngàn năm lịch sử, cuồn cuộn trong lời ca mộc mạc của những người dân tộc Tạng trên thảo nguyên mênh mông, bay trong gió tuyết mịt mù...

Kỳ 1: Nhất, đáo Vân Nam

Cũng giống như những ông cha chúng ta ngày xưa khi đi sứ sang Tàu, chúng tôi quyết định đến Trung Hoa bằng đường bộ. Sau một đêm vật vã nằm xe lửa từ Hà Nội lên Lào Cai, chúng tôi đến Sa Pa vào lúc 6h30 ngày 1/4/2006. Bên cây cầu biên giới to rộng vừa mới được xây xong cách đây không lâu để thay chiếc cầu Kiều cũ nát do lịch sử để lại, hàng đoàn người nối đuôi nhau làm thủ tục ở hai bên cửa khẩu, đa số là những người đi bằng giấy thông hành, qua biên giới để buôn bán, trao đổi hàng hóa rồi ra về trong ngày.

Trên chiếc cầu dài dằng dặc, những chiếc xe tải chở hàng và những chiếc xe đạp thồ nối đuôi nhau ngược xuôi, một ngày buôn bán giữa hai quốc gia xem ra được bắt đầu một cách khá tất bật. Vừa bước ra đến giữa cầu, đoàn người của chúng tôi đã phải dừng lại vì ngạc nhiên khi một người trong đoàn phát hiện ra hiện tượng kỳ lạ đang diễn ra dưới dòng sông: tại một khúc quanh cách cầu không xa, dòng sông Nậm Thi nước trong xanh đang hòa dòng chảy vào sông Hồng nước đỏ quạch khiến nước ở ngã ba sông này được phân chia ra hai màu xanh, đỏ rõ rệt. Sông Hồng, nơi thượng nguồn ở tỉnh Vân Nam trông không khác mấy với một dòng suối lớn, rất hiền hòa, yên ả trôi về Nam...

Chưa sang đến Trung Hoa, trong chúng tôi đã có người nhớ nhà, vài người quay mặt nhìn về phía Việt Nam, ngậm ngùi như đang nhắn gửi những lời nhớ thương cho người thân bên kia biên giới. Vừa qua khỏi cửa khẩu, chúng tôi đã gặp một cái chợ rất hiện đại, mang tên Hà Khẩu, trong chợ bán đủ thứ mặt hàng từ thượng vàng đến hạ cám với giá rẻ đến bất ngờ, tiểu thương gồm cả người Việt lẫn người Hoa. Không khí se lạnh trong tiết cuối xuân, dõi mắt nhìn ra xa, chúng tôi chỉ thấy núi non chập chùng...

Người Trung Hoa xưa vẫn gọi Vân Nam là vùng Miêu Cương - tức nơi của những người thuộc các sắc tộc thiểu số (so với người Hán) sinh sống - nổi tiếng sơn lam chướng khí, ma thiêng nước độc. Trong tác phẩm “Tiếu ngạo giang hồ” của nhà văn lừng danh Kim Dung, Vân Nam là nơi phát xuất Ngũ độc giáo với nữ giáo chủ tên Lam Phượng Hoàng xinh đẹp, áo quần sặc sỡ, có tài dùng độc kinh người, rất lẳng lơ, gợi tình nhưng lại tốt bụng, mộc mạc...

Không hẹn mà một vài thanh niên trong nhóm của chúng tôi đã cùng nhau nhắc đến những câu chuyện huyền bí trong giới võ lâm Trung Hoa cách đây hàng ngàn năm - trong lúc đang ngắm nhìn cảnh vật của Vân Nam trôi vùn vụt qua cửa kính xe: những đỉnh núi, hang động "trơ gan cùng tuế nguyệt", chứng kiến những cảnh đời, những con người đã đi qua đây trong nhiều giai đoạn lịch sử.

Chiếc xe 30 chỗ ngồi hiện đại vẫn luồn lách trên những con đường đèo lò xo, chui qua những khe núi hẹp, leo dần lên những độ cao mới. Suốt cả đoạn đường dài hàng trăm cây số, xe của chúng tôi chỉ đi qua những sơn đạo trên những quả núi liên tiếp nhau ở độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển. Không thấy một cô gái Miêu Cương nào giống như những điều chúng tôi vẫn hình dung khi đọc các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung, chỉ thấy những người đàn ông mặc áo ấm phóng những chiếc xe mô tô phân khối lớn trên đường núi. Chốc chốc, lại bắt gặp mấy ngôi nhà nằm cheo leo trên vách đá, những chú gấu đen thui đang nhởn nhơ nô đùa, nằm phơi nắng... Ở đâu cũng thấy rừng và hoa, có khi xe chạy ven những vực thẳm sâu hàng “vạn trượng” làm chúng tôi liên tưởng đến những cảnh nói về nước Đại Lý của gia tộc họ Đoàn trong phim “Thiên Long Bát bộ” (cũng từ tác phẩm của Kim Dung) được xem trên HTV cách đây 2 năm.

Vân Nam với những dãy núi trùng trùng điệp điệp nối đuôi nhau chạy dài

Cô hướng dẫn viên du lịch có cái tên Việt rất hay là Lương Mỹ Linh đang giới thiệu về những nông trại nuôi gấu ở vùng Vân Nam, kể về những loại kỳ hoa dị thảo mà chỉ ở tỉnh Vân Nam mới có, và kể về một người rất nổi tiếng thời xưa của Trung Hoa là Ngô Tam Quế. Vào thời Minh mạt, chính Ngô Tam Quế (lúc đó là một tướng trấn thủ biên cương) đã dẫn quân Mãn Thanh ngoài quan ải vào đánh dẹp nghĩa quân của Sấm Vương Lý Tự Thành với mục đích cứu giá vị vua cuối cùng của nhà Minh là Sùng Trinh hoàng đế. Thế nhưng, sau khi quân của Lý Tự Thành bị nhà Thanh dẹp sạch thì nhà Minh cũng mất, Ngô Tam Quế trở thành Bình Tây Vương của nhà Thanh, được cắt đất, chia cho cai quản vùng Vân Nam và ông đã chọn Côn Minh làm thủ phủ...

Chúng tôi đang trên đường tới Côn Minh, cô hướng dẫn viên cho biết đoạn đường dài khoảng 500 km, đa số là đường đèo, có rất ít đường cao tốc. Trên đường đi, xe của chúng tôi sẽ qua thành phố Mông Tự - nơi mà vào năm 2003 vừa được chính phủ Trung Hoa cho 30 tỉ nhân dân tệ để xây dựng một thành phố mới. Theo Mỹ Linh, chỉ riêng cái cổng chào của thành phố thôi, đã ngốn hết 3 tỉ nhân dân tệ và đó thực sự là một công trình hoành tráng, diễm lệ, đáng để cho nhân dân thành phố Mông Tự hãnh diện với các thành phố khác trong nước.

Trời càng lúc càng lạnh, gió thổi rì rào trên những đỉnh núi đầy mây mù... Cuối cùng, sau khoảng 6 tiếng đồng hồ len lỏi trên đường đèo, chiếc xe chở chúng tôi cũng ra đến đường cao tốc.

Cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi nhìn thấy đường cao tốc ở tỉnh Vân Nam được diễn tả qua 2 từ "choáng ngợp!". Con đường rất rộng, bằng phẳng, dài hàng trăm cây số với những barie bằng inox chắn giữa đường để bảo vệ những bồn hoa sặc sỡ dài hút mắt... Để duy tu bảo dưỡng con đường và chăm sóc những đóa hoa luôn tươi thắm, chắc chắc phải tốn rất nhiều tiền và công sức. Có lẽ chính vì vậy mà những đóa hoa ấy luôn khoe mình dưới nắng đầy kiêu hãnh như để khẳng định sự văn minh, phát triển và sự nghiêm minh của pháp luật nơi những vùng đất chúng tôi đã đi qua.

Xe rẽ vào Mông Tự, chúng tôi lại tiếp tục choáng ngợp trước những con đường, những ngôi nhà mới xây chưa có người ở. Nhà ở đây, đường ở đây, chỉ có thể nói bằng 2 từ "to đẹp". Cô hướng dẫn viên Mỹ Linh vẫn thao thao nói về những ngôi nhà lộng lẫy đang được xây cất, được quy hoạch như trong những khu phố đẹp nhất ở Phú Mỹ Hưng tại TP.HCM. Giá của những ngôi nhà ấy, chỉ vào khoảng 6 triệu đồng Việt Nam/m2. Đến lúc này thì chúng tôi thực sự không hiểu rằng: Tại sao giá nhà đất ở Trung Quốc lại rẻ đến thế? Và tại sao giá nhà, đất ở Việt Nam lại cao như vậy? Đến bao giờ những người lao động chân chính như chúng tôi mới được ở trong những ngôi nhà đẹp, tại những khu phố hiện đại như chúng tôi đang thấy trên quê hương mình?

Mông Tự chỉ là một thành phố đang xây dựng dở dang, Côn Minh còn ở xa lắm. Và tất nhiên, Côn Minh còn ở trên Mông Tự trong bảng xếp hạng các thành phố của nước Trung Hoa mênh mông...

Ký sự của Hữu Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.