Trung Quốc: Cải tiến cây bút bi để đổi mới kinh tế

19/01/2017 15:00 GMT+7

Tuần trước, Trung Quốc công bố rằng họ đã nắm vững việc làm ra chiếc bút bi. Nghe có vẻ lạ, nhưng đây là tin lên trang nhất và được thảo luận rộng rãi trên báo đài.

Bài viết này là góc nhìn của ông Adam Minter, cây bút chuyên mục Bloomberg View kiêm tác giả quyển Hành tinh phế liệu: Đi vào dòng thương mại rác hàng tỉ USD.
Tuần trước, Trung Quốc công bố rằng họ đã nắm vững công nghệ làm ra chiếc bút bi. Đừng cười, đây là nỗ lực kéo dài nhiều năm, làm tiêu tốn nhiều triệu USD và đòi hỏi sự lãnh đạo của một doanh nghiệp nhà nước lớn. Đây là tin tức lên trang nhất, được thảo luận rộng rãi trên báo đài.
Và đây cũng chẳng phải sự việc chỉ diễn ra một lần. Trung Quốc đang kỳ vọng các “đổi mới” mà chính phủ bắt buộc như trên sẽ vực dậy nền kinh tế, giúp đất nước thăng bậc trong bảng xếp hạng những nước công nghệ tiên tiến. Thật không may, các nỗ lực dạng này lại có khả năng trầm trọng hóa sự thiếu hiệu quả vốn đã và đang kìm chân kinh tế Đại lục.
Bút bi không thực sự mới với Trung Quốc. Nước này có 3.000 nhà sản xuất, cho ra lò 40 tỉ chiếc bút mỗi năm và cung ứng 80% nhu cầu thế giới. Chỉ có một vấn đề: Trung Quốc không có các loại hợp kim tiên tiến và máy móc cần thiết để làm ra cây bút và nắp bút chất lượng cao. Vì vậy, 90% đầu bút bi “made in China” là nhập khẩu. Bút được làm hoàn toàn từ các thành phần trong nước được xem là kém chất lượng. Đây là ý kiến mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra năm 2015. Ông Lý nói: “Đó là tình hình thực tế chúng ta đối mặt. Chúng ta không thể làm ra những cây bút bi với chức năng viết lách trơn tru”.
Đối với Thủ tướng Trung Quốc và nhiều quan chức khác, vấn đề ở đây lớn hơn việc sản xuất ra cây bút giúp người dùng ký tên thật mượt. Nhiều năm qua, cây bút bi là biểu tượng phổ biến của các lỗ hổng và sai sót nhận thức trong cụm công nghiệp rộng lớn của Đại lục, biểu tượng của “danh tiếng” chất lượng kém và chuyện thiếu khả năng sản xuất sản phẩm chất lượng tốt hơn. Giữa một nền kinh tế giảm tốc, những khuyết điểm bắt đầu được các cấp chính phủ cao nhất chú ý đến.
Năm 2011, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc mở dự án “Nghiên cứu, Phát triển và Công nghệ hóa các Vật liệu chính cho ngành Công nghiệp Bút bi”. Bộ này phân bổ gần 9 triệu USD và chỉ định Taiyuan Iron & Steel Group (TISCO) - nhà sản xuất thép không gỉ quốc doanh lớn - dẫn đầu dự án.
Động thái trên cũng là một khuôn mẫu. Nhiều thập niên, giới hoạch định chính sách Đại lục ủng hộ các doanh nghiệp nhà nước với kết nối chính trị nhưng hoạt động không hiệu quả. Điều này gây ra kết quả đáng tiếc cho nền kinh tế. Nửa đầu năm 2016, hơn một nửa trong số khoảng 150.000 doanh nghiệp quốc doanh báo lỗ dù chiếm gần 1/4 doanh thu công nghiệp đất nước. Dưới thời lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khu vực công nghiệp được củng cố và vai trò của nó trong cải cách kinh tế càng được quan tâm.
Và đó là nơi vấn đề thực sự bắt đầu. Ngay cả khi một công ty tư nhân muốn tham gia đầu tư sản xuất bút bi chất lượng cao, lo ngại xung quanh việc công nghệ mới bị đánh cắp có thể làm chùn chân họ. Với các nhà sản xuất này, điều này đồng nghĩa với việc là làm ra loại bút chất lượng thấp hơn thì dễ dàng hơn và lời nhiều hơn. Thay vì thực hiện quá trình cải cách sở hữu trí tuệ gian khổ, chính phủ Trung Quốc lại giao nhiệm vụ cho công tác đổi mới và bơm tiền cho các hãng quốc doanh vốn nghĩ đến chính trị trước khi bàn đến lợi nhuận.
TISCO là ví dụ tốt. Khách quan mà nói, không có cơ sở kinh doanh nào để hãng tiến hành sản xuất đầu bút bi. Năm 2015, hãng xuất khẩu hơn 10 triệu tấn thép. Trong buổi phỏng vấn trên truyền hình gần đây, một quan chức thuộc Hiệp hội Bút bi Trung Quốc, người thúc đẩy dự án, thừa nhận rằng với TISCO, trách nhiệm được giao “chẳng mấy có hiệu quả xét về mặt chi phí”. Câu nói này ngụ ý: Dự án mất nửa thập niên siêng năng nghiên cứu và phát triển nhưng có thể không đem lại lợi nhuận trong vài năm tới.
Tệ hơn, ngành công nghiệp bút bi có thể chịu thiệt vì động thái lẽ ra là để hỗ trợ. Tháng 11.2016, TISCO được cho phép đặt ra tiêu chuẩn công nghiệp mới cho đầu bút bi Trung Quốc. Hậu quả ngay tức thì là các nhà sản xuất khác bị buộc phải thay đổi để phù hợp với thông số kỹ thuật của TISCO. Dài hạn, tiêu chuẩn của TISCO có thể dẫn đến tình trạng độc quyền nội địa khi nhắc đến sản phẩm đầu bút bi.
Đây là mô hình kém để khai thác tiềm năng sản xuất và cải tiến của Trung Quốc. Con đường tốt hơn là nước này tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ để giới doanh nghiệp tư nhân có thể tự tin rằng sáng tạo của họ thuộc về họ. Cùng lúc, đại tu hay cho phá sản các hãng nhà nước thua lỗ sẽ giúp nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn, bảo đảm rằng tài nguyên chảy về các công ty có ý tưởng tốt thay vì các công ty hưởng liên kết về mặt chính trị. Với Trung Quốc, đây có thể là sự đổi mới quan trọng nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.