Trung Quốc đang làm hại lợi ích của chính mình

17/06/2011 23:25 GMT+7

Nói không đi đôi với làm và khiến cả khu vực quan ngại, những hành động của Trung Quốc đang ngày càng phản tác dụng và làm hỏng lợi ích của chính nước này.

Đó là nhận định chung của các chuyên gia an ninh quốc tế trước việc Trung Quốc cử tàu tuần tra Hải tuần 31 vào biển Đông.

Ông nhận định thế nào về động thái cử tàu Hải tuần 31 vào biển Đông của Trung Quốc?

Tiến sĩ (TS) David Koh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS): Điều tôi tự hỏi trước tiên là những ai có mặt trên con tàu tuần tra đó dù trên danh nghĩa nó là tàu tuần tra dân sự. Nếu tàu Hải tuần 31 đi vào lãnh hải nước khác, nó có thể bị chặn lại và yêu cầu ra khỏi khu vực đó.

Giáo sư (GS) Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc: Nếu tàu Hải tuần 31 ngăn chặn hoặc tiếp cận một tàu khác không phải của Trung Quốc, hành động đó sẽ vi phạm luật pháp quốc tế. Vấn đề lớn hơn ở đây liên quan đến mục đích của con tàu, theo Cục An toàn hàng hải Trung Quốc, là tuần tra trên biển Đông. Nếu những con tàu tuần tra như thế được dùng cho mục đích quấy rối ngư dân hoặc can thiệp vào hoạt động hợp pháp của những nước khác, điều đó chỉ có thể làm tình hình biển Đông ngày một đáng quan ngại hơn.

 
GS Geoffrey Till


TS David Koh


TS Ian Storey


GS Carl Thayer - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những hành động trên biển Đông vừa qua của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến việc thực thi chính sách ngoại giao hòa hảo mà nước này luôn tuyên bố, thưa ông?

TS Ian Storey (ISEAS): Những động thái ngày càng ngang ngược trong vài tháng qua trên biển Đông hoàn toàn gây tổn hại hình ảnh chính sách hòa hảo và mô hình phát triển hòa bình của Trung Quốc. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang ngày càng quan ngại về những bất nhất giữa nói và làm của Bắc Kinh.

GS Geoffrey Till, khoa Nghiên cứu quốc phòng Đại học King (Anh): Tôi nghĩ hầu hết người dân Trung Quốc phải nhận ra điều này. Mối quan tâm lớn hơn, toàn diện hơn đối với Trung Quốc không phải là thực hiện những hành động biến mình thành kẻ bắt nạt trong mắt các nước khác. Có một điều tôi cho là Trung Quốc không bao giờ muốn diễn ra, đó là những hành động ngang ngược hiện nay của họ sẽ khiến các thành viên ASEAN xem xét lại quan hệ kinh tế đang quyện chặt lấy nhau của hai bên và tìm kiếm giải pháp thay thế, như Ấn Độ chẳng hạn. Đây là một hệ lụy Bắc Kinh hoàn toàn không mong đợi.

GS Thayer: Với việc nói không đi đôi với làm, những hành động của Trung Quốc vừa qua đang ngày một phản tác dụng và ảnh hưởng đến quyền lợi của chính nước này khi các quốc gia trong khu vực đang kêu gọi Mỹ góp tiếng nói mạnh hơn trong việc giải quyết hòa bình các bất đồng tại biển Đông.

Ông nhận định như thế nào về vai trò của Mỹ trong vấn đề này?

TS Storey: Mỹ có những mối quan tâm kinh tế và chiến lược trọng yếu tại biển Đông và luôn quan ngại rằng những căng thẳng gia tăng tại khu vực này sẽ ảnh hưởng đến chính quyền lợi của mình.

GS Thayer: Dĩ nhiên, Mỹ sẽ có những hành động để bảo vệ lợi ích của mình. Tôi cho rằng mối quan tâm chung hơn của Mỹ là duy trì hòa bình và ổn định tại biển Đông với ASEAN đóng vai trò chủ đạo. Mỹ sẽ hỗ trợ về mặt ngoại giao lẫn chính trị nếu Trung Quốc có những động thái “bắt nạt” các nước trong khu vực.

An Điền
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.