Trung Quốc - cơ hội và mối đe dọa với ông Donald Trump

27/12/2016 11:52 GMT+7

Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ giữa nền tảng chính trị trong thế giới thay đổi liên tục: những quy tắc hậu Thế chiến thứ hai chết dần, các liên minh lâu đời thay đổi và nhiều vai trò truyền thống lu mờ.

Giữa lúc ông Trump là một dấu hỏi lớn trên trường quốc tế, phóng viên Bill Neely của NBC News xem xét các thách thức quốc tế lớn mà Tổng thống Mỹ đắc cử phải đối mặt khi nhậm chức vào ngày 20.1 sắp tới.
Hồi tháng 10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bay đến Bắc Kinh và tuyên bố quan hệ đồng minh kéo dài hàng thập niên với Mỹ đã chết. Ông Duterte nói đây là thời điểm để “nói lời tạm biệt” với Mỹ và cho rằng “chỉ Trung Quốc mới có thể giúp” Philippines.
Sự đổi trục này là kịch tính, báo hiệu chuyện tái sắp xếp quan trọng nhất trong khu vực suốt nhiều thập niên. Đây còn là dấu hiệu về thách thức lớn mà Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump phải đối mặt: sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Sau hàng trăm năm chú trọng đối nội, Đại lục giờ phô diễn sức mạnh khu vực bằng cách xây dựng tàu sân bay và gửi lính đi nước ngoài. Dù Mỹ vẫn là cường quốc quân sự và kinh tế số một thế giới, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ nhì với lực lượng quân đội lớn nhất. Trung Quốc sẽ không bị ngó lơ. 
Chuyên gia Xenia Wickett thuộc viện chính sách Chatham House cho hay: “Quan hệ với Trung Quốc là chuyện quan trọng nhất đối với tổng thống kế tiếp, nó sẽ để lại nhiều hậu quả lớn nếu đi sai đường”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo quyền lực nhất ở Đại lục đang gửi đến Washington thông điệp mạnh mẽ: Trung Quốc đang thay đổi, các quan niệm cũ về sức mạnh toàn cầu và sự thống trị của Mỹ không còn đúng.
Ông Trump chẳng phí thời gian khi nhắc đến vấn đề Trung Quốc. Đây có thể là gợi ý cho những gì sắp diễn ra. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông thể hiện sự cứng rắn với Đại lục, cáo buộc nước này “cưỡng bức” kinh tế Mỹ và dọa áp thuế quan cao vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. Nếu chính sách tương lai của ông Trump có thể được đánh giá theo quyết định chọn nhân sự, Trung Quốc sẽ cần lo ngại khi tỉ phú bất động sản bổ nhiệm Peter Navarro làm người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia. Ông Navarro là người thẳng thắn phê bình quốc gia Đông Á trong cuốn sách Những cuộc chiến Trung Quốc sắp đến Chết bởi Trung Quốc.

tin liên quan

Trung Quốc sẽ thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Chiến thắng của ông Donald Trump dường như là thiệt hại cho Trung Quốc. Song liệu thực tế có phải thế? Bài viết của nhà báo hãng tin Bloomberg Michael Schuman sống ở Bắc Kinh (Trung Quốc) sẽ gợi ý câu trả lời giúp bạn.
Trong những ngày đầu trên cương vị Tổng thống Mỹ đắc cử, ông Trump đã nói chuyện với lãnh đạo Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Trung Quốc coi không hơn một tỉnh lị. Đại lục cho rằng chính sách “Một Trung Quốc” là “nền tảng chính trị” cho quan hệ Mỹ - Trung, và việc quay lưng với nó sẽ khiến hợp tác giữa hai nước lung lay.
Ông Trump có vẻ như kiên định trong việc kết thúc những gì được cho là sự nhún nhường của Mỹ trước Trung Quốc. Ngày 16.12, khi Trung Quốc giữ một máy bay không người lái của Mỹ ở vùng biển quốc tế mà nước này tuyên bố chủ quyền, ông chỉ trích Bắc Kinh trước khi thiết bị này được trả lại Mỹ vài ngày sau đó.
Giữa lúc này, một trong những quyết định chính sách đã được công bố là trục châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thất bại. Mỹ vẫn vướng vào cuộc xung đột Trung Đông và tham gia vào trò chơi quyền lực mới với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Một trong những điểm cần quan sát là mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung: hai người đàn ông khó lòng khác biệt nhiều hơn thế. Ông Tập đi qua 25 năm leo dần lên các bậc thang lãnh đạo, ông Trump đứng ngoài hệ thống chính trị và có kinh nghiệm bằng 0. Ông Tập hiếm khi thiếu thận trọng, ông Trump thì thoải mái. Cuộc gặp đầu tiên của hai lãnh đạo có thể hấp dẫn vì Tổng thống Mỹ đắc cử từng nói rằng ông sẽ mua cho người đồng cấp hamburger McDonald's.
Dù ông Trump dự định làm gì đi nữa, chắc chắn ông phải cần chiến lược mới vì như Nga, Trung Quốc đã và đang đầu tư đầy đủ cho sức mạnh quân sự. Quân đội Đại lục được đổi mới nhanh chóng và mức đầu tư vào sức mạnh chiến tranh mạng được cho là “khủng”. Hồi tháng 10, nhiều chuyên gia và giới chức cho biết các vụ hack bí mật doanh nghiệp Mỹ của Trung Quốc giảm mạnh trong 13 tháng kể từ khi nước này ký thỏa thuận ngăn chặn gián điệp kinh tế với chính quyền ông Obama. Tin tốt dành cho nước Mỹ nói trên có thể đảo ngược.
Tốc độ tăng trưởng, đòn bẩy và ảnh hưởng trong khu vực khiến Trung Quốc trở thành đối tác đáng ngại và yếu tố đối đầu tiềm năng. Trung Quốc còn đang trở thành cái tên cần thiết trong việc giải quyết nhiều vấn đề từ biến đổi khí hậu, khủng bố đến vũ khí hạt nhân, Trung Đông. Vì thế, Tổng thống Mỹ đắc cử cũng có cơ hội, không phải chỉ đối mặt với đe dọa.
Có một điểm chắc chắn là Trung Quốc sẽ không bị kiềm chế và ngày càng mạnh lên. Vì thế, khuynh hướng tìm kiếm an ninh từ Mỹ và cơ hội kinh tế từ Đại lục của nhiều nước châu Á có thể thay đổi. Những gì Đại lục đã và đang làm trong khu vực có khả năng đòi hỏi sự kiên nhẫn cùng kiềm chế từ Mỹ.
Chính quyền Mỹ mới có thể cậy nhờ những người bạn cũ khi đối mặt với một Trung Quốc đang lên. Ông Trump có thể phải làm việc chăm chỉ hơn, không chỉ với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc mà còn với những nước nhỏ hơn vốn có thể chịu ảnh hưởng từ hàng tỉ USD đi vay từ Đại lục. Cụ thể, đó là Philippines.
Mối nguy về Trung Quốc đang chia rẽ và thống trị khu vực, kéo Philippines xa khỏi Mỹ và gửi tín hiệu đến các nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore. Mỹ hiện đặt câu hỏi về trách nhiệm và vai trò toàn cầu của nước này. Trung Quốc cũng tự vấn tương tự, dù từ góc nhìn khác. Hai nước đều muốn đạt đến sự thông hiểu và ổn định, không tìm kiếm xung đột.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, Mỹ là cường quốc non trẻ còn Trung Quốc - quốc gia trung tâm thế giới - là đất nước lâu đời và khôn ngoan. Tại Bắc Kinh, sự kiêu ngạo của Mỹ có thể chẳng là gì. Tuy nhiên ở Washington, chuyện Mỹ nhún nhường trước “cơ bắp” Trung Quốc cũng ít khả thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.