Trung Quốc bớt 'tưng bừng mua sắm' công ty ngoại vì Tổng thống Donald Trump

22/03/2017 18:00 GMT+7

Các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) ở nước ngoài của Trung Quốc vừa chậm lại, một phần là vì quy định chặt chẽ hơn, một phần là vì lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Dealogic, từ đầu năm đến nay, các công ty Đại lục công bố 25 tỉ USD giá trị các thương vụ thực hiện ở nước ngoài, giảm đến 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới chuyên gia cho rằng hoạt động M&A của doanh nghiệp Đại lục sẽ suy thoái suốt cả năm nay vì Bắc Kinh tăng cường giám sát đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia Benjamin Quinlan thuộc hãng tư vấn Quinlan and Associates cho hay: “Chính phủ đang quay lưng lại với những công ty này. Họ cho rằng trừ khi có lý do bắt buộc để thực hiện M&A, tiền nên được giữ trong nước”.
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp Đại lục hăng hái thâu tóm, sáp nhập công ty khắp đông và tây. Dealogic cho biết các thương vụ nước ngoài lập kỷ lục mỗi năm kể từ năm 2009, tăng lên hơn 500% lên mức 226,5 tỉ USD hồi năm ngoái.
Chuyện “tưng bừng mua sắm” cũng khiến tiền “bay” khỏi Đại lục, làm suy yếu thêm nhân dân tệ vốn đã mất giá. Để cân bằng giá trị nội tệ, Bắc Kinh chi hơn 1 tỉ USD dự trữ ngoại hối để mua vào nội tệ từ giữa năm 2014.
Theo nhà kinh tế Julian Evans-Pritchard của Capital Economics, có một số thời điểm chính phủ Trung Quốc cảm thấy rằng tình hình đang nằm dưới tầm kiểm soát. “Song sau đó ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và chúng ta chứng kiến giá trị USD nhảy vọt. Tôi nghĩ rằng điều này làm Trung Quốc khá hoảng sợ và vài tuần sau đó, họ áp đặt biện pháp kiểm soát vốn cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài”, ông Evans-Pritchard nhận định.
Cuối năm ngoái, chính phủ Đại lục tăng giám sát nhiều giao dịch, bao gồm các thỏa thuận trị giá hơn 10 tỉ USD, các khoản đầu tư bất động sản lớn hơn 1 tỉ USD của doanh nghiệp quốc doanh và các khoản đầu tư chảy vào doanh nghiệp Trung Quốc được niêm yết ở nước ngoài. Động thái này diễn ra sau khi Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát chuyển đổi tiền tệ, trì hoãn một số giao dịch.
Đầu tháng này, thương vụ mua lại hãng giải trí Dick Clark Productions của tập đoàn Trung Quốc Dalian Wanda thất bại, và nỗ lực mua câu lạc bộ bóng đá AC Milan của một nhóm các nhà đầu tư Đại lục khác thì bị trì hoãn. Chuyên gia Chunsek Chan của Dealogic cho rằng từ bây giờ, các thương vụ lớn từ phía Trung Quốc nên được quên đi. Theo ông Chan, ít có khả năng một thương vụ lớn như việc hãng ChemChina chi 43 tỉ USD để mua hãng hóa chất Syngenta xảy ra lần nữa. Thương vụ giữa ChemChina và Syngenta là thương vụ mua lại lớn nhất ở nước ngoài của một doanh nghiệp Trung Quốc.
Thay vào đó, các thương vụ nhỏ phù hợp với lợi ích chiến lược của Bắc Kinh, chẳng hạn như thương vụ giúp nước này tiếp cận với các nguồn lực hoặc thâu tóm trong mảng công nghệ, sẽ có nhiều khả năng được thông qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.